Cần thực hiện “một cửa, tại chỗ” để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khu công nghiệp, khu chế xuất

Thứ Hai, 31/10/2022, 08:54

Các khu chế xuất (KCX), Khu công nghiệp (KCN) TP Hồ Chí Minh hiện thu hút hơn 500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, để các doanh nghiệp (DN) FDI yên tâm hoạt động lâu dài, các KCX, KCN cần có các chính sách để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN...

Công ty TNHH sản xuất First Solar Việt Nam (trực thuộc tập đoàn First Solar có trụ sở tại Mỹ) đã đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy sản xuất tự động hóa tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng tại KCN Đông Nam (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) từ năm 2018. Nói về những khó khăn cần được khắc phục để tạo điều kiện thuận lợi cho DN yên tâm hoạt động, đại diện DN cũng nêu một số vấn đề cần được hỗ trợ để khắc phục.

Cần thực hiện “một cửa, tại chỗ” để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khu công nghiệp, khu chế xuất -0
Khu chế xuất Tân Thuận thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư với nhiều dự án lớn.

Cụ thể, về chất lượng cung cấp điện năng, trong những năm qua, Công ty First Solar Việt Nam luôn đối mặt với nguy cơ về các sự cố điện trên lưới truyền tải dẫn đến mất điện toàn bộ hoặc cục bộ nguồn cung cấp cho nhà máy gây nên thiệt hại nặng nề. Là nhà máy có 95% thiết bị tự động hóa, các thiết bị này rất nhạy cảm với chất lượng điện áp, do đó khi có sụt giảm hoặc vọt lố trên nguồn cấp, hệ thống sẽ ngừng hoạt động gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

Với những rủi ro nêu trên, Công ty First Solar Việt Nam kiến nghị Ban Quản lý tiếp tục làm việc với các ban ngành liên quan để cải thiện chất lượng điện năng nhằm giảm thiểu rủi ro hệ thống điện; Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, là DN công nghệ cao, Công ty First Solar Việt Nam đầu tư rất nhiều vào việc cải tiến công nghệ sản xuất nhằm đảm bảo sản xuất sản phẩm tiên tiến, chất lượng và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, các thủ tục đi kèm để thay đổi công nghệ đòi hỏi nhiều thời gian phê duyệt, từ đó có thể dẫn đến việc chậm trễ trong việc thay đổi công nghệ, tính cạnh tranh của DN nước ngoài đặt tại Việt Nam...

Cũng như Công ty First Solar Việt Nam, một số DN FDI cũng rất mong được Ban Quản lý các KCX, CN TP Hồ Chí Minh (HEPZA) hỗ trợ trong việc tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà các DN FDI đang gặp phải. Như về cơ sở hạ tầng (cảng, phương tiện giao thông đường bộ), các tuyến đường chính Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống dẫn vào cảng Cát Lái đều vượt quá công suất dẫn đến ùn tắc nặng, chậm thông quan và tăng chi phí hoạt động cho ngành. Vấn đề này là mối quan tâm đáng kể đối với nhiều nhà đầu tư FDI. Về cảng biển, hiện nay hệ thống xà lan kết nối giữa cảng nước sâu Cái Mép đến các cảng nhỏ phía trong Thành phố như cảng Cát Lái, các ICDs, hệ thống công nghệ thông tin để quản lý thông tin hàng hóa, tàu, xe, khai báo hải quan… không đáp ứng được nhu cầu của DN. Về thủ tục hải quan, các DN FDI cũng muốn được cắt giảm thời gian cũng như chi phí cho việc kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu, nhằm giúp DN tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí...

Ông Trần Tựu, Tổng Giám đốc Công ty Savipharm (KCX Tân Thuận) cũng nhìn nhận, bên cạnh những thành công, các KCX, KCN của TP Hồ Chí Minh cũng đã bộc lộ những hạn chế như: mô hình tổ chức hoạt động khu chế xuất chậm được đổi mới; hạ tầng một số KCN thiếu đồng bộ; một số KCN đã được thành lập hoặc có quyết định đầu tư mở rộng chậm được triển khai... Những hạn chế trên đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các KCX, KCN trong giai đoạn vừa qua. Vì vậy, để giữ chân các nhà đầu tư với các dự án hiệu quả hiện có, đồng thời khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư mới với các dự án được ưu tiên lựa chọn, Thành phố cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư thuận lợi và các chính sách khuyến khích đầu tư.

Trước hết, cần nghiên cứu đơn giản tối đa các thủ tục hành chính, hoàn thiện các quy trình đầu tư, danh mục các dự án đầu tư ưu tiên lựa chọn, công bố các chủ trương của Thành phố về việc ổn định và phát triển các KCX, KCN hiện có. Đồng thời, sớm hoàn thiện và công bố Bản quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn Thành phố đến năm 2040. Ông Trần Tựu cho rằng, cơ chế “một cửa, tại chỗ” được thực hiện nghiêm túc đã có đóng góp thiết thực trong việc xây dựng, phát triển thành công các KCX, KCN và được sự đồng tình của chủ đầu tư các dự án trong và ngoài nước. Do vậy, đề nghị Thành phố và Trung ương tiếp tục duy trì, cho phép HEPZA thực hiện cơ chế “một cửa, tại chỗ” trong giai đoạn phát triển mới.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý HEPZA khẳng định, một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định cho sự phát triển các KCX, KCN của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung là cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ”. Tuy nhiên, mô hình quản lý theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” hiện còn nhiều bất cập. Giải pháp phát triển các KCX, KCN trong thời gian tới, cũng sẽ hoàn thiện mô hình cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ”, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và các tổ chức chính trị trong việc quản lý, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các DN ở KCX, KCN.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay cả nước có 409 KCN, 18 khu kinh tế (KKT) ven biển và 26 KKT cửa khẩu tại 61/63 tỉnh, thành, thu hút trên 21.000 dự án đầu tư trong và nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 340 tỷ USD. Trung bình hàng năm, vốn FDI trong KCN, KKT chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước; nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong KCN, KKT chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước. TP Hồ Chí Minh là nơi phát triển mô hình KCX đầu tiên ở Việt Nam (KCX Tân Thuận thành lập năm 1991). Đến nay, các KCX, KCN TP Hồ Chí Minh đã thu hút hơn 1.670 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,5 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư FDI chiếm 45%.

Để tiếp tục phát triển hiệu quả các KCN, KCX, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, TP Hồ Chí Minh cần nghiên cứu, tập trung vào các trọng tâm: Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, có hợp tác chuyển giao công nghệ, hiệu quả sử dụng tài nguyên và lao động, có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0; Có phương án di dời các KCN gần các đô thị lớn, các KCN với các ngành nghề sản xuất ảnh hưởng lớn đến môi trường, quy hoạch, phát triển các KCN, KCX tại các khu vực xa đô thị trung tâm như huyện Bình Chánh, Củ Chi, ... Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế hành chính “một cửa tại chỗ” tại Ban Quản lý để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, kịp thời hỗ trợ các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào các KCN.

Thúy Hà
.
.
.