Tiếng kêu cứu ở nơi hàng ngàn người dân phải bịt mũi bằng lá chanh cả ngày

Chủ Nhật, 23/04/2023, 16:40

Đất rộng, người thưa nên khu vực biên giới huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) bao năm nay có không khí trong lành. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi hoàn toàn khi các dự án chăn nuôi heo trên địa bàn đi vào hoạt động.

Nồng nặc mùi chất thải chăn nuôi

Gần đây, Báo CAND liên tục nhận được phản ánh của người dân xã Ia Piơr, huyện Chư Prông về việc các trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn đi vào hoạt động đã làm phát sinh mùi hôi nồng nặc, làm đảo lộn cuộc sống người dân, ô nhiễm không khí, nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước ở khu vực biên giới.

Vùng biên “kêu cứu” vì các dự án chăn nuôi -0
Một trang trại chăn nuôi heo tại xã Ia Piơr, huyện Chư Prông.

Anh Triệu Văn Phụng (trú thôn Đoàn Kết, xã Ia Piơr) cho biết: Cả thôn có 700 hộ dân nhưng khoảng 1 tháng nay cứ từ 17h chiều đến sáng hôm sau là thối không chịu được, hôi thối không ai ăn uống nổi; nhiều người phải dùng lá chanh bịt mũi để tránh mùi hôi từ các trang trại nuôi heo.

Tương tự, anh Hoàng Văn Niên (trú thôn Đoàn Kết, xã Ia Piơr) bức xúc: Trước khi làm dự án, doanh nghiệp hứa sẽ không có mùi hôi, ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên, việc làm chưa thấy đâu nhưng mới có một số trang trại hoạt động đã hôi thối nồng nặc, nhiều người đang phải kêu bán nhà để đi nơi khác sinh sống. Nếu tất cả các trang trại đi vào hoạt động thì mức độ ô nhiễm môi trường sẽ còn rất nghiêm trọng, đấy là chưa kể việc ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của bà con.

Theo thống kê, trên địa bàn xã Ia Piơr có 15 dự án trang trại đăng ký xây dựng. Trong số này có 3 trang trại đã đi vào hoạt động từ 1,5 đến 4 tháng gồm: Trang trại Nguyên Bảo, quy mô 24.000 con heo thịt; trang trại Thuận Duyên 2, quy mô 1.200 con heo nái; trang trại Ia Piơr Tân, quy mô 2.205 con heo nái; các dự án khác đang trong quá xây dựng hoàn thiện hoặc chờ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Ghi nhận thực tế của chúng tôi, các trang trại chăn nuôi heo mà người dân phản ánh gây mùi hôi thối cách khu dân cư khoảng 1km. Sau khi các trang trại đi vào hoạt động, chính quyền địa phương liên tục nhận được phản ánh của người dân thôn Đoàn Kết, thôn Yên Hưng và làng Phung phản ánh về mùi hôi thối từ các trang trại chăn nuôi trên địa bàn bay đến khu dân cư làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Vùng biên “kêu cứu” vì các dự án chăn nuôi -0
Vùng biên “kêu cứu” vì các dự án chăn nuôi -1
Có tình trạng trang trại chăn nuôi chưa đầu tư hoàn thiện hầm chứa Biogas nhưng đã hoạt động.

Sau khi nhận được phản ánh, chính quyền xã Ia Piơr đã làm việc với các chủ trang trại. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định các trang trại trên không xả thải, rò rỉ nước ra môi trường xung quanh. Tuy nhiên, hoạt động của các trang trại đã gây bốc mùi hôi thối trực tiếp ra môi trường và làm ảnh hưởng đến các hộ dân. Đặc biệt là khoảng thời gian từ 17-23h hằng ngày, mùi hôi thối theo hướng gió đưa về khu dân cư, bốc mùi hôi nặng nhất là trang trại chăn nuôi heo Nguyên Bảo. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng xác định, trang trại Thuận Duyên 2 đã đi vào hoạt động nhưng hạng mục hầm chứa Biogas chưa được đầu tư hoàn thiện.

Tại các buổi làm việc, chủ các trang trại đều thừa nhận quá trình chăn nuôi đã làm phát sinh mùi hôi thối, ảnh hưởng khu dân cư. Tuy nhiên, chủ các trang trại cho rằng đang trong quá trình nuôi thử nghiệm, một số hạng mục chưa hoàn thiện cần phải khắc phục; thời tiết đang mùa khô nên chưa bố trí trồng được cây xanh nên đã gây phát sinh mùi hôi thối. Chủ các trang trại cam kết sẽ khắc phục tình trạng này trong thời gian sớm nhất nhưng không có thời gian cụ thể.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Phụng - Bí thư Đảng ủy xã Ia Piơr cho hay: Địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi kiểm tra các trang trại. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng chỉ đi vòng ngoài, không vào được bên trong vì trang trại yêu cầu khử khuẩn, cách li… rất phức tạp. Lực lượng chức năng không kiểm tra được hiện trạng, quy mô chăn nuôi thực tế mà chủ yếu nắm tình hình theo báo cáo của các trang trại. Hiện các trang trại này chỉ mới tạo việc làm cho khoảng 20 người dân trên địa bàn.

“Chúng tôi đang đề nghị cấp trên thành lập đoàn hoặc có giải pháp kiểm tra thực tế các trang trại để nâng cao hiệu quả quản lý trong thời gian đến”, ông Phụng nói.

Cơ quan Công an vào cuộc

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 19/4 vừa qua, lực lượng nghiệp vụ thuộc Phòng An ninh Kinh tế (Công an tỉnh Gia Lai) đã có buổi làm việc với UBND xã Ia Piơr và các đơn vị liên quan nhằm kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh của người dân về việc các dự án chăn nuôi heo đi vào hoạt động gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân. Đồng thời, rà soát, đánh giá thực trạng các dự án chăn nuôi heo trên địa bàn xã Ia Piơr.

Vùng biên “kêu cứu” vì các dự án chăn nuôi -0
Người dân bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường, lo lắng ô nhiễm nguồn nước ở khu vực biên giới.

Tại buổi làm việc, lực lượng chức năng xác định có tình trạng các trang trại chăn nuôi heo gây ra mùi hôi thối, ảnh hưởng đời sống người dân. Lực lượng chức năng đánh giá, nếu 15 dự án chăn nuôi trên địa bàn xã Ia Piơr được cấp chủ trương đầu tư và đi vào hoạt động thì mật độ chăn nuôi đạt 5,5ĐVN/ha đất nông nghiệp. Thực tế hiện nay tại thôn Đoàn Kết (xã Ia Piơr), mật độ các dự án chăn nuôi khá dày. Do đó, vấn đề môi trường trong thời gian tới rất đáng lo ngại và các dự án chăn nuôi đang xây dựng đã gây ảnh hưởng hệ thống giao thông của xã.

Do đó, lực lượng chức năng đề nghị các chủ dự án chăn nuôi trước khi đi vào hoạt động cần phải mời cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, đánh giá, thẩm định đảm bảo đủ các điều kiện mới được tiến hành chăn nuôi, nhất là hệ thống xử lý chất thải; báo cáo thường xuyên diễn biến chăn nuôi để chính quyền địa phương biết, phối hợp.

Đồng thời, đề nghị các chủ trang trại tạo điều kiện thuận lợi nhất để các lực lượng chức năng được thường xuyên vào kiểm tra quá trình chăn nuôi; các chủ đầu tư dự án phải thực hiện đúng cam kết trong việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và khắc phục, xử lý những hư hỏng đường giao thông nông thôn.

Liên quan đến công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, ông Đinh Hữu Hoà - Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai thông tin: Đối với ngành chăn nuôi, Sở tham mưu UBND tỉnh thận trọng trong thu hút dự án, chỉ thu hút những dự án lớn, chăn nuôi khép kín, áp dụng công nghệ tiên tiến để đảm bảo môi trường; các dự án gắn với việc chế biến các sản phẩm từ chăn nuôi để đảm bảo có giá trị, không thu hút những dự án nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long cũng đã có ý kiến chỉ đạo Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động đầu tư, đặc biệt là các dự án trang trại chăn nuôi, đảm bảo thực hiện nghiêm túc nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; trường hợp phát hiện có sai phạm thì kịp thời xử lý nghiêm, kể cả việc ngừng hoạt động và chấm dứt hoạt động dự án theo đúng quy định.

Đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 46 dự án chăn nuôi được phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó có 16 dự án đã đi vào hoạt động. Tổng số tiền các dự án đã nộp vào ngân sách nhà nước là 17 tỷ đồng bao gồm tiền thuê đất và các khoản phí, lệ phí khác.

Chí Hào
.
.
.