Cơn sốt săn giun đất và hiểm họa huỷ hoại môi trường

Chủ Nhật, 13/08/2023, 09:34

Thời gian gần đây, tại các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Sơn La, Tuyên Quang... rộ lên tình trạng dùng kích điện để bắt giun đất. Những người săn bắt dùng máy kích gồm hai que nhọn nối với bình ắc quy hoặc pin công suất lớn để cắm xuống đất, khiến toàn bộ giun trong khoảng một mét vuông sẽ chui lên.

Giun bắt về được loại bỏ nội tạng, sấy khô và bán cho những đầu mối đưa qua Trung Quốc với giá khoảng 600 – 700 nghìn đồng/kg. Chính vì mối lợi này, nhiều người đã bất chấp mối nguy hiểm, ngày đêm rình rập để kích điện, bắt giun bán kiếm lời.

Tại Bắc Giang, tình trạng này là nỗi ám ảnh của những hộ dân trồng cây ăn quả nơi đây. Như ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, tình trạng bắt giun đất bằng kích điện (kích giun) rộ lên từ khoảng giữa tháng 3 đến nay ở một số xã như: Tân Quang, Tân Lập, Đồng Cốc, Giáp Sơn, Cấm Sơn, Kiên Lao, Quý Sơn, Trù Hựu… 

Sau đó, ngành chức năng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo kiểm tra, xử lý, kết hợp tuyên truyền rộng rãi nên tình trạng trên đã giảm. Tuy vậy, vì hám lợi, nhân lúc đêm tối, buổi trưa, chỗ vắng người, nhất là sau mỗi trận mưa, một số người vẫn lén lút bắt giun. Việc đánh bắt giun đất trên đồng ruộng và các vườn cây ăn quả đã làm ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất, sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng; phá vỡ đa dạng sinh học, hủy hoại môi trường đất. 

ca mỹ an, ln.jpg -0
Công an xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang phát hiện đối tượng sử dụng kích điện bắt giun.

Ghé thăm vườn cam của gia đình bà Giáp Thị Mai ở xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, chúng tôi thấy được vẻ lo âu trên khuôn mặt người phụ nữ này. Bà Mai cho biết, gia đình bà luôn canh cánh nỗi lo vườn cam bị xóa sổ do nạn kích giun đất. Cùng chung nỗi lo với bà Mai, gia đình bà Phương ở gần đó đã bỏ ra gần 20 triệu đồng để mua thép B40 rào kiên cố nhưng vườn cam của bà vẫn bị những người kích trộm giun “ghé thăm” thường xuyên. Theo các chủ vườn, thì các đối tượng dùng điện bắt giun thường lợi dụng lúc chủ vườn về nhà ăn tối (khoảng 20h đến 23h) để hoạt động hoặc vào 2 đến 4h sáng khi chủ vườn ngủ say.

Để thu hoạch được cam, chủ vườn phải đầu tư cả tỉ đồng mỗi hecta và sau 5 năm mới được khai thác. Chính vì vậy, việc dùng điện kích giun làm cho cây bị chết khiến họ lo lắng. Ông Vi Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn cho biết, ngày 27/7, UBND xã đã kiểm tra tại một cơ sở thu mua, sơ chế giun ở thôn Phố Chợ. Cơ sở này thu mua giun đất từ ngày 30/3, với số lượng 40-60kg/ngày, giá từ 45 - 65 nghìn đồng/kg giun tươi. Mỗi ngày có 4-6 người từ xã Sa Lý và Tân Sơn đến bán giun. Sau khi sấy khô, giun được bán với giá từ 650 - 700 nghìn đồng/kg. UBND xã đã lập biên bản đề nghị cơ sở này tạm dừng thu mua giun đất; tuyên truyền nhắc nhở không tiếp tục kích giun.

Ở xã Mỹ An, Lục Ngạn, nhận được phản ánh của nhân dân về tình trạng đánh kích giun đất, từ cuối tháng 4, UBND xã đã chỉ đạo lực lượng Công an, Đài Truyền thanh xã đã tích cực tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật, đồng thời khuyến cáo nhân dân nâng cao cảnh giác, không cho các đối tượng vào vườn đánh bắt giun.

Được biết, trung bình mỗi ngày, 1 máy kích có thể đánh được 5 - 10kg giun tươi. Thời gian đầu, người dân cho các đối tượng này vào vườn của gia đình kích giun nhưng sau khi được tuyên truyền, bà con nhận ra được tác hại nên đã ngăn cấm. Nhiều hộ dựng biển cấm kích giun. Không được kích giun ở vườn của dân, nhóm đánh bắt giun đã tìm đến những khu đất công cộng, bãi đất ven đường, bờ mương, nơi vắng người để hoạt động.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Công an các huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, đặc biệt là tại huyện Lục Ngạn, Yên Thế – nơi có nhiều vườn cây ăn quả lâu năm đã phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền cho bà con không sử dụng điện để bắt giun, không cho người khác bắt giun trong vườn nhà mình.

Ngày 7/8, Công an xã Mỹ An, Lục Ngạn đã kiểm tra tại một số khu vực, vườn cây ăn quả trên địa bàn và đã phát hiện 2 người đang sử dùng điện để bắt giun. Tổ công tác lập biên bản và tạm giữ dụng cụ vi phạm. Cùng ngày, Công an xã Mỹ An cũng phát hiện, lập biên bản một đối tượng khác và tạm giữ một bộ thiết bị kích giun. Khi được hỏi, người này nói bán giun cho cơ sở thu mua ở xã Vô Tranh (Lục Nam) với giá 60 nghìn đồng/kg.

Được biết, toàn tỉnh Bắc Giang đã phát hiện 26 cá nhân tham gia hoạt động đánh kích giun, 9 cơ sở thu mua, sơ chế và 30 bộ kích điện bắt giun. Các vụ việc xảy ra nhiều tại các huyện: Lục Ngạn, Hiệp Hòa, Yên Thế, Lạng Giang. Bước đầu, Công an các xã mới chỉ lập biên bản tạm giữ thiết bị kích giun và nhắc nhở, răn đe song để xử lý các cá nhân liên quan vì chưa có chế tài xử lý. Trong khi đó, giá bán giun hiện đang khá cao, vì lợi nhuận trước mắt mà một số người vẫn đánh kích vào ban đêm ở những khu vực vắng người.

Chính vì vậy, để đảm bảo ANTT tại cơ sở, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục tập trung tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại nghiêm trọng từ việc đánh bắt, thu mua, sơ chế giun đất trái phép đối với sản xuất nông nghiệp, hệ sinh thái tự nhiên, từ đó có biện pháp tự bảo vệ vườn đồi của gia đình mình. Đồng thời, chỉ đạo đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ quan chức năng các huyện, TP, lực lượng Công an tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm.

Thông qua các lớp tập huấn, khuyến cáo người dân chú trọng sử dụng các loại phân bón hữu cơ nhằm cải tạo, tăng độ phì nhiêu của đất, tạo môi trường cho loài giun đất phát triển thuận lợi. Công an một số địa phương như Hoà Bình, Bắc Giang đã có chỉ đạo sát sao trong công tác tuyên truyền, cũng như thường xuyên cử lực lượng tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình và hỗ trợ cho người dân, sớm có hướng dẫn cụ thể về xử lý vi phạm để Công an cấp xã có thể xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi trên.

Phương Thuỷ
.
.
.