Vì sao công trình hồ chứa nước Yên Ngựa có nguy cơ “đắp chiếu”?

Thứ Sáu, 18/03/2022, 09:36

Với tổng mức vốn phê duyệt ban đầu là hơn 305 tỷ đồng nhưng sau hơn 1 năm triển khai, dự án hồ chứa nước Yên Ngựa đã tăng vọt lên 468 tỷ đồng dẫn đến công trình có nguy cơ nằm “đắp chiếu” bởi vẫn đang phải chờ cơ chế…

Liên quan đến Dự án hồ chứa nước Yên Ngựa (nằm trên địa bàn xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin, xã Yang Tao và xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) chậm chi trả tiền đền bù cho người dân mà Báo CAND đã phản ánh, sáng 17/3, ông Nguyễn Đình Thìn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban A, đơn vị chủ đầu tư) cho biết, đơn vị vừa có tờ trình thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư điều chỉnh dự án gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Qua đó, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 305,5 tỷ đồng lên 468 tỷ đồng (tăng 162,5 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt ban đầu). Trong đó, riêng chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến tăng lên 181 tỷ đồng so với 27 tỷ đồng dự kiến ban đầu.

tc-1647567414301.jpg
Hạng mục công trình đập tràn xả lũ của dự án được thi công dang dở rồi bỏ hoang.

Theo ông Thìn, một trong những nguyên nhân khiến vốn tăng cao là do trong quá trình lập hồ sơ thiết kế, dự kiến lấy vật liệu trong lòng hồ nhưng khi tiến hành điều tra hiện trạng rừng thì diện tích phần bãi vật liệu trong lòng hồ thuộc đất rừng và lớn hơn 20ha. “Dự án ban đầu do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh lập dự toán và sau đó Ban A tiếp quản dự án này trình UBND tỉnh. Khi triển khai dự án, công tác giải phóng mặt bằng lại tính theo giá thị trường dẫn tới chi phí bồi thường tăng khiến toàn dự án bị đội vốn, có nguy cơ kéo dài thời gian thực hiện”, ông Thìn nói.

Ngày 16/3, phóng viên có mặt tại khu vực thi công lòng hồ chứa nước Yên Ngựa để ghi nhận thực tế. Tại hạng mục đập tràn của dự án (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) một hố móng sâu gần 10m, rộng khoảng 300m2 đang được thi công dang dở. Những trụ thép được dựng lên bên dưới đang dần hoen gỉ. Bên cạnh là căn nhà điều hành bỏ hoang, cát, xi măng, sắt thép được ngổn ngang trên mặt đất. Kkhu vực lán trại của công nhân không một bóng người trông coi.

Anh Nguyễn Tuấn Anh (một hộ dân có đất canh tác gần khu vực xây dựng) cho hay: “Hơn 1 tháng qua, công trình không thấy xây dựng gì. Làm được phần đế móng và xây được căn nhà phía trên thì công trình dừng hẳn. Máy móc, công nhân rút đi đâu thì không rõ”.

Nhiều hạng mục khác của dự án cũng đang trong tình trạng “án binh bất động”. Một công nhân cho biết, năm 2021, các công trình đầu mối (giai đoạn 1) bắt đầu được triển khai thi công. Tuy nhiên, vì chậm chi trả đền bù, người dân địa phương đã nhiều lần gây khó dễ, ngăn cản các đơn vị thi công tại dự án nên một số hạng mục buộc phải tạm dừng thi công.

Ông Thìn cho biết thêm, ban đầu dự án được phê duyệt năm 2018 với tổng mức đầu tư trên 305 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 27 tỷ đồng. Đến năm 2020, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng được điều chỉnh lên 47,8 tỷ đồng. Đến khi triển khai thực hiện thì chi phí giải phóng mặt bằng cho toàn dự án lại đội lên đến trên 181 tỷ đồng. “Số tiền hơn 47 tỷ đồng được giải ngân để chi trả cho dân chúng tôi đã chi hết. Ban A cũng đã làm hết trách nhiệm. Giờ muốn làm thêm thì phải chờ cơ chế của tỉnh”, ông Thìn nói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin, ông Lê Phú Hanh cho biết, nguồn gốc đất của nhiều hộ dân bị chồng lấn, sai vị trí, dẫn tới việc chưa xác định đúng đối tượng để bồi thường là nguyên nhân chính. Việc chậm trễ này, trước hết trách nhiệm thuộc về Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện. Địa phương đã nhắc nhở, chỉ đạo tìm hướng khắc phục, đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Dự án hồ thủy lợi Yên Ngựa rất được Chính phủ quan tâm vì giải quyết nước tưới cho hàng nghìn người dân vùng khô hạn. Vào tháng 5/2016, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ) đã đi khảo sát thực tế vùng bị ảnh hưởng khô hạn tại xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin để xây dựng công trình thủy lợi Đập Yên Ngựa.

Sau khi khảo sát, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh, UBND tỉnh và các sở, ngành cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đưa ra những giải pháp hữu hiệu, huy động sức dân tạm thời đào các hồ nhỏ trong diện tích lòng hồ đã quy hoạch để tìm nguồn nước chống hạn cho cây trồng. Đặc biệt là cần đẩy nhanh việc lập dự án, xây dựng công trình thủy lợi đập Yên Ngựa để nhằm sớm giải quyết nguồn nước cho người dân trong vùng. 

Văn Thành
.
.
.