Cẩn trọng khi nới lỏng tín dụng

Thứ Năm, 11/05/2023, 07:00

Ngày 10/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng 2023 với chủ đề “Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu”. Các chuyên gia nhận định, điều hành chính sách tiền tệ đang chịu nhiều áp lực từ cả trong và ngoài nước.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, bối cảnh vĩ mô năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 biến động nhanh và mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, vượt khỏi mọi dự đoán trước đó. Từ suy thoái sâu trong đại dịch COVID-19, kinh tế toàn cầu nhanh chóng chuyển trạng thái thành lạm phát cao kỷ lục, lên mức trên 8% tại Mỹ và trên 10% tại châu Âu, hơn 80 quốc gia lạm phát từ 2 con số trở lên trong năm 2022. Fed tăng lãi suất với tần suất và mức độ nhanh nhất trong lịch sử, tăng 5% chỉ trong 14 tháng, thị trường quốc tế biến động mạnh…

ngan-hang-day-manh-cho-vay-mua-va-sua-nha-vay-khong-tai-san-bao-dam-20230425162007.jpg -0
Ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi doanh nghiệp muốn tiếp tục giảm lãi suất.

Là một nền kinh tế nhỏ có độ mở rất lớn như Việt Nam, nội tại còn nhiều khó khăn thách thức, công tác điều hành chính sách tiền tệ, nhất là điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng gặp rất nhiều khó khăn để xử lý hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau như: Làm sao để vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch mà vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu tăng cao; vừa giảm áp lực mất giá mạnh của đồng Việt Nam mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất; vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn…

Trước thực tế đó, hiện nay, dù tăng trưởng tín dụng đang rất chậm, song Phó Thống đốc cho rằng, nới lỏng tín dụng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khó khăn của nền kinh tế là một tổng thể và trong đó có thể phân ra khó khăn của doanh nghiệp và khó khăn của các ngân hàng. Nếu các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp ở mức chấp nhận được thì nền kinh tế sẽ tốt lên.

Nếu ngân hàng hoãn, giãn nợ, ngân hàng nới lỏng điều kiện tín dụng thì khó khăn sẽ bị chuyển về phía ngân hàng. “Mong muốn về giảm lãi suất của doanh nghiệp là chính đáng, ngành ngân hàng cũng không ai muốn lãi suất huy động và cho vay cao, song chúng ta còn phải tính tới sự ổn định vĩ mô, tỷ giá…, tựu trung là ổn định hệ thống ngân hàng”, ông Phạm Thanh Hà nói.

Chia sẻ thêm, bà Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, NHNN phải thận trọng, linh hoạt để vừa đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng đang xấu đi đang là nỗi ám ảnh của các ngân hàng hiện nay. Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho rằng, hiện nay, NHNN đang “đi trên dây”, vừa điều hành vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ doanh nghiệp.

“Nếu ngày hôm nay doanh nghiệp dồn hết khó khăn vào ngân hàng, thời gian tới ngân hàng khó khăn thì doanh nghiệp cũng gặp khó”, ông Hùng cảnh báo. Mặc dù Thông tư 02/2023 về giãn, hoãn nợ là tin vui với cả ngân hàng và doanh nghiệp, song ông Hùng cảnh báo, nếu không cẩn thận thì khó khăn của nền kinh tế sẽ dồn hết vào ngân hàng thương mại.

vietin 2.jpg -0
Ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi doanh nghiệp muốn tiếp tục giảm lãi suất.

Trong khi đó, từ thực tế triển khai, ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank cũng nhận định tín dụng những tháng đầu năm tăng chậm chứng tỏ sức hấp thụ của nền kinh tế đang chững lại. Doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thiếu vắng đơn hàng, thu nhập người dân sụt giảm… đang tác động trực tiếp đến sức khỏe các ngân hàng.

“Báo cáo tài chính quý I/2023 của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy, lợi nhuận quý I/2023 giảm 4,4%. Từ năm ngoái tới nay, các ngân hàng thương mại đối mặt với nhiều rủi ro. Nếu năm 2022, rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng là thanh khoản, lãi suất và cả rủi ro danh tiếng (do liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm nhân thọ) thì năm 2023, rủi ro lớn nhất của các ngân hàng là rủi ro tín dụng. Khi doanh nghiệp khó khăn, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu. Chưa kể, nền kinh tế khó khăn cũng khiến các rủi ro khác gia tăng với lĩnh vực ngân hàng như rủi ro an ninh các phòng giao dịch, rủi ro gian lận nội bộ, tấn công mạng…”, ông Tùng cho biết.

Để đối phó, NHNN đã đi trước một bước khi giảm lãi suất điều hành 2 lần từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, theo TS Cấn Văn Lực, thị trường đang kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ giảm về mức 4%/năm, tương đương với lãi suất trước đại dịch COVID-19. Cũng theo ông Lực, từ đầu năm đến nay, VNĐ đã tăng giá 0,7-0,8%, cơ bản cả năm sẽ ổn định, nếu mất giá thì chỉ khoảng 0,5-1%. Về tín dụng, năm nay, NHNN đặt mục tiêu tín dụng tăng 14% song khả năng tăng trưởng tín dụng thực tế sẽ thấp hơn. Đáng lo nhất hiện nay là nợ xấu đang có dấu hiệu tăng nhanh, dự kiến khoảng 2,5% cuối năm nay. Tuy nhiên, Thông tư 02/2023/TT-Ngân hàng Nhà nước vừa được ban hành sẽ làm tốc độ tăng nợ xấu chậm lại năm nay.

Để gỡ vướng mắc ách tắc thanh khoản của nền kinh tế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần đẩy nhanh giải ngân 1 triệu tỷ đồng đầu tư công. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa phải vào cuộc mạnh mẽ hơn trong hỗ trợ nền kinh tế. Theo TS Cấn Văn Lực, bài toán lớn nhất năm nay là phải quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Riêng chính sách tiền tệ năm nay phải đa mục tiêu hơn, vì ngoài mục tiêu thông thường còn phải “gánh” mục tiêu ổn định hệ thống tiền tệ trong bối cảnh thế giới rất bất ổn.

Còn bà Hà Thị Kim Nga, chuyên gia cao cấp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, thời gian tới, chính sách tiền tệ vẫn phải rất thận trọng để giảm các rủi ro, áp lực từ lạm phát, tỷ giá, lãi suất. “Hiện Việt Nam vẫn còn dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nên phải thúc đẩy giải ngân đầu tư công để đưa dòng tiền mới vào nền kinh tế, từ đó lan tỏa và tạo tác động tích cực”, bà Nga khuyến nghị.

Hà An
.
.
.