Doanh nghiệp vẫn gặp khó vì Luật Hải quan mới

Thứ Năm, 10/09/2015, 08:41
Hệ thống pháp luật hải quan (HQ) đã mang lại cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) nhiều thuận lợi hơn trước. Đặc biệt, DN đánh giá rất cao hệ thống thông quan điện tử VNACCS, hệ thống cung cấp thông tin và cơ chế tham vấn HQ – DN. Tuy nhiên, trong 8 tháng thực hiện Luật HQ, không ít DN đều băn khoăn, lo ngại với những thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm dịch với hàng hóa năm 2015 không hề đơn giản hơn trước, ảnh hưởng rất lớn tới thời gian thông quan của DN.
Theo kết quả khảo sát 5 Chi cục Hải quan lớn tại HQ các TP Hồ Chí Minh (2 Chi cục), Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương cho thấy tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành chiếm 30 – 35% tổng số lô hàng NK (riêng tại Chi cục HQ cảng Hải Phòng khu vực I, tỷ lệ này là hơn 44%). Đánh giá cao quy trình khai báo hải quan qua mạng nhưng bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng, với nhiều lô hàng, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện.

Theo bà Dung, DN dệt may thường phải nhập khẩu lông vũ, lông cáo, chồn để làm hàng xuất khẩu. Những mặt hàng này đã có kiểm dịch động vật từ phía nước XK nhưng về Việt Nam, các DN trong nước vẫn phải làm lại quy trình xin kiểm dịch. Quy trình này bắt đầu từ gửi công văn lên Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và PTNT và chờ có chứng nhận thường sẽ mất 5-7 ngày. Sau đó, DN tiếp tục phải xin đăng ký kiểm dịch, hun trùng tại cửa khẩu nhập, thời gian thông thường là 1-2 ngày.

Kết quả sau hun trùng tiếp theo phải gửi lên Viện Sinh thái Môi trường hoặc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để giám định. Thời gian thực hiện việc kiểm dịch với những mặt hàng trên có thể tốn tới 20 ngày. Trong thời gian ấy, các đơn vị NK không chỉ phải chịu chi phí kiểm dịch mà còn gánh thêm phí lưu kho bãi có thể lên vài chục triệu đồng.

Trong các loại kiểm tra chuyên ngành, theo báo cáo của Chi cục HQ cảng Hải Phòng khu vực I, khoảng 70% là kiểm dịch. Nhiều mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam bị kiểm tra chuyên ngành gắt gao nhất. Ví dụ: Mặt hàng hạt điều (thô và nhân) phải chịu 3 loại kiểm tra chuyên ngành là kiểm dịch, kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP), cả 3 loại kiểm tra đều thực hiện đối với cả chiều NK và chiều XK (ngoài ra, Hải quan cũng kiểm tra gắt gao mặt hàng này như đã nêu ở phần trên). Tương tự đối với mặt hàng thuỷ sản, sữa và các sản phẩm từ sữa...

Theo ông Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, thời gian hoàn thành thủ tục kiểm tra chuyên ngành năm 2015 so với trước đó vẫn chưa cải thiện nhiều khi 78,6% doanh nghiệp cho rằng thời gian kiểm dịch không nhanh hơn. Thời gian kiểm tra chất lượng và vệ sinh ATTP cũng cho kết quả tương tự.

Bên cạnh đó, xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát là một trong số các thủ tục có nhiều vướng mắc nhất. Trong khi thủ tục khai báo hải quan đã căn bản được điện tử hoá thì thủ tục xác nhận hàng qua giám sát hải quan vẫn làm thủ công. Trong khi thủ tục kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hoá đã áp dụng quản lý rủi ro thì thủ tục giám sát đang áp dụng với tất cả các lô hàng: 88,5% các DN tham gia khảo sát cho biết, để hàng hoá được thông quan phải trực tiếp làm thủ tục với bộ phận giám sát HQ cảng.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chỉ ra thực tế, chỉ một số ít doanh nghiệp trong ngành thủy sản hiện được vào luồng xanh (miễn kiểm tra hồ sơ giấy và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa). Tuy nhiên, chính những DN thuộc luồng xanh cũng không hiểu vì sao mình lại được ưu tiên khoanh vào khu vực này.

Trên thực tế, quản lý rủi ro là phương pháp quản lý hiện đại, nhưng hiện còn nhiều bất cập như hàng hoá của DN chấp hành tốt pháp luật vẫn bị phân vào luồng vàng, luồng đỏ; cứ mặt hàng thuộc diện quản lý chuyên ngành (kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, ATTP...) là bị phân vào luồng vàng, luồng đỏ; hàng hoá của DN bị phân vào luồng đỏ qua kiểm tra nhiều lần (hàng chục lô), trong thời gian dài (hàng năm), không phát hiện vi phạm mà vẫn tiếp tục bị phân vào luồng đỏ; nguyên liệu NK để sản xuất cũng bị phân vào luồng đỏ; một lô hàng, do quá 50 dòng hàng nên phải chia làm nhiều tờ khai, có tờ thì luồng xanh, tờ thì luồng đỏ; lô hàng XNK tại chỗ, bên xuất kiểm tra, bên nhập lại kiểm tra nữa...

Điểm đáng chú ý là hàng XK, nhất là hàng thế mạnh, khuyến khích xuất khẩu của Việt Nam (nông sản, thuỷ sản...)  đang được kiểm tra gắt gao hơn hàng NK, có DN XNK một mặt hàng nông sản mà 100% là luồng vàng khi NK, 69% luồng vàng khi XK...

Các DN cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là việc lấy mặt hàng làm tiêu chí quản lý rủi ro, nhất là việc quy định cứ mặt hàng thuộc diện quản lý chuyên ngành (kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, ATTP...) là bị phân vào luồng vàng, luồng đỏ dẫn đến các loại hàng hoá này đã bị kiểm tra chuyên ngành (có mặt hàng bị 3 cơ quan kiểm tra), lại tiếp tục trở thành đối tượng luồng vàng, luồng đỏ của HQ.

Phan Đức
.
.
.