Cách đấu giá của SCIC khiến cổ phiếu Vinamilk “mất giá”?

Thứ Hai, 19/12/2016, 08:02
Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (Vafi) vừa có ý kiến về phiên đấu giá 9% cổ phần SCIC tại Vinamilk (VNM) ngày 12-12. 

Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, ngày 12-12, tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã tổ chức buổi chào bán cạnh tranh cổ phần VNM do SCIC đại diện chủ sở hữu với tổng số lượng 130.630.500 cổ phần, tương ứng 9% vốn điều lệ của VNM, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. 

Đợt chào bán cạnh tranh được thực hiện theo quy định tại Quy chế chào bán cạnh tranh  cổ phần của SCIC tại VNM với 2 nhà đầu tư, bao gồm: F&N Dairy Investment Pte Ltd và F&N Bev Manufacuring PTE.LTD. Kết quả: Tổng số cổ phần bán 78.378.300 cổ phần, tương ứng 60% tổng số lượng cổ phần chào bán, với mức giá 144.000 đồng/cổ phần. Tổng số giá trị trúng giá là hơn 11.286,475 tỷ đồng.

Phiên đấu giá này, theo Vafi là không đạt mục tiêu ban đầu mà Bộ Tài chính và SCIC đề ra là bán lẻ rồi tiếp tục chia nhỏ lô cổ phiếu để tạo sự công bằng cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Ngoài ra, quy định mỗi pháp nhân không được mua quá 2,7% cổ phần cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu VNM giảm sức hấp dẫn. 

Theo Vafi, giá đấu thành công 144.000 đồng/CP bán cho nhà đầu tư chiến lược là rất khiêm tốn. “Nếu bán trọn lô lớn (45% vốn điều lệ cổ phần Nhà nước) thì giá đấu thành công phải cao hơn nhiều” - đại diện Vafi nhận định. Một trong những vấn đề mà Vafi nhấn mạnh là việc chỉ bán được 5,4% vốn điều lệ của SCIC tại VNM lần này tạo cảm giác cổ phiếu VNM “ế”. Tuy nhiên, điều này là không đúng và không phản ánh nhu cầu mua cổ phiếu VNM từ các nhà đầu tư chiến lược. VNM là một cổ phiếu tốt và hấp dẫn nhà đầu tư.

Theo phân tích của Vafi, cách thức tổ chức đấu giá quá nhanh, thủ tục tham gia phức tạp và thiếu công khai mimh bạch trong tiến trình chuẩn bị tổ chức đấu giá làm cho nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu VNM lo lắng, dẫn tới làn sóng bán tháo cổ phiếu VNM. Vafi kiến nghị, SCIC và Bộ Tài chính không trình Chính phủ phương án bán nốt 3,6% vốn điều lệ chưa bán hết đợt 12-12. Nếu để tỷ lệ này cộng với 36% vốn điều lệ còn lại của SCIC tại VNM và bán hết theo lô thì cổ phần SCIC tại VNM sẽ hấp dẫn hơn với nhà đầu tư chiến lược.

Từ thương vụ bán không hết 9% cổ phần SCIC tại VNM vừa qua, Vafi cho rằng, bán cổ phần Nhà nước tại các DN không tổ chức bán lẻ. Nếu bán lẻ, ngân sách nhà nước sẽ thất thu và việc bán cổ phần sẽ trở nên rất khó khăn hoặc không bán được. Phương thức bán cổ phần phải được công khai minh bạch trên cơ sở chuẩn bị hồ sơ công bố thông tin chi tiết. 

Khi bán lô lớn, phải tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin đầy đủ, đi thăm doanh nghiệp và có thời gian tiếp xúc với ban quản lý doanh nghiệp. Phải dành thời gian khoảng 6 tháng cho nhà đầu tư chuẩn bị phương án đấu giá kể từ thời điểm công bố thông tin. Phương pháp bán cổ phần chi phối Nhà nước tại doanh nghiệp mà hiệp hội này đề xuất là nên theo hình thức bán thỏa thuận hay bán đấu thầu với doanh nghiệp cổ phần hóa đã niêm yết. 

Tuy nhiên, bán tài sản nhà nước dễ bị các nhóm lợi ích chi phối nên cần phải công khai minh bạch chi tiết phương thức đấu giá, lộ trình đấu giá, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tìm hiểu kỹ lưỡng, không vội vàng tổ chức đấu giá. Nhà nước có thể ấn định giá khởi điểm cao hơn giá thị trường từ 20% trở lên khi tổ chức bán cho các nhà đầu tư chiến lược…

Hà An
.
.
.