Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp FDI trong thời gian sớm nhất

Thứ Tư, 20/10/2021, 09:46

Ngày 19/10, TP Hà Nội tổ chức hội nghị “Đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19”. Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, 18% doanh nghiệp châu Âu phải chuyển dịch sang sản xuất ở quốc gia khác nhưng không phải rút vốn khỏi Việt Nam.

Doanh nghiệp chuyển dịch nguồn cung ứng và đơn hàng

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, việc giãn cách xã hội trong hoàn cảnh dịch bệnh bùng phát như vừa qua là cần thiết, phía doanh nghiệp hoàn toàn thấu hiểu và tuân thủ. Đặc biệt, với vai trò là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị và kinh tế của Việt Nam, quan điểm thận trọng là hợp lý.

Tuy vậy, trong thời gian giãn cách, doanh nghiệp vẫn gặp một số khó khăn lớn như vấn đề “3 tại chỗ”, giấy đi đường. Tình trạng nhiều địa phương “đóng cửa” đã gây nên hạn chế lưu thông hàng hóa. Theo khảo sát của EuroCham, 70% doanh nghiệp của hiệp hội cho rằng, vận tải, cung ứng là tác nhân lớn nhất ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh. Đây là một trong những lý do khiến 18% doanh nghiệp châu Âu phải chuyển dịch sang sản xuất ở quốc gia khác, 16% doanh nghiệp đang cân nhắc chuyển dịch.

Ông Minh nhấn mạnh: “Đây không phải là chuyển dây chuyền, nhà máy hay rút vốn và mà là chuyển dịch nguồn cung ứng và đơn hàng để đáp ứng nhu cầu thị trường nước ngoài. Doanh nghiệp châu Âu không rút vốn khỏi Việt Nam. Tất nhiên, trên thực tế Hà Nội là một trong những địa phương tạo điều kiện tốt cho lưu thông hàng hoá liên tỉnh và hiện nay phần lớn các địa phương, đặc biệt tại Hà Nội đã “mở cửa” và xã hội trở lại bình thường”.

Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp FDI trong thời gian sớm nhất -0
Các nhà đầu tư nước ngoài gửi kiến nghị đến lãnh đạo TP Hà Nội.

Tại hội nghị, ông Inoue Soichi, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết, nhiều nhà máy của nhà đầu tư Nhật Bản đã phải tạm dừng sản xuất trong thời gian qua để phòng dịch bệnh. Ông Inoue Soichi đề xuất: “Trong trường hợp dịch bùng phát sau này, cho phép người lao động có chứng nhận tiêm phòng vaccine từ 1 mũi trở lên, hoặc có chứng nhận kết quả âm tính được phép đi làm từ nhà, bất kể đó là vùng dịch hay không; chỉ yêu cầu xét nghiệm với một số lượng người nhất định (5-10% tổng số người đi làm); gia hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính khoảng 2 tuần”.

Ông Inoue cho rằng, 3 đề xuất nêu trên dựa theo quan điểm “Duy trì hoạt động kinh tế một cách hiệu quả và năng suất trên cơ sở thích ứng với dịch bệnh COVID-19”, “phát triển kinh tế Hà Nội hơn nữa”, “duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh về đầu tư với các nước láng giềng” trong trường hợp nếu đại dịch bùng phát trong tương lai.

Ông Inoue cũng kêu gọi TP thống nhất tiêu chí áp dụng tại những khu vực trên địa bàn và thực hiện thủ tục cấp phép theo các tiêu chí, qua đó đẩy nhanh quy trình hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngoài ra, đại diện của JCCI cũng kiến nghị, nới lỏng tần suất xét nghiệm PCR với lái xe nếu họ đã tiêm vaccine, và cho phép lưu thông qua khu vực thực hiện giãn cách trên tuyến đường lưu thông có điểm đầu và cuối là địa phương không thuộc diện giãn cách.

Đại diện Công ty TNHH BizConsult kiến nghị cho phép không đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian doanh nghiệp phải dừng hoạt động do ảnh hưởng dịch COVID-19; giãn thời hạn đóng bảo hiểm và một số chính sách liên quan đến bảo hiểm để giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp. Trong khi Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để duy trì nguồn vốn, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, vấn đề giảm chi phí quản lý cơ sở hạ tầng khu công nghiệp cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm, với khoảng 50 trong tổng số gần 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp đề xuất.

Doanh nghiệp giải thể tăng 22%

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, dịch COVID-19 đã khiến tăng trưởng kinh tế của TP Hà Nội giảm sút. Trong 9 tháng qua, tổng sản phẩm GRDP của TP tuy vẫn tăng trưởng dương 1,28% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Mặc dù số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 77%, nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lại giảm 12%, doanh nghiệp giải thể tăng 22%, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh thay mặt lãnh đạo TP trân trọng cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến tham gia, chia sẻ trách nhiệm, tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp và các đại biểu dự hội nghị đối với những khó khăn chung mà TP và cả nước đang đối mặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, cũng như những đề xuất, kiến nghị đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, một số nội dung kiến nghị, đề xuất đã được giải quyết ngay như đề xuất điều chỉnh chủ trương của 3 dự án: Bệnh viện Phương Đông của Công ty TNHH tổ hợp y tế Phương Đông; Dự án B3CC1 của Công ty TNHH JR22 (Hàn Quốc) và Dự án sân golf Sky Lake Resort Club của Công ty TNHH DK ENC (Hàn Quốc). Đồng thời, TP cũng có văn bản giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương xem xét tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp FDI trong thời gian sớm nhất.

Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp và đại biểu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp thu, chắt lọc để tham mưu ban hành cơ chế, chính sách cho TP; rà soát, giải quyết theo thẩm quyền. Đồng thời, đối với các chính sách thuộc thẩm quyền của trung ương, UBND TP giao các sở, ngành tổng hợp, đề xuất với các bộ, ngành trung ương xem xét, giải quyết.

Cụ thể, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục, chú trọng các dự án đầu tư lớn nguồn vốn cả trong và ngoài ngân sách. Đặc biệt là tích cực thực hiện các nhiệm vụ của Tiểu ban sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới và tích hợp các dịch vụ tiện ích trong quy trình thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng đề nghị các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng, phát huy tối đa tinh thần sáng tạo, vượt khó để chủ động xây dựng chiến lược và kế hoạch phục hồi sản xuất gắn với các phương án phòng, chống dịch bệnh COVID-19 có hiệu quả, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì ổn định.

Ngọc Yến
.
.
.