Cơ cấu nợ, giảm lãi vay, hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn vì dịch bệnh

Thứ Sáu, 13/03/2020, 07:46
Chiều 12-3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thực hiện từ ngày 13-3.

Như vậy, NHNN là cơ quan đầu tiên ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại buổi họp báo thông tin với báo chí về Thông tư này chiều 12-3, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay được các doanh nghiệp đặc biệt mong chờ, vì đây là sự hỗ trợ thiết thực nhất với doanh nghiệp hiện nay. “Các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay không chỉ để thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ mà còn thể hiện tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp.

Nếu như năm 2009, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp được thực hiện bằng nguồn ngân sách (cấp bù lãi suất), thì lần này, việc hỗ trợ doanh nghiệp hoàn toàn bằng nguồn của ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại chia sẻ lợi nhuận khó khăn của mình với khó khăn của doanh nghiệp”, Phó Thống đốc khẳng định. Ông còn cho biết thêm tinh thần, quan điểm của Thông tư là tạo các điều kiện, cơ chế thuận lợi nhất cho tổ chức tín dụng chủ động cơ cấu lại thời hạn các khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng phải ban hành các quy định nội bộ hướng dẫn thực hiện, tránh hiện tượng trục lợi chính sách.

Về phạm vi nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tại Điều 4 Thông tư quy định nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ gốc và/hoặc lãi đáp ứng đầy đủ 3 điều kiện: phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19; khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch COVID-19. “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về tiêu chí để xác định số dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịnh COVID-19, trong đó phải có tiêu chí khách hàng bị sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch COVID-19”, NHNN nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đầu tiên triển khai hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn vì dịch bệnh.

Về miễn, giảm lãi, phí, Điều 5 Thông tư quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch COVID-19.

Còn việc giữ nguyên nhóm nợ, Thông tư quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước ngày 23-1-2020 trong thời gian cơ cấu lại đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi quy định Thông tư này và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo thời hạn đã được cơ cấu lại theo quy định của pháp luật về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đến thời điểm này, ước tính số dư nợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 không thể trả nợ đúng hạn là 926.000 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ.

Cũng theo ông Hùng, thời gian qua, NHNN đã nhận được nhiều văn bản, đơn từ của các Hiệp hội đề nghị NHNN xem xét, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội, đó là các Hiệp hội các ngành: Vận tải, da giày, sắn, cà phê, dệt may, giáo dục ngoài công lập… Đến nay, các ngân hàng đã bước đầu xem xét cơ cấu lại 21.753 tỷ đồng cho các doanh nghiệp khó khăn; miễn giảm lãi vay cho 8.000 khách hàng; đang xem xét giảm lãi vay cho 34.500 khách hàng với dư nợ 85.000 tỷ. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã miễn phí hoàn toàn hoặc giảm phí dịch vụ giao dịch. 

Ông Hùng nhấn mạnh, ngành ngân hàng sẵn sàng đủ vốn để đáp ứng cho nhu cầu của nền kinh tế, cả trong và sau dịch. Trong thời gian tới, gói tín dụng hỗ trợ có thể lớn hơn, nhưng do các tổ chức tín dụng tự cân đối tình hình tài chính của mình.

Thực tế, ngay khi dịch bệnh xảy ra, NHNN đã ngay lập tức ban hành các văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng nắm bắt tình hình, liên tục họp bàn đưa ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Hà An
.
.
.