Ngân sách Vĩnh Phúc tăng 300 lần nhờ doanh nghiệp FDI

Thứ Bảy, 14/10/2017, 07:42
Doanh nghiệp FDI đang từng ngày góp phần đổi thay vùng đất Vĩnh Phúc, sự hiện diện của họ đã từng bước khẳng định môi trường đầu tư bền vững, ngân sách tỉnh không ngừng tăng lên, đời sống người dân cũng được hưởng lợi từ các chương trình phúc lợi, an sinh xã hội.


Hiện, không chỉ ngân sách hưởng lợi mà với tỷ trọng của các doanh nghiệp FDI đóng góp vào xuất khẩu đạt trên 95%, sản phẩm “Made in Vietnam” sản xuất tại Vĩnh Phúc đã có mặt tại 20 nước trên thế giới.

Ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sau khoảng 20 năm từ năm 1997 đến 2016, ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng khoảng 300 lần, từ con số vỏn vẹn khoảng một trăm tỷ đồng nay đã đạt tới 33 nghìn tỷ đồng. Thu nội địa nhiều năm chỉ đứng sau Hà Nội. Riêng năm 2016, tổng thu nội địa tỉnh đạt khoảng 29 nghìn tỷ đồng. Thu nhập bình quân 70 triệu đồng/người/năm (tương đương 3.200 USD/người/năm) của tỉnh cũng cao hơn mức bình quân của cả nước. Để có được thành công đó có sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp FDI. 

Thu hút đầu tư phải hướng đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

“Có một điều chúng tôi rất tự hào là sang thị trường Mỹ, khi đi mua quần áo thì lại thấy sản phẩm sản xuất tại Vĩnh Phúc. Hàng dệt may sản xuất tại Vĩnh Phúc rất nhiều. Một sản phẩm khác là ghế ôtô thì toàn bộ chi tiết ghế xe đều sản xuất ở Vĩnh Phúc và xuất khẩu sang Bắc Mỹ”, ông Thành chia sẻ.

Theo ông Thành, khi đề cập tới tác động lan toả của FDI thì đó chính là việc đưa sản phẩm ra quốc tế. Ngoài ra, FDI cũng có tác động vào việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm cho nhiều lao động của tỉnh. Hiện ngành Nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng 9%, còn lại là công nghiệp và dịch vụ. Tới năm 2010 công nghiệp đã tạo công ăn việc làm cho 33.000 lao động. 

Năm 1997, người đóng thuế thu nhập cá nhân ở tỉnh 100% là của người nước ngoài. Nhưng đến nay, tỷ lệ người đóng thuế là 60% đến từ người nước ngoài, 40% của người Việt Nam. Tác động lan toả đã đến từng người Việt Nam chứ không chỉ nhìn chung ở nền kinh tế. Đến nay, người dân bắt đầu được hưởng thành quả đó và các doanh nghiệp nhỏ của Vĩnh Phúc cũng bắt đầu bắt nhịp được. 

Trước đây cùng lắm chỉ có một vài nhà cung cấp cho doanh nghiệp FDI nhưng chỉ làm thùng bìa thôi. Nhưng mà đến giờ doanh nghiệp tham gia cung ứng cấp 1 thì xuất hiện rất nhiều. Kinh nghiệm, công nghệ doanh nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi.

Với quyết tâm xây dựng Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong đó, hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp được đẩy mạnh, tăng cường quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp; ưu tiên nguồn lực, ban hành các cơ chế, chính sách, tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp. 

Theo Ban quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến hết tháng 9-2017, các KCN trên địa bàn đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 24 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 57,85 triệu USD và 27 lượt dự án điều chỉnh, tăng vốn đầu tư với số vốn tăng 202,73 triệu USD. Tổng vốn đầu tư FDI đăng ký trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt 260,58 triệu USD, tăng 35% về vốn đầu tư so cùng kỳ 2016 và đạt 104% kế hoạch năm. 

Trong đó có 20 dự án FDI thuộc lĩnh vực công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, 2 dự án sản xuất phụ tùng ôtô, xe máy, còn lại thuộc các lĩnh vực sản xuất khác và thương mại. Các dự án tập trung đầu tư vào các KCN: Bình Xuyên, Bình Xuyên II, Bá Thiện, Bá Thiện II và Khai Quang. 

Theo đó, 9 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn có thêm 16 dự án FDI đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng tiến độ cam kết (tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2016), lũy kế đến hết tháng 9 năm 2017, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc là 176 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 2.677,55 triệu USD.

Ông Toshikazu Bohmuki, Tổng Giám đốc Công ty Exedy Việt Nam (KCN Khai Quang) cho biết, với những chính sách thông thoáng, ưu đãi, sự quan tâm của chính quyền các cấp, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc chúng tôi thực sự hài lòng. Tôi đã từng tham dự chương trình Cafe doanh nhân, đây là một cách làm hay giúp doanh nghiệp thoải mái chia sẻ những vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh đối với chính quyền tỉnh và ngược lại qua đây chính quyền kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 

Theo ông Đường Trọng Khang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Vĩnh Phúc, để môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện tốt cần phải chú trọng phục vụ doanh nghiệp sau đầu tư. Nếu làm tốt các vấn đề này sẽ tạo ra sức lan tỏa rất tốt, nhất là trong kêu gọi đầu tư đối với các doanh nghiệp FDI.

Hiệu quả của việc thu hút đầu tư nhằm phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là không thể phủ nhận. Theo đó, Vĩnh Phúc chủ trương tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển, trong đó xác định thu hút vốn FDI có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh là không phát triển kinh tế bằng mọi giá. Thu hút đầu tư phải hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước-doanh nghiệp-người dân...

Lưu Hiệp
.
.
.