Nghịch lý ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi

Thứ Ba, 17/10/2023, 06:55

Những năm gần đây, Việt Nam trở thành nước có ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi (TĂCN) có tốc độ phát triển nhanh trong khu vực. Tuy nhiên, có đến hơn 90% nguyên liệu nhập khẩu (NK) nên thị trường TĂCN trong nước dễ bị tác động tiêu cực nếu chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy. Vì vậy, giải pháp đặt ra là cần phải phát triển nguồn nguyên liệu trong nước để cung ứng cho ngành sản xuất TĂCN, thay thế dần nguyên liệu NK.

Ngành sản xuất TĂCN của Việt Nam đã và đang thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư. Bên cạnh các DN trong nước, thì có rất nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tham gia vào lĩnh vực này,

Hiện tại, 269 nhà máy sản xuất TĂCN có tổng công suất thiết kế 43,2 triệu tấn, nhưng sản lượng sản xuất thực tế chỉ đạt 20,8 triệu tấn (đạt khoảng 48%). Phần lớn các nhà máy đều của các DN FDI. TS. Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, số liệu trên cho thấy số lượng và công suất thiết kế các nhà máy TĂCN công nghiệp của Việt Nam hiện nay quá lớn, vượt xa so với nhu cầu. Trong khi đó, mức độ khai thác của các nhà máy chỉ đạt 48% là quá thấp.

Ngoài ra, việc phân bố các nhà máy TĂCN hiện nay cũng đang mất cân đối, phân bổ tập trung chủ yếu ở khu vực đông dân cư sẽ không còn không gian cho phát triển chăn nuôi. Đặc biệt là sau năm 2025, khi Luật Chăn nuôi về di dời các cơ sở chăn nuôi ra ngoài khu dân cư có hiệu lực.

Nghịch lý ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi -0
Khách hàng tìm hiểu một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, nhiều năm qua, chăn nuôi luôn đóng vai trò quan trọng trong duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Năm 2022, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 23,7 tỷ USD, chiếm gần 27% giá trị sản xuất nông nghiệp và 5,8% tổng GDP quốc gia, tạo sinh kế cho hơn 10 triệu lao động tại nông thôn, đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm cho 100 triệu dân cùng hàng triệu khách du lịch và bắt đầu có sản phẩm xuất khẩu (XK). Trong 9 tháng đầu năm 2023, giá trị XK các sản phẩm chăn nuôi đạt 369 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như dịch bệnh, biến động thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi…

Mặc dù ngành chăn nuôi giữa vị trí quan trọng trong ngành nông nghiệp nhưng vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu để cung ứng cho các nhà máy sản xuất TĂCN, nhập khẩu vẫn chiếm đến hơn 90%. Chính vì quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu NK, nên các nhà máy sản xuất TĂCN trong nước gặp nhiều khó khăn khi giá nguyên liệu tăng cao.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam NK 8,2 triệu tấn thức ăn gia súc và nguyên liệu TĂCN (tương đương 3,4 tỷ USD), giảm 3,3% về khối lượng và 7,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Để bổ sung nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt, các DN đã tìm kiếm các nguồn TĂCN trong nước thay thế. Đặc biệt, trong thời gian qua, Trung Quốc siết chặt NK hàng nông sản từ Việt Nam, trong đó có cám gạo, sắn, nên các nguyên liệu này sử dụng trong nước tăng lên.

Theo TS. Nguyễn Xuân Dương, Nhà nước không nên khuyến khích đầu tư xây mới các cơ sở chế biến TACN công nghiệp đến năm 2030, trừ những vùng có số lượng nhà máy TĂCN còn thấp và còn tiềm năng phát triển chăn nuôi trong thời gian tới. Cần tập trung cho các biện pháp để giảm chi phí NK như: giảm chi phí logistic, giảm các chi phí khác, thủ tục hành chính trong kiểm tra NK.

Đặc biệt, để chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, cần khuyến khích sản xuất những loại nguyên liệu mà Việt Nam có lợi thế như: trồng và khai thác chế biến rong tảo biển làm nguyên liệu TĂCN, tăng thuế NK một số nhóm nguyên liệu thức ăn bổ sung mà trong nước có thể sản xuất được như các loại bột khoáng...

Riêng các DN sản xuất kinh doanh, cần rà soát, đổi mới công nghệ theo hướng nông nghiệp xanh, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm và kiểm soát được chỉ số cacbon trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, các nhà máy uu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước và các loại nguyên liệu có xuất xứ rõ ràng, có chứng nhận chất lượng và thân thiện với môi trường.

Thúy Hà
.
.
.