Bình Phước khẳng định dự án chăn nuôi kết hợp trồng rừng là đúng quy định

Thứ Ba, 16/08/2016, 08:51
Liên quan vụ việc tỉnh Bình Phước cho khai thác hơn 575ha rừng nguyên sinh thời gian gần đây gây xôn xao dư luận, UBND tỉnh khẳng định việc thực hiện dự án là phù hợp quy định.

Liên quan vụ việc tỉnh Bình Phước cho khai thác hơn 575ha rừng nguyên sinh thời gian gần đây gây xôn xao dư luận, sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương đóng cửa rừng, ngày 13-8, Phạm Thị Ánh Hoa, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước cho biết, vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ NN&PTNT và các cơ quan có liên quan về việc chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang thực hiện dự án chăn nuôi kết hợp trồng rừng ở huyện Bù Đốp. UBND tỉnh khẳng định việc thực hiện dự án là phù hợp quy định.

Theo báo cáo, năm 2009, UBND tỉnh Bình Phước chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Sài Gòn – Bình Phước làm chủ đầu tư thực hiện dự án chăn nuôi kết hợp trồng rừng với diện tích trên 790ha. Đến năm 2010, UBND tỉnh phê duyệt cho công ty thực hiện dự án. Sau khi được phê duyệt, tháng 12-2012, doanh nghiệp này bắt tay vào thực hiện dự án. 

Tuy nhiên, thay vì làm đúng theo mục đích được duyệt, đằng này công ty lại làm trái, đó là khai hoang trồng cao su, trong đó đã trồng được 157ha, còn hơn 61ha đã khai hoang nhưng bỏ hoang. 

Gỗ do Công ty TNHH một thành viên Cao su Sông Bé khai thác tại khoảnh 1, tiểu khu 69.

Do tiến độ thực hiện dự án chậm và không đúng chủ trương được phê duyệt, nên tháng 3-2013, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi hơn 630ha, còn lại 157ha đã trồng cao su giao cho doanh nghiệp trên tiếp tục quản lý. 

Trong số hơn 630ha thu hồi có hơn 575ha giao Công ty TNHH một thành viên Cao su Sông Bé (doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND tỉnh) tiếp tục thực hiện dự án chăn nuôi kết hợp trồng rừng và hơn 60ha đất trống đã khai hoang được tỉnh thực hiện trồng cao su cho Qũy an sinh xã hội. Và trong diện tích 575ha vừa kể quản lý chỉ có hơn 353ha thực hiện dự án, còn lại hơn 221ha tiến hành khoanh nuôi, bảo vệ theo quy định.

“Diện tích thực hiện dự án đã hoàn chỉnh đầy đủ hồ sơ theo qui định và được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Do đó, trong tổng diện tích hơn 353ha, Sở NN&PTNT đã cấp phép cho Công ty TNHH một thành viên Cao su Sông Bé là đơn vị chủ rừng khai thác tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích hơn 129ha tại khoảnh 1, tiểu khu 69. Trong quá trình khai thác dở dang theo lô, cụm xen kẽ thì có chủ trương thu hồi dự án nên Công ty TNHH một thành viên Cao su Sông Bé đã tạm dừng khai thác” – bà Hoa nói.

Bà Hoa cho biết thêm, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế kết hợp bảo vệ rừng nơi biên giới (tiếp giáp Vương quốc Campuchia), trong diện tích hơn 575ha giao cho Công ty TNHH một thành viên Cao su Sông Bé quản lý và thực hiện dự án, có hơn 353ha rừng thuộc diện nghèo kiệt được chuyển sang trồng cao su và hơn 221ha rừng khoanh nuôi, bảo vệ. 

Để thực hiện dự án chăn nuôi kết hợp trồng rừng, tháng 4-2016, Sở NN&PTNT đã cấp lại giấy phép cho Công ty TNHH một thành viên Cao su Sông Bé khai thác tận thu, tận dụng lâm sản theo qui định trên phần diện tích dang dở tại khoảnh 1. 

Riêng đối với khoảnh 2 và 3, ngày 5-8, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn Công ty TNHH một thành viên Cao su Sông Bé kiểm kê diện tích rừng còn lại (hơn 224ha), báo cáo UBND tỉnh  xem xét, cho ý kiến.

Thu hồi “khu đất vàng” cấp cho Công ty Thủy điện Thác Mơ

Ngày 15-8, tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho biết, cấp có thẩm quyền vừa ra quyết định thu hồi gần 1ha đất thuộc phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài đã cấp cho Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ. Diện tích thu hồi được đánh giá là “khu đất vàng” vì nằm ngay tại vị trí đắc địa, trung tâm thị xã Đồng Xoài. 

Lý do, “khu đất vàng” được UBND tỉnh Bình Phước giao từ năm 2009, mặc dù đã được gia hạn nhưng doanh nghiệp thực hiện dự án không đúng tiến độ, vi phạm Luật Đất đai 2013. 

Khu đất sau khi thu hồi sẽ được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý để quy hoạch Trung tâm Thương mại thị xã Đồng Xoài. 

Quyết định cũng giao cơ quan chức năng thu hồi bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho công ty năm 2009.

Đ.T.

Đức Trí
.
.
.