Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn dịch bệnh

Thứ Tư, 02/06/2021, 07:55
Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam được ví như đòn “hồi mã thương” đối với doanh nghiệp (DN) cả nước nói chung, DN vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng.

Vừa bắt đầu thích ứng với trạng thái bình thường mới, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều DN dù cố gắng xoay trở trong điều kiện mới, nhưng vẫn rất cần các chính sách hỗ trợ khẩn trương hơn. 

Mặc dù Việt Nam đạt tăng trưởng dương năm qua, nhưng số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho thấy, có đến 101.700 DN rời thị trường, tăng 13,9% so với năm 2019 (46.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 37.700 DN chờ làm thủ tục giải thể, 17.500 DN hoàn tất thủ tục giải thể).

Riêng 4 tháng đầu năm 2021, trung bình mỗi tháng có gần 12.900 DN rút lui khỏi thị trường. Có thể nói, khó khăn chồng chất khó khăn, DN đang phải gồng mình vượt qua.

Báo cáo kết quả tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với DN Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng thế giới (WB) công bố giữa tháng 3/2021 cũng cho thấy, đại dịch COVID-19 có tác động rất tiêu cực đến DN.

Trung bình mỗi tháng có 8.500 DN rút lui khỏi thị trường. Dịch COVID-19 đã gây xáo trộn rất nhiều hoạt động, kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN. Để ứng phó với đại dịch, vượt qua khó khăn, có tới 92% DNTN và 96% DN FDI cho biết đã thực hiện một hoặc nhiều biện pháp ứng phó.

Cụ thể 57% DNTN và 71% DN FDI thực hiện cấp đồ bảo hộ phòng dịch cho người lao động; 37% DNTN, 40% DN FDI chủ động triển khai phương thức, mô hình làm việc mới, linh hoạt hơn; 20% DNTN, 24% DN FDI dự trữ hàng hóa và nguyên vật liệu; có 13% DNTN, 15% DN FDI đã tiến hành hoạt động đào tạo kỹ năng số cho người lao động...

Cùng với nỗ lực của DN, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, tiền thuê đất, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay… góp phần gỡ khó cho DN.

Trong giai đoạn hiện nay, hỗ trợ cho DN vượt qua khó khăn trở nên cấp bách hơn. Ngày 19/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định (NĐ) 52/2021/NÐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.

Các DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong hơn 50 lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách này. Theo các chuyên gia, NĐ 52 có đối tượng áp dụng mở rộng hơn, thời gian giãn nộp kéo dài hơn so với trước, giúp các DN giảm bớt những khó khăn.

Nhưng để DN có thể vượt qua khó khăn trong tình hình hiện nay, ngoài các gói hỗ trợ về tài chính, giãn, giảm thuế cho DN và người dân, cần giữ ổn định môi trường chính sách, tránh tăng thuế, phí trong thời gian này.

Công ty CP May Meko (Cần Thơ) nỗ lực vượt qua khó khăn, đảm bảo đủ hàng xuất khẩu cho đối tác nước ngoài.

Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ, lũy kế doanh số cho vay mới của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố từ 23/1/2020 đến cuối tháng 5/2021 đạt 52.000 tỉ đồng cho hơn 8.800 khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay là 980 tỉ đồng cho hơn 800 khách hàng bị thiệt hại. Chi nhánh cũng tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Các tổ chức tín dụng cũng đang tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; thực hiện cắt giảm chi phí, lợi nhuận tập trung cho việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 4 tháng năm nay của tỉnh Bạc Liêu là 222 triệu USD (tăng 10,98% so với cùng kỳ). Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng bước sang tháng 5/2021, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các DN dự báo sản xuất, kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, các DN kiến nghị tỉnh cần có các giải pháp hỗ trợ về thị trường, kết nối các chương trình tín dụng, cũng như thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ khác về dịch vụ, nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh…

Để kịp thời hỗ trợ DN, đảm bảo cho sản xuất kinh doanh, trong tháng 5-2021, UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05 và Thông báo số 28 của Văn phòng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép “Vừa phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi phát triển kinh tế”.

Theo đó, Bạc Liêu sẽ thực hiện giải pháp để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xuất khẩu, kích thích tiêu dùng nội địa, tạo sức bật cho phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021.

Duy trì thị trường xuất khẩu chủ lực; không ngừng mở rộng, khai thác thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển thị trường nội địa, thực hiện các giải pháp khuyến khích tiêu dùng và phát triển thương hiệu Việt.

Hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo ra nguồn hàng ổn định, đảm bảo chất lượng, đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến xuất khẩu đổi mới công nghệ, nâng cao sản lượng, chất lượng hàng hóa, mở rộng thị trường, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường…

Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty CP may Meko (Cần Thơ), chia sẻ, năm 2020 vừa qua, công ty đã rất nỗ lực, dù có thời gian bị gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu, do các quốc gia giãn cách xã hội. Nhưng kết quả kinh doanh của năm vẫn rất khả quan.

“Còn sang các tháng đầu năm 2021 này, dù dịch bùng phát trở lại, nhưng may mắn là công ty có rất nhiều đơn hàng nước ngoài, phải đưa hàng xuất khẩu bằng máy bay để kịp đơn hàng. Là DN ngành may mặc, cần nhiều lao động. Năm 2020, công ty nỗ lực giữ 1.300 công nhân dù rất khó khăn. Còn hiện nay, vừa phòng dịch, vừa thiếu công nhân, đơn hàng thì gấp, lao động nghỉ làm, công ty còn dưới 1.300 công nhân nên cũng đang gặp khó”, ông Gia chia sẻ.

Đức Văn – H.Huỳnh
.
.
.