Vụ vỡ chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco (An Giang): Cần sớm giải quyết dứt điểm

Thứ Sáu, 29/06/2018, 10:03
Chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco được kỳ vọng là bước đột phá trong ngành nuôi và chế biến cá tra ở An Giang, bắt đầu thực hiện thí điểm từ năm 2014. Theo đó, 12 hộ dân có kinh nghiệm trong việc nuôi cá tra thương phẩm được vay vốn từ Ngân hàng Agribank An Giang, nhưng không nhận tiền mặt mà nhận thức ăn nuôi cá, đơn vị này đứng ra trả tiền thay.

Trong đó, Công ty Thuận An là doanh nghiệp “độc quyền” thu mua cá của các hộ dân trong chuỗi liên kết. Sau đó công ty này sẽ thanh toán tiền cho người nuôi sau khi trừ đi khoản tiền mua thức ăn mà các hộ dân đã nhận trong vụ nuôi do ngân hàng đã trả trước đó…

Người nuôi “ôm nợ” 

Với quy trình trên, người nuôi kỳ vọng có cơ hội cải thiện được việc nuôi cá tra thương phẩm, vốn đang đứng trước nguy cơ “treo ao”. Sau 2 năm triển khai, 12 hộ nuôi trong chuỗi vui mừng khi chuỗi liên kết Tafishco hoạt động có hiệu quả, Công ty Thuận An đều trả gốc và lãi đúng hạn. Cho đến tháng 11-2016, bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng giám đốc Công ty Thuận An đi nước ngoài, mang theo số tiền bán cá của các hộ dân khoảng 80 tỷ đồng rồi biệt tích cho đến nay.

Ảnh: Báo An Giang.

Vụ việc kéo dài suốt hai năm qua đã đẩy nhiều hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết vào cảnh lao đao, khi vừa bị Công ty Thuận An chiếm mất tiền bán cá tra, lại vừa bị phía ngân hàng “gán nợ” số tiền trên. Các hộ dân đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi nhưng chưa ai giải quyết...

Để giải quyết dứt điểm câu chuyện kéo dài từ nhiều năm qua, ngành chức năng tỉnh An Giang thành lập Tổ xử lý khoản cho vay thí điểm chuỗi liên kết dọc cá tra (gọi tắt là Tổ xử lý 441), gồm: đại diện Sở Công thương, Ngân hàng nhà nước (NHNN), Sở NN&PTNT, Hội Nông dân, Agribank An Giang...

Mới đây, ngày 26-6, Tổ xử lý 441 đã có buổi làm việc với đại diện Agribank An Giang, Công ty Thuận An và các hộ nông dân tham gia trong chuỗi liên kết. Theo báo cáo của Tổ xử lý 441, tổng dư nợ trong chuỗi liên kết sản xuất cá tra đến ngày 28-2-2017 là hơn 129,4 tỷ đồng và bắt đầu chuyển sang nợ xấu từ ngày 17-2-2017.

Bức xúc trước việc bỗng nhiên “ôm nợ”, ông Nguyễn Văn Nghiệp (phường Bình Đức, TP Long Xuyên) cho rằng, ông cùng các hộ nuôi khác tham gia chuỗi liên kết được các ngành chức năng đánh giá là một chủ trương đúng đắn, theo quy trình và có phương án thành lập chuỗi liên kết đàng hoàng, nhưng khi sự việc xảy ra họ lại không được giải quyết.

“Chúng tôi luôn chấp hành đúng những quy định trong chuỗi liên kết. Nông dân chúng tôi không nhận đồng tiền nào của ngân hàng thì tại sao bắt chúng tôi phải gánh nợ. Trách nhiệm đòi nợ là của ngân hàng với Công ty Thuận An. Vậy tại sao giờ đây bắt chúng tôi phải chịu nợ xấu lên đến hàng chục tỷ đồng. Rồi sau này, chúng tôi phải làm ăn ra sao”, ông Nghiệp bày tỏ bức xúc.

Đa số các hộ nuôi trong chuỗi liên kết cho rằng, việc chuỗi liên kết thất bại do chọn lầm… doanh nghiệp. Cơ quan chức năng chưa thẩm định kỹ lưỡng doanh nghiệp, việc kiểm soát và giám sát dòng tiền vay chưa chặt chẽ.

“Ngân hàng và các hộ nuôi đều là chủ nợ của Công ty Thuận An nhưng tại sao phía ngân hàng được khai thác tài sản của công ty để thu hồi nợ, còn nông dân bán cá gần 2 năm nay không nhận được đồng nào. Trong chuỗi liên kết này, tiền vay mua thức ăn, tiền bán cá nông dân không được nhận, toàn bộ số cá thương phẩm đều đã giao cho Công ty Thuận An. Vậy khi công ty vỡ nợ thì tại sao chúng tôi phải gánh nợ. Khác nào chúng tôi trả 1 khoản nợ đến 2 lần”, nông dân Nguyễn Văn Tấn (ngụ xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), lo lắng và đề nghị được nghe giải thích thỏa đáng.

Nông dân không có lỗi

Tại buổi làm việc, ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh An Giang, cho biết: “Văn bản của NHNN Việt Nam vẫn khẳng định là vay trong chuỗi liên kết, chứ không phải hợp đồng vay thông thường. Sự đỗ vỡ chuỗi liên kết này là ngoài ý muốn. Các hộ dân đang rất bức xúc vì vừa mất tiền, còn phải đứng trước nguy cơ gánh nợ xấu”.

Còn ông Trần Văn Cường, Phó Viện Trưởng VKSND tỉnh An Giang  khẳng định: “Đối với vụ việc này, Bộ Công an đã khởi tố hình sự vụ án,  sau đó chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang điều tra, xử lý. Qua xem xét rất kỹ hồ sơ, tôi chưa tìm ra được lỗi của người nông dân trong vụ phá vỡ chuỗi liên kết này. Cụ thể, người nuôi thực hiện đúng điều khoản quy định giao cá cho Công ty Thuận An là hoàn thành nghĩa vụ”.

Ông Cường cho biết thêm, trong điều 4 của hợp đồng nguyên tắc số 05 ngày 12-8-2014, quy định rất rõ, nếu các bên không thoả thuận được tranh chấp thì kiện ra toà. Nếu cứ đối thoại thế này thì cũng sẽ không giải quyết được dứt điểm vụ việc. Trong trường hợp này, Agribank có thể khởi kiện nông dân tranh chấp hợp đồng hoặc kiện Công ty Thuận An. Ai làm sai thì chịu trách nhiệm và theo ông Cường nhìn nhận thì người nông dân sẽ không bị ghi nợ.

Cùng quan điểm trên, ông Võ Nguyên Nam, Giám đốc Sở Công thương An Giang, nhấn mạnh trong vụ việc này các hộ dân nuôi cá tra trong chuỗi liên kết Tafishco không có lỗi vì tuân thủ đúng nguyên tắc hợp đồng. Đề nghị Agribank An Giang có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân, không thể ghi nợ và để nợ xấu. Tổ xử lý 441 sẽ có văn bản trình UBND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ về buổi đối thoại, sẽ nêu rõ bản chất vấn đề và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo NHNN Việt Nam sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tỉnh và các hộ dân trong chuỗi liên kết này.

Trần Lĩnh
.
.
.