Những "lá phổi xanh" của Hà Nội dần biến mất: Giải pháp nào bảo vệ ao, hồ thoát khỏi cơn lốc đô thị hóa? (bài cuối)

Thứ Bảy, 20/05/2023, 10:20

Như bài trước chúng tôi đã đề cập, UBND TP Hà Nội mới đây đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục có 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn TP. Chủ trương này là cần thiết để bảo vệ ao, hồ trên địa bàn. Nhưng để chủ trương đi vào thực tế thì sự vào cuộc giám sát của lãnh đạo các phường, xã và người dân sống quanh khu vực các ao hồ là hết sức quan trọng.

Sẽ rà soát các trường hợp lấn chiếm

Chiều 17/5, trao đổi nhanh với phóng viên, lãnh đạo UBND phường Quảng An (quận Tây Hồ) cho biết, phường đã hoàn tất việc cưỡng chế, phá dỡ, giải toả phần đất công quanh khu vực Đầm Trị. Được biết, nhiều năm về trước, khu vực Đầm Trị được UBND phường cho thuê trồng sen. Năm 2017, UBND phường Quảng An đã chấm dứt hợp đồng thuê thầu, yêu cầu bàn giao khu đất cho địa phương quản lý.

dji0766-16713354392391815245735.jpg -0
Đầm Bông (phường Định Công, quận Hoàng Mai) hiện nay bỗng thành khu đất mới với hàng loạt nhà mái tôn mọc lên. Ảnh: CTV

Trước khi tiến hành cưỡng chế, phá dỡ vi phạm, chính quyền địa phương và các đoàn thể đã nhiều lần tuyên truyền, yêu cầu tự tháo dỡ nhưng chủ công trình trên đều từ chối thực hiện, buộc lực lượng chức năng phải tiến hành cưỡng chế. Cũng theo vị lãnh đạo này, sau khi cưỡng chế giải tỏa, UBND phường Quảng An sẽ quản lý, bàn giao mặt bằng cho đơn vị có thẩm quyền để tiến hành cải tạo, kè một số khu vực bờ hồ Đầm Trị theo phê duyệt.

Theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, trong thời gian tới, quận Tây Hồ tiếp tục chỉ đạo UBND phường Quảng An và các phường trên địa bàn sẽ tiếp tục rà soát các trường hợp lấn chiếm, chiếm đất công tại khu vực hồ Tây, hồ Đầm Trị nói riêng và các khu vực khác nói chung để xử lý theo quy định của pháp luật, nhằm từng bước thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 của Ban Chỉ đạo 197 của TP Hà Nội về “tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn TP”.

TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường công bố danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp, đồng thời phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố theo quy định. Trong quá trình thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận, huyện, thị xã phối hợp xem xét đánh giá sự phù hợp của giải pháp thiết kế đồ án với danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp được duyệt và các giải pháp hoàn trả (nếu có); tổng hợp báo cho UBND TP xem xét đồng thời trong quá trình phê duyệt đồ án.

TP cũng yêu cầu các đơn vị kiểm tra, rà soát, đối chiếu danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp với quy hoạch xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt để tổng hợp đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm thống nhất; kiểm tra, phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm, sử dụng không đúng mục đích. UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu cộng đồng dân cư không được tự ý san lấp, lấn chiếm trái phép hồ, ao, đầm và cần sử dụng đúng mục đích.

Theo UBND TP Hà Nội, việc ban hành danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp nhằm siết chặt quản lý, công khai để người dân thực hiện, tránh tình trạng quy định không rõ ràng, khó xử lý vi phạm. Đây cũng là một trong những động thái tích cực từ phía chính quyền để có căn cứ kiểm tra, xử lý nếu có vi phạm.

Tránh “đầu voi, đuôi chuột”

Hà Nội từ một thành phố có số lượng sông, hồ đứng đầu cả nước với khoảng 122 hồ nội thành, 13 con sông chảy qua nhưng giai đoạn từ 2015 - 2020, diện tích mặt nước tự nhiên đô thị giảm tới hơn 203ha bởi có tới 65% ao hồ bị san lấp, bị bức tử, xóa sổ. Hàng loạt hồ tự nhiên dần "chết yểu" do thiếu nước, không có dòng chảy, khả năng tự làm sạch giảm, nhiều hồ tự nhiên đứng trước nguy cơ bị san lấp trong quá trình đô thị hóa.

Có thể lấy ví dụ hồ nước đối diện Mega Market số 126 Tam Trinh sẽ được thu hồi, san lấp xây dựng dự án Khu chung cư và dịch vụ công cộng TDC (Lucky House) với diện tích khoảng 31.687,936m2. Hồ nước gần khu vực bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (cũ) sẽ được thu hồi, san lấp xây dựng dự án xây dựng Khu đô thị Tân Hoàng Mai tại quận Hoàng Mai với diện tích khoảng 50.361,210m2. Một phần hồ Thanh Trì cũng sẽ được thu hồi, san lấp để làm nhà ở với diện tích khoảng 3.611,697m2. Khu vực hồ nước trong ngõ 419 Lĩnh Nam cũng đã được đưa vào kế hoạch thu hồi một phần, san lấp xây dựng dự án nhà ở với diện tích khoảng 9.954,277m2...

Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Tổng cục Phó Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ao, hồ không chỉ có vai trò điều hòa không khí, tạo cảnh quan đô thị mà còn là điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước. Ông Tùng cho rằng, trước sự phát triển mạnh mẽ của đô thị hóa, việc đảm bảo diện tích ao, hồ của Thủ đô không bị sụt giảm là rất quan trọng. Đây không chỉ là câu chuyện của chính quyền mà còn là trách nhiệm của chính cộng đồng dân cư sinh sống quanh các ao, hồ.

Trước việc Hà Nội đã ban hành được danh sách cụ thể các ao, hồ không được san lấp, dư luận đều đồng tình và cho rằng, dù muộn còn hơn không. PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ, việc bảo vệ ao, hồ, không san lấp ao hồ đã được quy định trong Luật Tài nguyên nước. Việc lập danh mục hồ, ao không được san lấp nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế theo từng giai đoạn; xây dựng quy định quản lý, khai thác, sử dụng đối với các hồ, ao, đầm có giá trị về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.

Bà An cho rằng, Hà Nội công bố danh mục ao, hồ, đầm không được san lấp là quyết định đúng với tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và đúng với mục tiêu phát triển bền vững của Thủ đô. Việc công bố danh sách cho thấy, lãnh đạo TP đang đặt sức khỏe của nhân dân Thủ đô lên hàng đầu. Tuy nhiên, nhiều người cũng bày tỏ ý kiến lo ngại, nếu chỉ công bố mà không kiểm tra, giám sát thì rất dễ trở thành “đầu voi đuôi chuột”. Bà An đề xuất, để việc gìn giữ ao, hồ hiệu quả thì cần phải giao và quy trách nhiệm cụ thể cho chính quyền địa phương. Đồng thời phải có chế tài phạt nặng hành vi xâm lấn, xâm chiếm vi phạm.

Theo danh mục 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp của Hà Nội, địa phương có số lượng hồ ao, đầm nhiều nhất là các huyện Quốc Oai: 276, Thanh Oai: 275, Thường Tín: 239, Đan Phượng: 210, Mỹ Đức: 207, Phú Xuyên: 201, Mê Linh: 181, Phúc Thọ: 178, Đông Anh: 156, Thạch Thất: 151, Hoài Đức: 126. Các địa phương có số lượng hồ, ao, đầm ít hơn gồm các quận Thanh Xuân: 9, Hai Bà Trưng: 9, Ba Đình: 11, Đống Đa: 15, Tây Hồ: 18, Cầu Giấy: 29... Đặc biệt, quận Hoàn Kiếm chỉ có 1 Hồ Hoàn Kiếm ở vị trí số 6 phường Hàng Bạc, Hàng Trống, Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Gai, Hàng Đào, với diện tích 114.392,6 m2, là hồ tự nhiên, không kết hợp công trình vui chơi, giải trí.

Nhật Uyên – Trúc Linh
.
.
.