Hà Nội đối thoại "nóng" với doanh nghiệp vận tải

Thứ Bảy, 26/06/2021, 09:52
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Nội “lơ là” trong việc báo cáo định kỳ kết quả kinh doanh vận tải, chưa thực hiện đầy đủ việc theo dõi thiết bị giám sát hành trình, chưa chấp hành đúng quy trình an toàn giao thông, thậm chí là chưa khám sức khoẻ cho lái xe, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa phải tổ chức một buổi đối thoại “nóng” để lắng nghe các doanh nghiệp trình bày và siết lại quy định.


Gần 100 thủ tục vận tải đã được cấp trực tuyến

Theo báo cáo của Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội), tính đến hết tháng 5/2021, Phòng đã tiếp nhận và thụ lý 17.583 hồ sơ hành chính đảm bảo đúng hạn và đúng quy định. 

Tuy nhiên, quá trình giải quyết cho thấy, còn nhiều doanh nghiệp chưa nghiên cứu và chưa chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh vận tải như chưa thực hiện báo cáo định kỳ kết quả kinh doanh vận tải hằng tháng; chưa tập huấn hoặc tập huấn không đúng quy định cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe; chưa chấp hành đúng quy trình an toàn giao thông, không kiểm soát thiết bị giám sát hành trình; chưa khám sức khỏe cho lái xe, chưa bổ sung đào tạo cho người điều hành vận tải… dẫn đến không đáp ứng các quy định khi giải quyết thủ tục hành chính.

Còn tình trạng doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội không kiểm soát thiết bị giám sát hành trình.

Chia sẻ tại buổi đối thoại, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc  Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện Sở đang tiếp nhận giải quyết 106 thủ tục hành chính. Hiện 92/106 thủ tục đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó có 34 thủ tục liên quan đến doanh nghiệp vận tải. Theo ông Long, trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở GTVT Hà Nội đã tiếp nhận và giải quyết đúng hạn hơn 171.000 hồ sơ, đã tiếp nhận và trả lời đúng hạn hơn 1.050 câu hỏi, ý kiến phản ánh của tổ chức, cá nhân qua số điện thoại đường dây nóng, website, hộp thư điện tử của Sở, trong đó 90% nội dung các ý kiến phản ánh, thắc mắc về thủ tục hành chính. 

“Trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp, các đơn vị vận tải gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, khối lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa sụt giảm đáng kể. Việc tổ chức đối thoại nhằm tháo gỡ những khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính, đem đến sự hài lòng hơn nữa của người dân và doanh nghiệp”, ông Long nói.

Bất cập taxi ngoại tỉnh hoạt động chủ yếu ở Hà Nội

Sau khi nghe báo cáo từ phía Sở GTVT Hà Nội, đại diện Công ty CP Mai Linh Miền Bắc thẳng thắn chia sẻ: Dịch COVID-19 khiến tỷ lệ hành khách di chuyển bằng xe taxi giảm mạnh. Trong khi đó, lượng taxi ngoại tỉnh hoạt động nhiều ở Hà Nội gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh khiến các doanh nghiệp taxi Hà Nội khó càng thêm khó. Vị này cũng bày tỏ lo lắng về việc các doanh nghiệp taxi do Sở GTVT các tỉnh lân cận quản lý đang có kiến nghị với Sở GTVT Hà Nội cấp phép cho xe taxi có tổng thời gian hoạt động trên 70% theo quy định. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết "đã báo cáo Bộ GTVT, UBND thành phố. Trước kia một số doanh nghiệp vận tải lợi dụng kẽ hở của pháp luật đưa xe taxi cấp phù hiệu ngoại tỉnh vào hoạt động trên địa bàn thành phố do Hà Nội không cấp thêm phù hiệu. Tuy nhiên, việc xử lý xe ở tỉnh ngoài đưa xe vào nội thành đã gặp những khó khăn”. Sở GTVT đã trả lời rõ ràng việc tăng xe trên địa bàn TP trước kia theo quy hoạch nhưng hiện nay sẽ phải theo kế hoạch phát triển. 

"Trước mắt chúng tôi có kiến nghị Bộ GTVT, UBND TP chỉ đạo các Sở ngoại thành có xe thường xuyên đưa về Hà Nội để xử lý nghiêm. Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 100, các Sở địa phương có quyền xử phạt những xe taxi không chạy đủ 70% công suất. Tại thời điểm hiện nay, khi chưa có phần mềm quản lý hoạt động vận tải thì việc xử lý thủ công sẽ khó khăn khi xác định phương tiện hoạt động trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, khó khăn nhưng không phải không thực hiện được, chúng tôi sẽ phối hợp để xử lý triệt để", ông Tuyển nhấn mạnh.

Liên quan đến cấp đổi phù hiệu xe hợp đồng, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết, Sở nhận được nhiều thông tin phản ánh của công dân về việc một số HTX vận tải thông báo và triển khai việc cấp đổi phù hiệu xe ôtô chưa đúng quy định, tổ chức thu thêm tiền của xã viên, điển hình như trường hợp HTX An Phát Khánh. "Làm như thế đã đúng hướng dẫn quy định của pháp luật chưa? Các khoản thu đó đã nhận được thống nhất của các xã viên chưa và có hiện tượng này không?", ông Long đặt câu hỏi và yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, theo thỏa thuận với các xã viên.

Thừa nhận có tình trạng trên, đại diện HTX An Phát Khánh cũng lý giải mức thu trên có căn cứ vào chi phí bến bãi, chi phí nhân sự, chi phí ấn phẩm, các chi phí khác...

Kết luận buổi đối thoại, lãnh đạo Sở GTVT nhấn mạnh, tới đây, lực lượng chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện việc hướng dẫn triển khai thủ tục hành chính cấp đổi phù hiệu theo đúng quy định của Nhà nước; đồng thời tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải của các đơn vị vận tải; công khai danh sách các đơn vị vận tải không thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh, các đơn vị có phương tiện vi phạm nhiều lần trên Cổng thông tin điện tử của Sở GTVT Hà Nội. 

Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 để kịp thời kiến nghị các cấp, ngành thành phố từng bước có cơ chế ưu tiên, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Phạm Huyền
.
.
.