Vì sao dự án Lemont resort vấp phải sai phạm?

Thứ Tư, 01/06/2016, 10:03
Sau gần 1 năm dự án vẫn chưa được phê duyệt, chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng Le Mont Bavi Resort & Spa đã nôn nóng sửa sang, nâng cấp các công trình nhà ở. Đây chính là sai phạm của chủ đầu tư, gây bức xúc dư luận.


Chắc hẳn dư luận chưa quên câu chuyện xảy ra tại rừng quốc gia Ba Vì (Hà Nội) mới đây. Sau khi phát hiện sai phạm của Công ty TNHH Phát triển công nghệ (viết tắt là Công ty CFTD), chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng Le Mont Bavi Resort & Spa, từ đầu tháng 3-2016 đến nay, các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành thanh tra việc xây dựng, tôn tạo các công trình tại đây và toàn bộ các hợp đồng liên kết để tổ chức du lịch sinh thái trên địa bàn vườn quốc gia Ba Vì. Câu hỏi đặt ra là “Vì sao dự án Lemont resort vấp phải sai phạm?”.

Từ chủ trương quy hoạch đã được thông qua

Theo chủ đầu tư dẫn giải một số văn bản quy định về chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, và gần đây là Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 1-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020, tại Khoản 1, Điều 10, nêu rõ: “Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng”… nên Vườn quốc gia Ba Vì thuộc loại rừng đặc dụng và nằm trong nhóm được phép đầu tư du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí.

Đối với Công ty CFTD, từ năm 2008, sau khi ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết với Vườn quốc gia Ba Vì, nhất là sau khi quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc Ba Vì giai đoạn 2010- 2015, định hướng phát triển đến năm 2020 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, chủ đầu tư đề nghị được gia cố, tôn tạo, sửa chữa 13 công trình trên cơ sở các công trình phế tích cũ của Pháp để làm chỗ ở cho nhân viên, chuyên gia phát triển dự án. 

Tiếp đến, Quy hoạch chi tiết mặt bằng tổng thể phân khu hành chính dịch vụ I, trong đó có quy hoạch khu cốt 600m, 700m, 800m là địa điểm có nhiều phế tích công trình, có cảnh quan, độ dốc hợp lý để trồng bổ sung các loại cây bản địa quý hiếm phục vụ công tác bảo tồn, tạo cảnh quan, kết hợp phát triển du lịch sinh thái và báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cũng được các cơ quan chức năng phê duyệt... 

Dự án Le Mont Bavi đã nộp hồ sơ xin cấp phép nhưng gần 1 năm vẫn chưa được phê duyệt.

Trên cơ sở các chủ trương và quy hoạch đã được thông qua, chủ đầu tư đã có tờ trình gửi Tổng cục Lâm nghiệp và Vườn quốc gia Ba Vì xin thẩm định và phê duyệt Đề án xây dựng Khu dịch vụ du lịch sinh thái. Tuy nhiên đến nay, sau gần 1 năm dự án vẫn chưa được phê duyệt, và chủ đầu tư đã nôn nóng sửa sang, nâng cấp các công trình nhà ở. Đây chính là sai phạm của chủ đầu tư, gây bức xúc dư luận.

Lý giải về điều này, Công ty CFTD cho rằng, họ đã phải chờ đợi 8 năm mà vẫn chưa thể đi đến vận hành chính thức. Trong khi đó, tiền thuê đất 50 năm đã hoàn thành nghĩa vụ; doanh nghiệp đã thực hiện nhiều hạng mục công việc từ việc bảo vệ rừng, tổ chức đội tuần tra ngăn chặn người dân khai thác rừng bữa bãi, khôi phục các đường đi bộ giữa các phế tích thời Pháp, thu dọn phế tích, sửa chữa các hư hỏng, trồng bổ sung cây rừng, cây ven đường; gia cố kết cấu đường chống sạt lở, phục chế một phần phế tích... chi hàng chục tỷ đồng.

Đến thủ tục hành chính kéo dài

Về vấn đề này, Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, lâu nay chúng ta vẫn nỗ lực cải cách hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên lĩnh vực đầu tư, xây dựng vẫn còn nhiều hạn chế. Bằng chứng là các thủ tục cấp phép dự án kéo dài, trong đó có nhiều dự án, thủ tục hành chính kéo dài đến vài năm, trong khi đến giai đoạn xây dựng thì rất nhanh. 

Cũng theo ông Vạn, từ những năm 2000, ông đã theo đoàn của Thủ tướng Chính phủ đến Vườn Quốc gia Ba Vì, xem xét khu vực này và các phế tích biệt thự thời Pháp. Đây là khu vực rất có giá trị về du lịch, cảnh quan đẹp, khí hậu thoáng mát, đặc biệt là cốt 600, cốt 800.

"Khi đó, tôi phát biểu ý kiến là khu vực này nên khai thác để phục vụ người dân Thủ đô và cả du khách nước ngoài, nhưng cần học người Pháp ở mức độ, mật độ xây dựng, chỉ nên xây dựng trên nền biệt thự cũ. Thậm chí, một số biệt thự cần giữ lại làm dấu tích lịch sử. Ở rừng làm to thì mất tỷ lệ, làm dày thì không còn rừng. Yêu cầu là các biệt thự không được xây lớn, chỉ làm vừa phải, ẩn trong rừng thì mới có giá trị. Từ thời kỳ đó, các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Chính phủ đã đồng tình với chủ trương đầu tư. Không phải cứ bảo tồn là không được làm gì, bảo tồn là để phục vụ con người, miễn là sự khai thác đó đảm bảo bền vững và không can thiệp vào tài nguyên", ông Vạn cho biết.

Nói về thực trạng nhiều dự án bị kéo dài do thời gian cấp phép đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp, ông Vạn cho rằng, nếu hồ sơ thủ tục đã đủ thì cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm cấp phép; nếu không đủ năng lực thẩm định thì mời chuyên gia cùng tham gia thẩm định, bởi các thủ tục cấp phép dự án kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế chung, cũng như làm ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư.

Nguyễn Phương
.
.
.