Nỗi niềm người vợ có chồng hy sinh chưa được công nhận liệt sĩ

Thứ Tư, 13/09/2023, 08:45

Bà Hoàng Thị Nhuận trú khu phố 2, phường Đông Lương, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị có chồng là ông Hàn Văn Hòe (SN 1945) hy sinh ngày 25/8/1972 khi đang là chiến sĩ tự vệ, làm nhiệm vụ sửa chữa ôtô cho bộ đội tại thôn Tân Định, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) để vận chuyển lương thực, đạn dược ra tiền tuyến. Song nửa thế kỷ nay, người phụ nữ ấy vẫn đằng đẵng đợi chờ danh dự cho chồng.

Bà Hoàng Thị Nhuận (SN 1946, quê quán Kỳ Bắc, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trú khu phố 2, phường Đông Lương, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị có chồng là ông Hàn Văn Hòe (SN 1945, quê quán Quảng Văn, Quảng Xương, Thanh Hóa) hy sinh ngày 25/8/1972 khi đang là chiến sĩ tự vệ, làm nhiệm vụ sửa chữa ôtô cho bộ đội tại thôn Tân Định, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) để vận chuyển lương thực, đạn dược ra tiền tuyến. Song nửa thế kỷ nay, người phụ nữ ấy vẫn đằng đẵng đợi chờ danh dự cho chồng.

Câu chuyện kể trên của Luật sư Đặng Linh (Trưởng Văn phòng Luật sư Linh Đặng tại 331 Lê Duẩn, Đông Hà) thôi thúc tôi tìm gặp bà Nhuận. Theo hướng tay chỉ của một người dân, tôi nhận ra ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm sau lưng chợ 1.5 là nơi tôi từng nhiều lần đến để trao tặng quà của Báo CAND cho bà Nhuận. “Hóa ra bà Nhuận là bà! Người phụ nữ ấy gầy gò và hay ốm đau mỗi khi trái gió trở trời vì vết thương do bom đạn của chiến tranh tái phát. Nhưng sao những lần đến thăm, mình không hỏi han cặn kẽ?!”, tôi ngẫm nghĩ.

Nỗi niềm người vợ có chồng hy sinh chưa được công nhận liệt sĩ -0
Bà Nhuận và con trai mòn mỏi bên tập đơn đợi chờ danh dự cho chồng và cha.

“Chào chú đến thăm!”, bà Nhuận thấy tôi, bày tỏ sự vui mừng. Tôi ngồi xuống chiếc ghế gỗ cũ kỹ và ọp ẹp, đi ngay vào câu chuyện: “Những lần trước cháu quên hỏi chuyện của chồng bà hy sinh!”. Bà Nhuận chợt trở nên trầm ngâm, rồi bà nói: “Ông nó hy sinh trong lần bom Mỹ ném xuống Xí nghiệp sửa chữa ôtô khu vực Vĩnh Linh. Đến nay đã hơn 50 năm nhưng mệ chưa tìm được danh dự cho ông ấy”.

Bà Nhuận kể, năm 1971, bà gặp rồi lập gia đình với ông Hòe, ở xã Vĩnh Chấp. Lúc đó ông Hòe vừa làm nhiệm vụ sửa chữa ôtô cho bộ đội, vừa là chiến sĩ tự vệ của Xí nghiệp vận tải ôtô khu vực Vĩnh Linh đóng tại thôn Tân Định, thuộc Ty Giao thông khu vực Vĩnh Linh. Khoảng xế trưa 25/8/1972, máy bay B52 Mỹ ném bom trúng căn hầm mẹ con bà Nhuận và người làng Tân Định đang trú ẩn, khiến nhiều người chết và bị thương.

“Sau tiếng nổ, mọi thứ nhanh chóng đổ sụp xuống. Tỉnh lại, mệ thấy người mình và con toàn máu, sợ thằng bé chết nên mệ ôm ghì lấy nó và la hét. Nhưng được bộ đội và dân quân cho biết thằng bé còn sống nên mệ rất mừng”, bà Nhuận kể lại, đoạn giọng chùng hẳn xuống: “Sau khi mẹ con mệ được cứu sống, không thấy ba thằng bé về nên hỏi thì bộ đội nói do nhiều xe ôtô của ta bị bom Mỹ đánh trúng nên phải gấp rút sửa chữa, mọi người phải ăn ở lại xí nghiệp. Nhưng mệ đợi hoài không thấy nên tiếp tục gặng hỏi thì bộ đội mới nói ra. Lúc biết tin dữ đó, mệ đổ sụp xuống, nỗi đau cứ ngược vào trong”.

Theo đồng đội cùng làm việc, chiến đấu với ông Hòe, chính buổi trưa 25/8/1972 (trước thời điểm căn hầm mẹ con bà Nhuận và người làng Tân Định trú ẩn bị bom Mỹ đánh trúng), máy bay Mỹ đánh phá dữ dội Xí nghiệp sửa chữa ôtô khu vực Vĩnh Linh và các khu vực xung quanh, khiến nhiều người chết và bị thương. Trong đó, các ông Hàn Văn Hòe, Nguyễn Tuấn Nhị (quê quán Thạch Việt, nay là xã Phù Việt, Thạch Hà, Hà Tĩnh) hy sinh tại chỗ.

Trở lại bà Nhuận, sau khi con được hơn 1 tuổi, bà gửi nhờ bên ngoại trông nuôi rồi tham gia vào lực lượng Thanh niên xung phong đi mở đường Trường Sơn, vận chuyển lương thực, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau giải phóng, bà làm nhân viên nấu ăn cho Xí nghiệp sửa chữa ôtô 1.5 tại Đông Hà (Quảng Trị), thuộc Sở Giao thông vận tải Bình Trị Thiên. Đến năm 1990, bà nghỉ hưu theo chế độ, sinh sống với con, cháu ở khu phố 2, phường Đông Lương, Đông Hà đến nay.

Tôi hỏi bà Nhuận sao trước đây không đi làm chế độ liệt sĩ cho chồng?! Bà thở dài buồn bã: “Trước đây do hoàn cảnh chiến tranh và cũng không ai nghĩ đến. Sau hòa bình, vì hoàn cảnh mẹ góa con côi, con mệ lại không được như người bình thường do lần bị sức ép của bom, tổn thương não, nên mệ không có điều kiện để đi lại. Sau này, được đồng đội của ba nó động viên giúp đỡ, mệ đã nhiều lần viết đơn gửi trình các cấp, ngành chức năng nhưng vẫn chưa được công nhận liệt sĩ”.

Tìm hiểu được biết, sau các đơn trình bày của bà Nhuận, ngày 30/6/2017, Ban chỉ đạo xác nhận người có công của Sở Giao thông vận tải Quảng Trị (viết tắt BCĐ) tổ chức họp xem xét các nội dung liên quan. Sau khi lắng nghe các ý kiến tham gia, đồng thời căn cứ vào các giấy tờ, tài liệu liên quan của tập thể, cá nhân làm chứng, BCĐ thống nhất ông Hàn Văn Hòe đủ điều kiện để trình các cấp liên quan làm chế độ liệt sĩ.

Tuy nhiên, Hội đồng xác nhận người có công của UBND huyện Vĩnh Linh lại căn cứ vào Biên bản đề nghị xác nhận Liệt sĩ của Công ty vận tải ôtô Quảng Trị được xác lập trước đó vào ngày 11/1/1995 và các thông tin không rõ ràng khác từ cuộc họp dân ngày 9/10/2019 của UBND xã Vĩnh Chấp để làm cơ sở báo cáo cấp trên.

Đáng chú ý, biên bản vừa kể có nội dung không rõ ràng, với đoạn đầu của cùng một câu nêu ông Hòe đang sửa chữa ôtô để vận chuyển hàng phục vụ cho chiến trường đánh Mỹ, nhưng đoạn sau lại nói ông đang trên đường từ xưởng về nhà sau giờ tan tầm thì bị máy bay B52 Mỹ ném bom trúng, chết vào khoảng 11h20 ngày 25/8/1972 (?).

Nhận định về nội dung biên bản này, Luật sư Đặng Linh cho rằng, ngoại trừ các lỗi về chính tả, câu từ lộn xộn và nội dung không rõ ràng, người lập và ký xác nhận Biên bản này có khả năng chưa tìm hiểu, hoặc có tìm hiểu nhưng chưa  sâu sát, thiếu các thông tin cần thiết và quan trọng của sự việc, đồng thời thiếu hiểu biết về chiến tranh lúc đó ở Vĩnh Linh.

“Những ai ở Vĩnh Linh những năm tháng đó mới biết rõ chiến tranh bom đạn ở đây. Đặc biệt với máy bay B52 Mỹ, chúng đánh phá không kể ngày đêm. Vậy nên, làm gì có cái gọi là giờ tan tầm (?!). Hơn nữa, việc chiến đấu và phục vụ chiến đấu luôn là quá trình gắn liền nhau. Thậm chí, kể cả những lúc tranh thủ nghỉ ngơi, hay ăn cơm uống nước đều luôn phải trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu”, ông Linh buồn bã nói thêm.

Ngoài ra, ông Nguyễn Tuấn Nhị cùng làm việc, cùng chiến đấu bên ông Hòe và cả hai cùng hy sinh trong trận bom 25/8/1972 và ông Nhị đã được công nhận liệt sĩ từ năm 1977 theo Quyết định 453 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi biết bà Nhuận gặp khó khăn trong việc làm chế độ liệt sĩ cho chồng, UBND xã Phù Việt đã sao y bản chính và xác nhận Bằng Tổ quốc ghi công đối với Liệt sĩ Nguyễn Tuấn Nhị, gửi cho bà Nhuận để làm cơ sở.

Hiện tại, hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ đối với ông Hàn Văn Hòe vẫn đang được Luật sư Đặng Linh tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ miễn phí. Chúng tôi lật giở từng trang của hồ sơ ấy, thấy chi tiết từng câu từ, cụ thể từng nội dung mà đồng đội ông đã xác nhận cách đây rất nhiều năm đều rất rõ ràng.

Đặc biệt, bên cạnh những lá đơn tập thể của đồng đội, còn có sự xác nhận, cam đoan của những người từng giữ chức vụ cao, trực tiếp quản lý, tham gia sửa chữa ôtô cùng ông Hòe và những người khác thời điểm các ông Hòe, Nhị bị bom Mỹ đánh trúng, hy sinh, như ông Lê Xảo, nguyên Phó Trưởng Ty Giao thông khu vực Vĩnh Linh, hiện nghỉ hưu, trú tại thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh; ông Nguyễn Văn Tý, nguyên Phó Giám đốc Xí nghiệp vận tải ôtô khu vực Vĩnh Linh, hiện nghỉ hưu, trú tại khóm Vĩnh Bắc, thị trấn Hồ Xá; ông Dương Văn Phi, nguyên Tổ trưởng Tổ sửa chữa ôtô thuộc Xí nghiệp vận tải ôtô khu vực Vĩnh Linh, hiện nghỉ hưu, trú tại phường Đông Lương, Đông Hà…

Thiết nghĩ, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị tiếp tục rà soát, xác minh để trong trường hợp ông Hàn Văn Hòe hy sinh không phải chịu thiệt thòi.

Thanh Bình
.
.
.