Đồng bộ giải pháp để chặn chiêu trò trốn thuế

Thứ Sáu, 08/12/2023, 06:48

Để ngăn những chiêu trò trốn thuế, bên cạnh công tác tuyên truyền, Bộ Tài chính sẽ cho rà soát, xử lý vi phạm đối với cơ sở kinh doanh không xuất hoá đơn kịp thời cho người mua hàng.

Áp thuế lên các mặt hàng nhưng lại lờ việc xuất hóa đơn

Chị Thúy Hiệp - một khách hàng ăn ở một nhà hàng cuốn nổi tiếng trên phố Bà Triệu (Hà Nội) cho biết, cơ quan chị đi ăn hết hơn 5 triệu đồng, khi chị yêu cầu lấy hóa đơn thì thu ngân bảo phải nộp thêm thuế.

“Ở đây bọn em chỉ xuất hóa đơn theo yêu cầu của khách, khách phải nộp thêm 8% thuế đồ ăn và 10% cho thuế đồ uống. Điều này sẽ phải “đội” chi phí của khách lên, nên bọn em “linh động”, bạn thu ngân phân bua. Vì cái sự “linh động” này của nhà hàng mà rất nhiều người đã chấp nhận không lấy hóa đơn để không phải trả thêm tiền. Tuy nhiên, chiêu trò “linh động” của nhà hàng chỉ là một trong các chiêu trốn thuế. Một số nhà hàng ăn hiện nay dù áp thuế lên tất cả các mặt hàng, dịch vụ, song chỉ xuất hóa đơn khi khách có yêu cầu, còn lại sẽ “lờ” đi nếu khách không hỏi tới.

Đồng bộ giải pháp để chặn chiêu trò trốn thuế -0
Mới có 16% cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng.

 “Tôi đi ăn ở 2 nhà hàng trên phố Lý Thường Kiệt, bill nào cũng đều đã cộng tiền thuế, song nếu không hỏi thì nhà hàng không có xuất hóa đơn. Mà theo quan sát của tôi, rất nhiều người đi theo nhóm gia đình hoặc bạn bè đều không có nhu cầu lấy hóa đơn thanh toán. Như vậy, với “chiêu” này, nhà hàng có thể thu thêm 8-10% giá trị hóa đơn mà không phải tính vào thuế. Điều này khiến cho cả khách hàng và ngân sách đều bị thiệt hại, chỉ nhà hàng là có lợi”, chị Hiệp chia sẻ.

Theo phản ánh của các phương tiện truyền thông, không chỉ nhà hàng, các khách sạn cũng có hiện tượng này. Trả lời thông tin phản ánh, Bộ Tài chính cho biết theo quy định tại Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội thì toàn bộ tổ chức, cá nhân khi bán hàng hóa, dịch vụ đều phải xuất hóa đơn điện tử, không phân biệt giá trị từng lần.

“Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ”- đại diện Bộ Tài chính dẫn thông tin và cho biết, việc sử dụng hóa đơn điện tử được áp dụng từ thời điểm 1/7/2022 và đến nay đã thực hiện thống nhất trên cả nước.

Đối với các chiêu trò trốn thuế như kể trên, Bộ Tài chính cho biết, cơ quan Thuế đã thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp từ hoàn thiện hành lang pháp lý đến việc đẩy mạnh tuyên truyền đến người bán hàng, người mua hàng về quyền lợi và nghĩa vụ của việc xuất hoá đơn khi mua hàng hoá, dịch vụ.

“Người bán hàng phải có trách nhiệm xuất hoá đơn cho người mua hàng theo từng giao dịch phát sinh. Với người mua hàng, đây là chứng từ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của hàng hoá, dịch vụ, qua đó tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, Tổng cục Thuế cho biết.

Được biết, hiện ngành Thuế đang triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền áp dụng cho các cơ sở kinh doanh thuộc lĩnh vực bán lẻ đến người tiêu dùng (ăn uống, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ khác…). Đây là hình thức hóa đơn điện tử thuận tiện trong việc sử dụng đem lại lợi ích cho cả người bán hàng và người mua hàng.

Xuất hoá đơn có gây lãng phí và ùn tắc tại trạm xăng dầu?

Thời gian qua, câu chuyện xuất hóa đơn từng lần tại các trạm xăng dầu đang là vấn đề nóng. Thủ tướng Chính phủ trực tiếp ra công điện chỉ đạo thực hiện lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng, bảo đảm đúng quy định pháp luật, xử lý nghiêm nếu không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện. Bộ Tài chính gửi văn bản đề nghị các địa phương phối hợp chỉ đạo công tác quản lý việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Theo Bộ Tài chính, đến nay, thống kê sơ bộ thì mới chỉ có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng với khoảng trên 2.700 cửa hàng, chiếm khoảng 16% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước. Các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu còn lại mặc dù đã thực hiện hóa đơn điện tử nhưng chưa thực hiện được việc lập hóa đơn điện tử đối với từng lần bán hàng theo quy định.

Dù quy định phát hành hóa đơn đối với cửa hàng xăng dầu theo từng lần bán hàng đã được thực hiện, song một số ý kiến lo ngại điều này sẽ gây lãng phí và ách tắc tại các cây xăng. Trả lời về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định, hóa đơn điện tử bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất.

Đồng thời, người bán tổng hợp dữ liệu tất cả các hóa đơn bán xăng dầu trong ngày theo từng mặt hàng để thể hiện trên bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử và chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử này ngay trong ngày. Căn cứ quy định nêu trên, đối với các khách hàng lấy hóa đơn, cửa hàng xăng dầu thực hiện lập hóa đơn điện tử với đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định.

Đối với khách hàng không lấy hóa đơn, cửa hàng xăng dầu cũng phải lập hóa đơn (không cần phải đầy đủ chỉ tiêu), việc lập hóa đơn điện tử là theo phần mềm, được thực hiện tự động, số lượng hóa đơn điện tử đã xuất sẽ được lưu trữ đầy đủ bằng hình thức điện tử (không phải in ra) tại các cửa hàng xăng dầu và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Do đó, việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng không làm mất thời gian của người mua không có nhu cầu lấy hóa đơn nhưng vẫn đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định và hóa đơn điện tử được lưu trữ, tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu…

Hà An
.
.
.