TP Đông Hà (Quảng Trị): Bao giờ dứt cảnh “mưa là phố biến thành sông”?

Thứ Năm, 04/11/2021, 07:49

Đông Hà - trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị, được công nhận đô thị loại III vào năm 2005 và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh năm 2009. Với quyết tâm xây dựng thành phố này trở thành đô thị loại II trước năm 2025, Quảng Trị đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch thực hiện bài bản.

Tuy nhiên, với thực tế hiện tại, con đường lên đô thị loại II của thành phố trẻ này còn lắm gập ghềnh. Chỉ riêng chuyện hễ mưa phố biến thành… sông, hàng ngàn hộ dân nơi đây cứ sống trong nơm nớp lo âu.

TP Đông Hà gồm 9 phường, với chưa đầy 10 vạn dân sinh sống, song cơ sở hạ tầng có hàng loạt bất cập, yếu kém. Ngay cả các con phố “xương sống” như Hùng Vương, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo hay Lê Lợi, với dãy mặt tiền trông khang trang, sạch sẽ, nhưng hầu hết chỉ cần ra đường kiệt ngay phía sau sẽ gặp phải cảnh nhếch nhác, nhiều con đường ổ voi, ổ gà dày đặc, thậm chí không ít đoạn đường đất sau hàng chục năm vẫn chưa được xây dựng.

TP Đông Hà (Quảng Trị): Bao giờ dứt cảnh “mưa là phố biến thành sông”? -0
Lực lượng Công an đưa hàng trăm em Trường THCS Phan Đình Phùng nằm ở khu vực trung tâm TP Đông Hà bị ngập lụt sáng 28/10/2021 đến nơi an toàn.

Con đường lớn Trường Chinh nối từ trục “xương sống” Hùng Vương, đoạn cách Trung tâm Văn hoá tỉnh Quảng Trị, nằm ở trung tâm TP Đông Hà chỉ khoảng 1km về phía Nam, ngang qua Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao, sau rất nhiều năm vẫn chưa được thi công hoàn thiện. Vừa qua khỏi cổng chính trung tâm này, con đường lớn được thảm nhựa phẳng phiu bỗng bị bóp lại còn một nửa. Đoạn tiếp theo đến nay vẫn là đường đất thấp trũng, thường xuyên bị ngập bởi nguồn nước thải từ khắp các cống, rãnh ở phía trên đổ về.

Người dân ở đây cho biết, do đường sá, hệ thống thoát nước không được xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ, đặc biệt với hình thức cống bi và cống hộp (có đường kính và kích thước đáy chỉ 0,6 – 1m), trong khi khu vực này là túi hứng nước toàn thành phố, vì thế chỉ một trận mưa to, nơi đây nhanh chóng bị ngập cục bộ, có nơi sâu trên 2m. Hàng năm về mùa mưa lũ, ngoài nhà cửa, trường học bị ngập nước thường xuyên, nhiều người đi đường do chủ quan hoặc chưa từng đến đây, đã bị cuốn trôi xe cộ. Nghiêm trọng hơn, 4 năm trước, mưa lụt cục bộ đã từng gây ra cái chết thương tâm cho một em học sinh cấp 3 khi đang trên đường đi học về ngang qua khu vực này. Thời điểm đó, Đông Hà chưa xây dựng cống hộp tiêu, thoát nước ở đây.

Điều đáng nói, sau khi xây dựng đưa vào sử dụng từ năm 2018 đến nay, tình trạng ngập lụt cục bộ này càng trở nên nghiêm trọng hơn, bởi cả diện tích bị ngập và mức ngập đều lớn hơn trước nhiều lần. Ông Phan Văn Chiến, một người dân sinh sống trong vùng ngập lụt này than thở: “Đợt mưa lụt dài ngày vào những tháng cuối năm 2020, nhà tôi bị ngập 3 lần đều trên 1,5m. Cứ nghĩ rằng đó là mức ngập lịch sử bởi trước đó chưa khi nào bị ngập sâu như thế. Song, điều đáng buồn, chỉ trong tháng 10 năm nay, sau chỉ vài trận mưa to, nước trên toàn thành phố đổ về không thoát được, khiến nhà tôi đã 3 lần bị ngập, mực nước đều xấp xỉ chạm trần tầng 1”.

Mưa lớn trong tháng 10/2021 vừa qua còn gây ngập lụt cục bộ tại nhiều nơi khác trên toàn địa bàn Đông Hà. Một người dân ở Kiệt 139 đường Lê Văn Hưu, Khu phố 9, phường 1 (Đông Hà) kể lại, đầu giờ tối 17/10, mưa bắt đầu nặng hạt, tuy nhiên bà con không nghĩ sẽ có lụt xảy ra. Vậy mà, chỉ khoảng 3 giờ đồng hồ sau đó, nước đã bắt đầu tràn vào nhà. Đến một lúc sau, nước đã ngập tới ngang ngực, khiến bà con trở tay không kịp; hầu hết các gia đình đều bị ngập, hư hỏng hết các tivi, tủ lạnh, bếp gas, bếp từ.

Thấy người phụ nữ vẫn đang cặm cụi dọn bùn non trước sân nhà, chúng tôi bước vào hỏi tình hình thiệt hại. Chị tên Nguyễn Thị Thanh Hằng, nói như mếu: “Tôi sống ở đây gần 30 năm nhưng chưa khi nào thấy lụt lớn và bất ngờ như hôm qua. Tôi buôn bán hàng gia vị ở chợ Đông Hà. Do COVID-19 phải nghỉ, sợ hàng hóa để một chỗ lâu ngày dễ bị ẩm móc, hư hỏng nên tôi đem toàn bộ về đây. Ai ngờ chỉ trong mấy phút đồng hồ, nước lên nhanh trở tay không kịp khiến toàn bộ bị hư hỏng, nguồn vốn liếng buôn bán từ trước đến nay mất trắng hoàn toàn”.

Ông Nguyễn Thế Tịnh, Khu phố trưởng Khu phố 4, phường Đông Lễ (Đông Hà) cho biết: “Trước đây, khi chưa xây dựng hệ thống cống thoát nước từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), mỗi khi mưa lụt, nguồn nước thoát từ cao xuống thấp và ra đồng ruộng, theo một con khe tự nhiên rộng chừng 7 – 10m rất ổn. Tuy nhiên, từ sau xây dựng đưa vào sử dụng năm 2018 đến nay, do tiết diện cống nhỏ, nước dồn từ nhiều phường chảy về không được tiêu, thoát kịp thời, vì thế chúng chảy tự do, tràn ngập các đường lớn và khu dân cư”.

Theo ông Lê Hữu Giang, Phó Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh, Công ty Cổ phần môi trường và công trình đô thị Đông Hà - đơn vị được thành phố này hợp đồng vận hành hệ thống thoát nước trên địa bàn, hệ thống thoát nước ở đây chủ yếu các loại cống hỗn hợp, mương bê tông xi măng, không đồng bộ và chắp vá nhiều; hơn nữa, chúng được đầu tư qua nhiều thời kỳ, đến nay một số đã xuống cấp, hư hỏng không còn có tác dụng. Ngoài ra, các tuyến ống được phát triển theo yêu cầu thoát nước cục bộ cho một khu vực, vì vậy khi khớp nối chung với hệ thống thoát nước, hầu hết các tuyến cống đều không phát huy được hiệu quả tối đa. Đó là những nguyên nhân chính gây ngập lụt cục bộ tại nhiều nơi trên toàn TP Đông Hà và ngày càng trở nên nghiêm trọng. 

PV Báo CAND đã phản ánh trực tiếp tình hình ngập lụt cục bộ vào tháng 10/2021 trên địa bàn Đông Hà với ông Nguyễn Chiến Thắng, Bí thư Thành uỷ Đông Hà. Ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết sẽ chỉ đạo kiểm tra, khắc phục; rà soát, khảo sát thực tế, đề xuất, tham mưu các phương án xử lý triệt để tình trạng ngập lụt cục bộ nghiêm trọng này trong thời gian tới.

 

Thanh Bình
.
.
.