Lỏng lẻo trong kiểm soát thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại

Thứ Bảy, 09/03/2024, 07:15

Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT đều đã quy định rõ về phân loại chất thải, nhất là hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại (CTNH) nhưng trong một thời gian dài TP Hồ Chí Minh chưa thực hiện phân loại CTNH theo quy định. Do chưa quy định về phân loại nên việc kiểm soát đối với hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH trên địa bàn càng lỏng lẻo…

Chậm thực hiện phân loại chất thải nguy hại

TP Hồ Chí Minh đã có 17 KCX KCN được thành lập, đi vào hoạt động nên chỉ tính riêng tại đây, hằng ngày đã phát sinh một lượng CTNH rất lớn. Tuy nhiên, thông tin về công tác quản lý đối với hoạt động này, đại diện Ban Quản lý (BQL) các KCX - KCN TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố vẫn áp dụng theo Quyết định số 09 ngày 4/5/2021 về sửa đổi quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Trong đó chỉ quy định phân ra làm 2 loại, gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế và chất thải còn lại. Với quy định trên, doanh nghiệp không biết phải thực hiện thế nào là phù hợp trong khi Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chưa có hướng dẫn.

Để quản lý chất thải rắn, gồm cả chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp và CTNH trong phạm vi các KCX - KCN, BQL vẫn phải căn cứ theo quy chế phối hợp giữa BQL và Sở TNMT ngày 25/8/2017 về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong KCX-KCN trên địa bàn. Dù vậy, quy chế phối hợp này cũng chỉ dừng lại ở mức Sở TNMT chia sẻ thông tin với BQL về kết quả quan trắc chất lượng môi trường tại các KCX-KCN và kết quả tổng hợp quản lý chất thải của các doanh nghiệp trong KCX-KCN. BQL các KCX-KCN không có thẩm quyền quản lý các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp và CTNH. Do vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong KCX-KCN tự chịu trách nhiệm hợp đồng với các đơn vị thu gom chất thải rắn có chức năng để thu gom, vận chuyển và xử lý. Trong quá trình kiểm tra môi trường hằng năm tại doanh nghiệp, BQL các KCX-KCN chỉ hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan đến quản lý chất thải rắn tại nhà máy như lắp đặt biển báo, dán nhãn kho chứa CTNH, các biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố cháy trong kho chứa, hợp đồng với đơn vị phải đảm bảo chức năng thu gom…

Lỏng lẻo trong kiểm soát thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại -0
Xe vận chuyển chất thải nguy hại về tập kết, phân loại ngay tại cơ sở nằm trong khu dân cư.

Về vấn đề kiểm soát chất thải phát sinh từ KCX, ông Nguyễn Khắc Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan KCX Linh Trung (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) cho biết, doanh nghiệp chế xuất phải có trách nhiệm thực hiện việc xử lý chất thải theo quy định và phải xuất trình căn cứ khi hải quan kiểm tra. Việc chủ nguồn thải đưa chất thải ra ngoài KCX không phải là thủ tục hải quan, mà hải quan chỉ giám sát để chống ẩn lậu hàng hóa khác vào chất thải.

Những năm gần đây lực lượng hải quan chủ trương tập trung vào công tác hậu kiểm, nhưng để tăng cường giám sát vật tư, hàng hóa ra khỏi các KCX, các đơn vị hải quan đều có những giải pháp phù hợp với thực tế địa bàn. Tại Hải quan KCX Linh Trung, khi phát sinh nguồn chất thải, doanh nghiệp trong KCX sẽ có văn bản thông báo cho hải quan về số xe cũng như các loại chất thải được vận chuyển ra ngoài KCX. Trước khi xe vào doanh nghiệp trong KCX lấy chất thải, doanh nghiệp phải thông báo cho hải quan xuống để kiểm tra thực tế nguồn thải xem thực sự có phải chất thải hay không rồi lập biên bản 3 bên giữa chủ nguồn thải, hải quan và doanh nghiệp thu gom vận chuyển. Lâu nay Hải quan KCX cũng không áp dụng việc kiểm tra, giám sát trực tiếp tại cổng đối với xe ra vào KCX. Lực lượng hải quan tại cổng KCX chỉ làm nhiệm vụ tuần tra, thu thập thông tin và thực hiện các biện pháp kiểm soát khi có yêu cầu.

Cần quản lý chặt chẽ việc xử lý chất thải nguy hại

Trả lời về vấn đề này, lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TNMT) cho biết, chủ nguồn thải CTNH có trách nhiệm khai báo khô lượng, loại CTNH trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường hoặc nội dung đăng ký môi trường. Việc kê khai, báo cáo số lượng CTNH phát sinh và chuyển giao sẽ được cơ quan quản lý giám sát thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra theo quy định. Cơ sở được phép vận chuyển CTNH gồm chủ nguồn thải CTNH có phương tiện, thiết bị phù hợp, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và cơ sở được cấp giấy phép môi trường có chức năng xử lý CTNH phù hợp với loại chất thải cần vận chuyển. Chủ nguồn thải thực hiện vận chuyển CTNH phải lắp đặt thiết bị định vị đối với phương tiện vận chuyển và cung cấp tài khoản cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh để giám sát, quản lý. Các cơ sở được cấp giấy phép môi trường có chức năng xử lý CTNH thực hiện vận chuyển thì phải lắp đặt thiết bị định vị đối với các phương tiện vận chuyển và cung cấp tài khoản cho Bộ TNMT giám sát, quản lý.

Lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết thêm, thời gian qua, Bộ TNMT đã phối hợp với Bộ Môi trường Hàn Quốc xây dựng hệ thống thông tin quản lý CTNH, trong đó có chức năng quản lý, giám sát các thiết bị định vị đối với phương tiện vận chuyển CTNH. Trong thời gian chờ hoàn thiện hệ thống, việc quản lý, giám sát các phương tiện vận chuyển CTNH được các cơ quan quản lý thực hiện thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra hoặc giám sát theo chuyên đề. Trong đó có việc kiểm tra hoạt động của các thiết bị định vị và điều tra, giám sát trực tiếp của các cơ quan chức năng.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một số bộ phận chức năng của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đều cho rằng trách nhiệm chính thuộc về doanh nghiệp chủ nguồn thải và doanh nghiệp thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH. Các cơ quan chức năng bên dưới là “cánh tay nối dài” của Bộ TNMT. Nhưng ngược lại, Sở TNMT địa phương lại cho rằng trách nhiệm quản lý các doanh nghiệp trong lĩnh vực này là của cơ quan chức năng thuộc Bộ TNMT.

Là địa bàn tập trung của nhiều nhà máy xử lý CTNH, nhưng ông Nguyễn Tân Thuấn, Phó Giám đốc Sở TNMT Long An cho hay, ngoài việc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH báo cáo về hằng năm, thông thường trong một năm, Sở TNMT chỉ có thể xuống các nhà máy xử lý CTNH trên địa bàn để kiểm tra một, hai lần theo chuyên đề hoặc kế hoạch. Với thực trạng quản lý như vậy, gần như các doanh nghiệp xử lý CTNH báo cáo số lượng xử lý bao nhiêu, cơ quan này biết được bấy nhiêu.

Với 5-6 nhà máy xử lý CTNH để xử lý nguồn CTNH cho rất nhiều tỉnh, thành, nhưng theo ông Thuấn, tổng khối lượng CTNH nguy hại phát sinh trên địa bàn được các doanh nghiệp báo cáo với Sở TNMT khá khiêm tốn. Cụ thể, các năm 2016 2017 chỉ 23-34 nghìn tấn; từ năm 2018 đến nay đạt từ 31,5 đến 36 nghìn tấn/năm.

Tại TP Hồ Chí Minh, do không thực hiện phân loại CTNH trong thời gian dài nên việc kiểm soát đối với hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH của Sở TNMT cũng chủ yếu trông chờ vào báo cáo và tính tự giác chấp hành của các doanh nghiệp. Mỗi ngày, hàng trăm chuyến xe thu gom, vận chuyển CTNH từ các KCX-KCN và các chủ thải bên ngoài KCX - KCN có vận chuyển về thẳng nhà máy hay không là việc cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát được hết.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, kết quả thanh tra đối với Công ty CP Môi trường Xanh VN do Bộ TNMT thực hiện cách đây hơn 1 năm cho thấy, công ty này đã tiếp nhận nguồn CTNH từ 534 chủ nguồn thải với tổng khối lượng gần 12,5 triệu kg/năm và đã được xử lý hết toàn bộ. Trong đó, xử lý tại hệ thống lò đốt hơn 4,6 triệu kg, xử lý tại hệ thống hoá rắn và sản xuất gạch không nung 4,1 triệu kg, xử lý súc rửa bao bì, thùng phuy với khối lượng là 663 nghìn kg, xử lý tại hệ thống chưng cất dung môi 222 nghìn kg và xử lý tại hệ thống xử lý nước thải là 470 nghìn kg... Tồn tại được chỉ ra qua lần thanh tra này là công ty không lập sổ theo dõi số lượng, chất lượng, nguồn tiêu thụ của các sản phẩm tái chế hoặc thu hồi từ CTNH theo quy định.

“Cùng với việc siết chặt giám sát hành trình của xe vận chuyển CTNH, cần kiểm tra hóa đơn điện, nước của các nhà máy xử lý CTNH hằng tháng. Mỗi năm doanh nghiệp xử lý hàng chục triệu kilo gam chất thải các loại như vậy, tiền điện nước hằng tháng của họ là bao nhiêu? Mặt khác, cần lắp đặt camera để giám sát số lượng phương tiện vận chuyển CTNH về nhà máy và giám sát tại từng hệ thống xử lý CTNH”, một đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực này góp ý.

Bảo Sơn
.
.
.