Lao động hồi hộp chờ thưởng Tết

Chủ Nhật, 31/12/2017, 09:06
Đa số người lao động đang rất hồi hộp chờ thông tin cụ thể về tình hình thưởng Tết bởi bắt đầu từ ngày 1-1-2018, sẽ áp dụng mức lương tối thiểu mới, nhiều người nghi ngại doanh nghiệp sẽ co hẹp các khoản thưởng này.

Thời điểm hiện tại, dù mới chỉ có một số địa phương công bố mức thưởng Tết của các doanh nghiệp trên địa bàn nhưng theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH thì thưởng Tết năm nay sẽ khả quan.

Tuy vậy, đa số người lao động đang rất hồi hộp chờ thông tin cụ thể về tình hình thưởng Tết bởi bắt đầu từ ngày 1-1-2018, sẽ áp dụng mức lương tối thiểu mới, nhiều người nghi ngại doanh nghiệp sẽ co hẹp các khoản thưởng này.

Hồi hộp chờ thưởng

Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng chị Nguyễn Thị Bình, công nhân KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ, quê ở tận Hương Sơn, Hà Tĩnh, hơn 10 năm ra ngoài này làm công nhân, dịp lễ Tết nào cũng vậy, công nhân như các chị đều rất mong ngóng các chế độ đãi ngộ của công ty bởi đời sống của công nhân lao động không dư dả.

“Nhu cầu chi tiêu ngày Tết cũng cao hơn ngày thường khá nhiều nên đa số người lao động đều mong ngóng mức thưởng Tết cao để bù đắp các chi phí tăng thêm đó. Theo tôi biết, công ty tôi đang lên kế hoạch chi trả thưởng cho người lao động, tuy nhiên khó có thể dự đoán được mức thưởng cụ thể”, chị Bình chia sẻ.

Chị Hoàng Thị Yếm, công nhân một công ty may ở Bắc Ninh đang mong ngóng từng ngày thông tin về thưởng Tết. “Năm ngoái công ty thưởng Tết 1 triệu đối với lao động đã làm việc được 1 năm, nếu thời gian làm việc dưới 1 năm thì được vài ba trăm ngàn. Năm nay thì chưa thấy nói gì đến thưởng Tết, nhưng thời gian qua đơn hàng nhiều, công nhân tăng ca liên tục, hy vọng sẽ thưởng một tháng lương”, chị Yếm thấp thỏm. Hai vợ chồng chị Yếm đều làm công nhân, thu nhập hàng tháng ở mức 7- 8 triệu đồng. Tiền ăn uống, tiền gửi trẻ, tiền học phí… bởi thế khéo thu vén mới đủ chi tiêu.

“Nếu năm nay thưởng Tết một tháng lương, chồng cũng được thưởng từng đó thì mâm cỗ ngày Tết “tươm” hơn năm ngoái một chút. Còn nếu không cũng phải chịu. Công nhân mà, thưởng Tết nhiều thì ăn Tết đầy đủ, còn không thì cũng qua cái Tết”.

Người lao động đang hồi hộp chờ thông tin về thưởng Tết.

Cũng tâm trạng chờ đợi, nhưng nhiều người lại có nỗi niềm riêng, chị Trịnh Hồng Loan, (kế toán một doanh nghiệp tư nhân nhỏ ở phố Nguyên Hồng, Hà Nội) giọng buồn buồn khi nhắc đến ba từ “tiền thưởng Tết”. Chị Loan chia sẻ, công ty của chị chuyên về tư vấn doanh nghiệp, vậy nhưng thời gian qua làm ăn rất khó khăn, lương hàng tháng bị chậm là chuyện bình thường.

“Thưởng Tết ai cũng muốn, nhưng còn phụ thuộc vào kết quả công ty. Chắc chắn chủ nào cũng muốn quan tâm đến người lao động, nhưng nguồn thu không tốt thì họ có muốn cũng không thể quan tâm cho lao động đủ đầy được. Nhiều tháng lương bị chậm là bình thường thì khó có thể thưởng Tết xôm xôm được. Ai cũng muốn được tiền Tết để về quê ăn Tết có một khoản, hi vọng công ty cố gắng để quan tâm hơn đến đời sống chị em”, chị Loan nói.

Thưởng Tết dự báo khả quan

Theo ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Kinh tế chính sách và Thi đua khen thưởng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

Việc thưởng Tết nhiều hay ít phụ thuộc rất lớn vào quá trình sản xuất, kinh doanh cả năm. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn vận động, khuyến nghị các cơ quan, doanh nghiệp nên thưởng Tết cho người lao động nhưng không khuyến khích việc đòi hỏi, “ép” người sử dụng lao động phải thưởng Tết trong mọi trường hợp.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có công văn gửi tất cả các cấp công đoàn đề nghị công đoàn cơ sở chủ động tham gia với người sử dụng lao động xây dựng và giám sát thực hiện kế hoạch trả lương, thưởng, các khoản phúc lợi khác trước Tết nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Đồng thời, sớm công khai kế hoạch này để người lao động biết, tham gia với người sử dụng lao động triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ về điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ ngày 1-1-2018.

Theo nhận định của Bộ LĐ-TB&XH, mức thưởng Tết giữa các ngành, lĩnh vực kinh tế Tết năm nay bề mặt chung tiền thưởng vẫn sẽ dao động trong khoảng 1 tháng lương. Riêng với một số ngành sử dụng đông lao động như dệt may, da giày, thủy sản… dù có những khó khăn riêng nhưng nhìn chung hoạt động vẫn giữ được sự ổn định.

 Vì vậy, nhiều khả năng doanh nghiệp thuộc các ngành này vẫn sẽ giữ được mức thưởng như các năm trước. Không loại trừ, doanh nghiệp trong các lĩnh vực này còn có những chính sách chăm sóc riêng ngoài chế độ lương, thưởng Tết như tặng quà, tặng vé tàu, xe…

Dự báo năm nay, ngành ngân hàng có thể thưởng trên 3 tháng lương. Ngoài ra, bất động sản, dịch vụ du lịch… là những ngành tăng trưởng tốt nên có thể có đột biến về thưởng Tết.

Bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã yêu cầu các địa phương trên cả nước tập hợp tình hình tiền lương năm 2017 và kế hoạch thưởng Tết 2018 của doanh nghiệp. Dù chưa có số liệu chính thức, song bà Minh nhận định mức thưởng Tết năm nay nhìn chung sẽ khả quan. “Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đang lên phương án điều chỉnh lương tối thiểu tăng nhẹ từ 1-1-2018. Tuy nhiên, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới thưởng Tết vì đây là thành quả kinh doanh của năm 2017”, bà Minh nói.

Phan Hoạt
.
.
.