Gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp:

Người lao động phấn khởi, doanh nghiệp mong sớm triển khai

Thứ Năm, 30/09/2021, 06:59

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp, cả người lao động và doanh nghiệp đều “đuối sức”, thông tin Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức thông qua đề xuất gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP “Về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ BHTN” là tin vui.

Theo đó, người lao động có tham gia BHTN sẽ được nhận hỗ trợ từ 1,8- 3,3 triệu đồng/người (tùy thời gian đóng BHTN). Cả người lao động và phía doanh nghiệp đều đánh giá cao chính sách hỗ trợ này và mong sớm có quy định cụ thể để chính sách đến tay đối tượng thụ hưởng.

pppp.jpg -0
Người lao động mong chính sách hỗ trợ từ gói 30 nghìn tỷ từ kết dư Quỹ Bảo hiểm  thất nghiệp sớm được triển khai.

Vơi bớt khó khăn

Nhẩm tính với 10 năm đóng BHTN, số tiền được nhận hỗ trợ cũng sẽ được khoảng 3 triệu đồng, chị Nguyễn Thu Hương (Công ty May xuất khẩu Thái Minh) rất phấn khởi. Chị Hương cho biết, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, công ty vẫn cố gắng xoay xở, duy trì công việc cho người lao động. Tuy nhiên, thu nhập đã giảm mạnh so với trước do không còn được tăng ca.

Thậm chí, từ thời điểm làn sóng dịch thứ 4 diễn ra đến nay, một số người đã phải chấp nhận giãn việc, cuộc sống người lao động rất khó khăn.

“Cả hai vợ chồng là công nhân, tuy nhiên công ty của chồng phải tạm thời ngừng việc 3 tháng qua nên cuộc sống gia đình thời điểm này rất khó. Nhất là hai đứa nhỏ lại bước vào năm học mới. Chồng cũng có đóng BHXH nên cũng thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này. Với khoản tiền được nhận hỗ trợ khoảng 5 triệu đồng của cả hai vợ chồng thì có thể giải quyết được rất nhiều việc trước mắt. Mong rằng chính sách được triển khai sớm nhất để người lao động vơi bớt khó khăn lúc này”, chị Hương chia sẻ.

Cũng trong tâm trạng phấn khởi, anh Hoàng Quang Phong (Công ty cổ phần Thiết bị máy nông nghiệp TMC) cho biết, người lao động trong công ty đã phải thực hiện giãn việc gần 1 năm nay, thu nhập giảm gần nửa nên ai cũng khó khăn như nhau. Tuy nhiên, giữ được việc làm cho người lao động trong bối cảnh hiện nay cũng là cố gắng rất lớn của lãnh đạo công ty, chính vì thế ai cũng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp lúc này.

Vì thế nếu người lao động và cả công ty cùng được hỗ trợ thời điểm này sẽ là động lực rất lớn để vượt qua khó khăn. “Tôi đi làm và tham gia BHXH đến nay đã hơn 18 năm. Nếu theo cách tính mà mọi người nói thì sẽ được hỗ trợ hơn 3 triệu đồng. Khoản tiền này không phải là lớn nhưng nó thực sự ý nghĩa với người lao động chúng tôi bây giờ. Mong chính sách triển khai sớm nhất để chúng tôi sớm được nhận hỗ trợ”, anh Phong cho biết.

Phấn khởi vì sẽ có được một khoản tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN, và mong muốn chính sách sớm được triển khai, tuy vậy không ít lao động vẫn còn băn khoăn vì chính sách vừa mới được ban hành, vẫn chưa có những thông tin triển khai cụ thể.

Chị Doãn Thị Hồng (công nhân Công ty cổ phần May Minh Quang, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, chị thuộc đối tượng tham gia BHTN có thời gian đóng hơn 60 tháng và chiếu theo quy định thì sẽ được hỗ trợ 2,4 triệu đồng.

“Vấn đề là chính sách vừa được ban hành, nên cơ quan Nhà nước cần sớm xây dựng hướng dẫn triển khai cụ thể để người lao động chúng tôi nắm rõ. Ví dụ như hồ sơ chúng tôi cần chuẩn bị gồm những gì, nộp cho công ty hay cơ quan BHXH… Và quan trọng nữa là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, thủ tục hành chính cần phải đơn giản tối đa để không làm khó người lao động”, chị Hồng cho hay.

Doanh nghiệp có thêm nguồn lực

Theo Nghị quyết 116 vừa được Chính phủ ban hành, người sử dụng lao động (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chỉ thường xuyên) đang tham gia đóng BHTN cho người lao động trước ngày 1/10/2021, sẽ được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN trong vòng 12 tháng, kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.

Đề cập đến việc được hỗ trợ khoản tiền đóng BHTN cho người lao động này, ông Mai Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH XNK Linh Hân cho rằng, đây là chính sách nhân văn và cộng đồng doanh nghiệp cảm thấy được quan tâm và có thêm nguồn lực để hỗ trợ sản xuất.

“Chúng tôi có 4 phân xưởng may xuất khẩu với hơn 1.000 công nhân. Tính trung bình, mỗi tháng nếu được miễn đóng khoản tiền BHTN 1% cho người lao động, công ty sẽ có thêm gần 100 triệu đồng. 12 tháng được miễn công ty sẽ có gần 1,2 tỷ đồng để hỗ trợ cho công nhân phòng, chống dịch, hỗ trợ thêm cho người lao động khó khăn.

Đây thực sự là sự chia sẻ kịp thời của Nhà nước cho doanh nghiệp thông qua chính sách. Chính sách rất thiết thực, tuy nhiên cần phải nhanh chóng cho hướng dẫn cụ thể triển khai để chính sách đến được với người lao động, doanh nghiệp nhanh nhất”, ông Hùng cho biết.

Trao đổi về vấn đề này, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam cho biết, với hàng triệu lao động làm việc trong lĩnh vực này thì đây là chính sách rất cần thiết. Hiệp hội Da giày-Túi xách cũng đã có những chia sẻ đến các doanh nghiệp để trao đổi thông tin.

“Chúng tôi đánh giá cao những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như thế này, đặc biệt với đơn vị sử dụng nhiều lao động. Vì đây là thời điểm cả doanh nghiệp và người lao động đang rất khó khăn. Chúng tôi mong sớm có hướng dẫn rõ ràng, chi tiết về thủ tục giải quyết, nơi tiếp nhận, thời điểm giải ngân… để sớm có thông tin hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thực hiện”, bà Xuân cho biết.

Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, đây là chính sách kịp thời, hợp lý, hỗ trợ thiết thực cho người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Ông Thọ đánh giá, đây là thời điểm cả doanh nghiệp và người lao động đã “kiệt sức”. Được hỗ trợ dù ít dù nhiều đều rất quý.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Bây giờ là lúc lực lượng công nhân và doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ, nếu không hỗ trợ bây giờ, lúc sau hỗ trợ có thể người ta lại không cần nữa. Gói lên đến 30 nghìn tỷ, lại còn hỗ trợ các doanh nghiệp 8 nghìn tỷ nữa tiền đóng BHTN cho người lao động cho nên quy mô là rất lớn.

Tuy nhiên, việc chi trả hỗ trợ đối tượng này rất thuận lợi vì đã có cơ sở dữ liệu về người lao động và doanh nghiệp trên hệ thống của BHXH. Chỉ còn một chút băn khoăn về đối tượng khi có những lao động làm việc ở các doanh nghiệp mà thời gian qua do khó khăn chậm nộp BHXH, những lao động đang phải tạm hoãn hợp đồng lao động…

Họ cũng khó khăn, và cũng cần được hỗ trợ cho nên các cơ quan xây dựng hướng dẫn thực hiện như BHXH Việt Nam hay Bộ LĐ-TBXH cần tính toán vấn đề này và nhanh chóng xây dựng các quy định cụ thể để xác định đối tượng, ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai thật nhanh”, PGS.TS Vũ Quang Thọ cho hay.

Phan Hoạt
.
.
.