Thừa Thiên-Huế: Do đâu việc trồng rừng thay thế tại 3 dự án thủy điện bị thất bại?

Thứ Bảy, 28/08/2021, 07:16

Nhiều năm qua, 3 đơn vị chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện A Lưới, Bình Điền và Hương Điền (Thừa Thiên-Huế) đã tổ chức trồng hàng trăm hecta rừng thay thế. Tuy nhiên, trong số đó có rất nhiều diện tích rừng trồng đã bị chết, chỉ có một số ít diện tích còn lại đạt tiêu chí rừng trồng thay thế.

Với mục đích thực hiện 3 dự án thủy điện A Lưới, Bình Điền và Hương Điền, các chủ đầu tư đã tiến hành thu hồi 910ha rừng để chặt bỏ lấy đất xây dựng nhà máy và diện tích còn lại bị ngập trong lòng hồ thủy điện. Giai đoạn 2016-2021, chủ đầu tư các nhà máy thủy điện đã được Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt hồ sơ thiết kế và dự toán để tự tổ chức trồng, chăm sóc hơn 267ha rừng thay thế trên diện tích đất bán ngập lòng hồ với loại cây chủ yếu là gáo và tràm úc.

Thế nhưng mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra và kết quả đánh giá cho thấy, trong số 267ha rừng thay thế chỉ có 28ha có cây trồng, trong đó diện tích đạt tiêu chí rừng trồng thay thế chỉ hơn 8ha. Cụ thể, Công ty CP Thủy điện miền Trung (chủ đầu tư nhà máy thủy điện A Lưới) được phê duyệt diện tích rừng trồng thay thế là hơn 75ha, diện tích rừng đã trồng là 76ha nhưng kết quả kiểm tra hiện trường diện tích có cây trồng phát triển ổn định là hơn 17ha, còn lại 58ha không có cây trồng.

Công ty CP Thủy điện Hương Điền (chủ đầu tư nhà máy thủy điện Hương Điền) có hơn 57ha diện tích thiết kế được phê duyệt trồng rừng thay thế, diện tích đã trồng 60ha nhưng qua kiểm tra, diện tích có cây trồng chỉ 4,5ha, mật độ hiện còn từ 340-1.800 cây/ha, tỷ lệ sống từ 10-54% và không có diện tích nào đạt tiêu chí rừng trồng.

7-2.jpg -0

Nhiều diện tích rừng trồng thay thế ở vùng bán ngập thủy điện Bình Điền bị chết, không thành rừng. 

Riêng Công ty CP Thủy điện Bình Điền (chủ đầu tư nhà máy thủy điện Bình Điền) có diện tích thiết kế được phê duyệt trồng trừng thay thế là hơn 134ha, diện tích đã trồng 137ha, nhưng kết quả kiểm tra hiện trường diện tích có cây trồng chỉ hơn 17ha, trong đó diện tích đạt tiêu chí rừng trồng là hơn 1,5ha. Nếu tiếp tục chăm sóc, bảo vệ và trồng dặm thì hơn 11ha có khả năng đạt tiêu chí rừng trồng. Qua khảo sát tại khu vực rừng trồng thay thế ở vùng bán ngập thủy điện Bình Điền, từ cao trình 73m được phê duyệt trồng rừng thay thế, cho thấy nhiều diện tích cây tràm úc bị chết. Ngay gần khu vực đập thủy điện và quanh khu vực lòng hồ thủy điện này, cây tràm Úc trồng trước đó nhiều năm cũng đã bị chết khô, nhiều vùng bán ngập chỉ còn là khu “đất trống đồi trọc”.

Theo lãnh đạo Công ty CP Thủy điện Bình Điền, số diện tích rừng trồng thay thế mà công ty phải thực hiện theo quy định sau khi hoàn thành xây dựng nhà máy thủy điện là gần 321ha. Trong đó, hơn 134ha được tổ chức trồng theo thiết kế được phê duyệt của cơ quan chức năng. Ngoài ra, công ty đã nộp số tiền hơn 13,8 tỷ đồng vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên-Huế để triển khai trồng hơn 186ha rừng thay thế còn lại.

Theo đại diện Công ty, nguyên nhân số diện tích rừng trồng thay thế còn ít so với diện tích rừng được trồng ban đầu do bị trâu bò phá hoại và đợt mưa lũ liên tiếp trong năm 2020 khiến lưu lượng nước về hồ rất lớn. Công ty tiến hành xả lũ mạnh làm thay đổi dòng chảy, mực nước ngập sâu, kéo dài… gây thiệt hại rừng trồng thay thế.

Ông Võ Văn Dự, Chủ tịch Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, tại 3 dự án thủy điện có diện tích được phê duyệt trồng rừng thay thế lớn nhưng qua 6 năm trồng và chăm sóc, tỷ lệ tiêu chí rừng trồng chỉ đạt 8/267ha (gần 3%) cho thấy dự án trồng rừng này đã thất bại. Theo ông Dự, cây gáo và cây tràm Úc có thể trồng ở vùng đất bán ngập, tuy nhiên nếu bị ngập trong nước thời gian dài cây sẽ bị chết, nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu hiện nay gây nên tình trạng mưa lũ ngày càng khốc liệt. Do vậy, việc trồng rừng với những loại cây này phải làm thí điểm trồng từ vị trí cao xuống mực nước dao động cho phép.

Điều đáng nói, phần lớn diện tích rừng trồng tại các dự án thủy điện ở tỉnh Thừa Thiên-Huế đều nằm trong quy hoạch đất năng lượng, diện tích bán ngập lòng hồ thủy điện chưa chuyển đổi qua đất trồng rừng do các chủ dự án quản lý là trái quy định của Luật Lâm nghiệp. Trong suốt thời gian các chủ đầu tư dự án thủy điệntriển khai trồng rừng thay thế, việc giám sát, đánh giá từ phía các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên-Huế không được thực hiện thường xuyên mà sau chu kỳ trồng rừng 6 năm mới có sự đánh giá.

Cũng theo ông Dự, Thông tư số 03/2012/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường “Quy định việc quản lý, sử dụng đất vùng bán ngập lòng hồ thủy điện, thủy lợi” nêu rõ về đối tượng giao, nhận khoán đất vùng bán ngập. Trong đó ưu tiên hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất sản xuất nông, lâm nghiệp sử dụng vào mục đích thủy điện, thủy lợi. Trong bối cảnh thiếu đất sản xuất của người dân ở khu vực miền núi như hiện nay, việc bố trí giao khoán đất vùng bán ngập lòng hồ cho người dân có ý nghĩa lớn trong việc bảo đảm an ninh xã hội, ổn định đời sống tại những khu vực có dự án thủy điện.

Liên quan đến việc trồng rừng thay thế tại các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế trao đổi rằng, tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT kiểm tra lại toàn bộ diện tích trồng rừng thay thế nằm trong quy hoạch đất năng lượng của chủ đầu tư 3 nhà máy thủy điện A Lưới, Bình Điền, Hương Điền và sẽ làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan.

Ông Hoàng Hải Minh khẳng định, kết quả trồng rừng thay thế cho thấy, vấn đề lựa chọn giống, loài cây, quy hoạch vị trí đất trồng rừng chưa phù hợp; công tác chăm sóc sau khi trồng không được các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc. Đến tháng 9/2021, Sở NN&PTNT tỉnh sẽ hoàn thiện báo cáo rà soát toàn bộ diện tích trồng rừng thay thế và trên cơ sở đó lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ đưa ra những biện pháp xử lý cụ thể.

Anh Khoa
.
.
.