Làm gì để các khu công nghiệp, khu kinh tế miền Trung cất cánh?

Gam màu sáng trong bức tranh thu hút… “đại bàng” (Kỳ 4)

Thứ Sáu, 27/10/2023, 07:24

Hiện thực hóa khát vọng phát triển, các tỉnh, thành miền Trung mong muốn bứt phá về tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội thông qua chính sách hấp dẫn, thu hút “đại bàng” về “làm tổ” nhất là tại các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN). Đáng mừng là bên cạnh những tồn tại mà PV Báo CAND phát hiện như đã kể, có nhiều “điểm sáng” tích cực, xuất phát từ cách nghĩ, cách làm mới mẽ, táo bạo,... Đây chính là những hạt nhân quan trọng để vươn tới mục tiêu mà Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đã xác định, trong đó đến năm 2030, miền Trung phải là vùng phát triển năng động, nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước…

Đất nghèo nay thành…đất lành

Hôm có mặt tại KKT Nghi Sơn, PV Báo CAND được kể, nơi đây từng là một vùng đất nghèo nàn, hoang vu. Thế nhưng, chỉ hơn 1 thập kỷ, KKT Nghi Sơn hôm nay không chỉ có Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, mà còn có hàng trăm dự án khác đang vận hành. Hiện Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) có công suất chế biến lên tới 200.000 thùng dầu thô mỗi ngày, đáp ứng khoảng 30 - 40% nhu cầu xăng dầu trong nước. Tính riêng giai đoạn 2018 - 2021, NSRP đã đóng góp hơn 3,3 tỷ USD cho nền kinh tế trong nước và tiết kiệm hơn 260 triệu USD nhờ cắt giảm nhu cầu nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường khác.

Cũng trong KKT này, từ tháng 8/2022, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (dự án FDI vốn 2,8 tỷ USD) đi vào vận hành thương mại, đưa Nghi Sơn trở thành trung tâm năng lượng của cả nước, với 2 nhà máy nhiệt điện phát tổng công suất hơn 11,4 tỷ kWh hàng năm lên lưới điện quốc gia.

Gam màu sáng trong bức tranh  thu hút… “đại bàng” (Kỳ 4) -0
Năm 2022, KCN Lễ Môn (Thanh Hóa) đạt giá trị sản xuất trên 9.000 tỷ đồng, nộp ngân sách là 308 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 25.500 lao động. Ảnh: Đức Thắng.

Không chỉ có vậy, KKT Nghi Sơn còn có hàng trăm nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, bao bì và các sản phẩm công nghiệp cũng đang hoạt động hiệu quả. Theo thống kê, trong giai đoạn 2021 - 2023 giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại tại đây đạt gần 492.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 6.453 triệu USD. Hoạt động sản xuất tại KKT Nghi đã mang lại nguồn thu ngân sách hơn 51.000 tỷ đồng. Đặc biệt, riêng năm 2022, số thu ngân sách từ các hoạt động sản xuất tại KKT Nghi Sơn đóng góp gần 50% số thu ngân sách của tỉnh, và là động lực chính để lần đầu tiên Thanh Hóa chính thức gia nhập nhóm các tỉnh, thành của cả nước có số thu ngân sách từ 50.000 tỷ đồng mỗi năm. Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, KKT Nghi Sơn không chỉ là đầu tàu kinh tế của Thanh Hóa mà còn là động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cả vùng kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ và khu vực Bắc Trung Bộ.

Như là một điều mặc nhiên, các địa phương thu ngân sách hằng năm cao đều là những những địa phương thu hút hiệu quả nhà đầu tư vào các KKT trọng điểm của tỉnh. Như Thanh Hóa, năm 2022, lần đầu có tổng thu ngân sách đạt gần 49.000 tỷ đồng (vượt 73,5% so kế hoạch), cao nhất từ trước đến nay và đang đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ. Năm 2022, nhiều địa phương khác tại khu vực miền Trung cũng thu ngân sách vượt “khủng” so với kế hoạch ban đầu, như: Thừa Thiên Huế vượt 85,5%, Quảng Ngãi vượt 78,4%, Quảng Bình vượt 60%. Theo Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023, trong số 18/63 tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách Trung ương, khu vực miền Trung có Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ngãi. Đây là tín hiệu rất đáng vui mừng.

Với Quảng Nam, nhờ thành công trong thu hút nhà đầu tư vào các KCN thời gian qua đã góp phần đáng kể đưa một tỉnh thuần nông, chậm phát triển, vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá và là “điểm sáng” của cả nước. Năm 2022, Quảng Nam thu ngân sách đạt hơn 34.000 tỷ đồng, đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong cùng khu vực, cùng với Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Quảng Nam là địa phương có đóng góp số thu ngân sách tỉnh về ngân sách Trung ương.

Chia sẻ về những kinh nghiệm thành công của địa phương, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, liên tiếp các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh gần đây đều xác định, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một trong ba nhiệm vụ đột phá nhằm thúc đẩy thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển KT-XH. Để thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, Quảng Nam đã hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử, đẩy mạnh cắt giảm chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính; triển khai đồng bộ, hiệu quả mục tiêu “4 tăng” (tăng tính công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm trong thực thi công vụ; tăng cường phương thức giải quyết thủ tục hành chính qua môi trường mạng; tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp), “2 giảm” (giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính), “2 không” (không gây phiền hà, sách nhiễu; không trễ hẹn)…

Gam màu sáng trong bức tranh  thu hút… “đại bàng” (Kỳ 4) -0
Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô thu hút nhiều dự án quy mô lớn trong và ngoài nước. Ảnh: Hải Lan.

Quyết tâm đột phá phát triển nhanh vùng Đông, đồng thời tạo lập các yếu tố cần thiết để làm tiền đề phát triển mạnh mẽ vùng Tây, Quảng Nam quy hoạch, định hướng đầu tư sản xuất theo cụm ngành với công nghệ hiện đại, ít sử dụng lao động; phát triển mạnh ngành công nghiệp ôtô, công nghiệp điện khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, công nghiệp thực phẩm, đồ uống, công nghiệp hàng không,... để sớm hình thành trung tâm cơ khí đa dụng quy mô lớn tại KKT mở Chu Lai. Tỉnh thu hút đầu tư vào các KCN những ngành, nghề tiên tiến, đóng góp ngân sách nhiều, hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích sử dụng đất; các ngành khai thác, chế biến khoáng sản phải đổi mới công nghệ, chế biến sâu, không làm tổn hại môi trường.

Quảng Nam cũng đã đổi mới mạnh mẽ tư duy phân bổ vốn đầu tư theo hướng tập trung nguồn lực kết nối hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, thông suốt, ưu tiên các dự án kết nối từ đồng bằng ven biển lên miền núi, các tỉnh lân cận, Tây Nguyên, qua các nước Lào, Thái Lan; các dự án giao thông (sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà, các tuyến đường bộ ven biển,…) có khả năng tạo động lực cho phát triển kinh tế của khu vực, kích thích, thu hút đầu tư của tư nhân cần được ưu tiên trước. Hiện Quảng Nam có 14 KCN với tổng diện tích gần 3.700ha, trong đó 10 KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 70%. Ngoài KCN cơ khí ôtô Chu Lai - Trường Hải được tập trung sản xuất sản phẩm ôtô, phụ trợ cơ khí ôtô, các KCN còn lại đều đang hoạt động theo mô hình KCN đa ngành, đa lĩnh vực.

Khát vọng bứt phá từ xứ Huế mộng mơ

Đối với Thừa Thiên Huế, do đang phấn đấu để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TWcủa Bộ Chính trị vào năm 2025, để thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, địa phương này vừa ban hành Nghị quyết về đồ án quy hoạch phân khu xây dựng KCN số 2, số 3 tại KKT Chân Mây - Lăng Cô với diện tích gần 410 ha.

Lãnh đạo tỉnh khẳng định, việc phê duyệt 2 KCN này nhằm cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng KKT Chân Mây - Lăng Cô, trên cơ sở định hướng phát triển KT-XH của địa phương về đầu tư phát triển tại các KKT, KCN; tạo sự đồng bộ, khớp nối với các khu vực đã được triển khai lập quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về phát triển KCN tại KKT Chân Mây – Lăng Cô; nâng cao hiệu quả năng lực, khai thác tối đa việc sử dụng quỹ đất; thiết lập khu vực sản xuất tập trung gắn với bảo vệ môi trường, hài hòa kiến trúc cảnh quan khu chức năng lân cận; tạo môi trường thuận lợi nhằm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tạo việc làm, khai thác tiềm năng, tăng trưởng kinh tế… Cách nay chưa lâu, tỉnh đã khởi công KCN Gilimex, rộng hơn 460ha với tổng vốn hơn 2.600 tỷ đồng; dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ thu hút 30.000 việc làm.

Gam màu sáng trong bức tranh  thu hút… “đại bàng” (Kỳ 4) -0
Khu công nghiệp VSIP Nghệ An thu hút nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư. Ảnh: Hải Việt.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Lê Văn Tuệ, Trưởng BQL KKT - CN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm, địa phương đang tập trung việc kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng tại các KCN trên địa bàn; dơn giản hoá các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường… khi xây dựng, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính xuống mức thấp nhất. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ sở dạy nghề trong và ngoài nước để kêu gọi thành lập chi nhánh tại Huế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động của các nhà đầu tư thứ cấp…

Đặc biệt, Thừa Thiên Huế đã đề ra nhiều giải pháp đột phá, hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư như: ban hành quy định riêng về về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh để tạo thuận lợi, tháo gỡ các vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; ban hành chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hoá vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây. Tỉnh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trên địa bàn; thành lập 4 Tổ công tác do các lãnh đạo UBND tỉnh làm Tổ trưởng để chỉ đạo, theo dõi, hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn tỉnh kịp thời, nhanh chóng nhất…

Chia sẻ với PV Báo CAND, ông Vũ Quang Hùng, Trưởng BQL Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng hiện có 6 KCN, 1 khu công nghệ cao và 1 khu công nghệ thông tin tập trung, với tổng diện tích 2.326 ha, thu hút được 524 dự án đầu tư, các doanh nghiệp nộp ngân sách chiếm khoảng 22% thu ngân sách của thành phố. “Để phục vụ nhu cầu cho các nhà đầu tư, thành phố đang triển khai thủ tục phát triển thêm 3 KCN mới, gia tăng đất công nghiệp lên thêm gần 800 ha”, ông Hùng cho biết.

Sau những khó khăn do đại dịch COVID-19, đã có những tín hiệu tích cực. Đáng chú ý, mới đây, Đà Nẵng đã kêu gọi thành công một “đại bàng” với kế hoạch đầu tư hơn 135 triệu USD, lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao vào Khu công nghệ cao. Hiện Đà Nẵng đang tiếp tục quá trình đám phán, nếu đạt được thỏa thuận, tập đoàn này sẽ đầu tư hơn 400 triệu USD vào tổng dự án ở đây. “Kể từ khi quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ được nâng lên thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, thì ngành công nghệ cao (đặc biệt là công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch) và công nghiệp công nghệ thông tin – 2 trong 5 lĩnh vực mũi nhọn của Đà Nẵng đang đứng trước những vận hội mới”, ông Hùng phấn khởi cho biết. 

Nhóm PV miền Trung
.
.
.