Thương mại hóa các chế phẩm dưỡng chất nano để nâng cao năng suất, chất lượng và phòng bệnh cho cây trồng

Thứ Sáu, 30/12/2022, 12:38

Dự án “Hỗ trợ thương mại hóa chế phẩm dưỡng chất nano nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và phòng bệnh cho cây trồng”, do PGS.TS. Hà Phương Thư làm chủ nhiệm, đã phối hợp cùng Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học BIOWISH Việt Nam bước đầu mang lại hiệu quả trên cây măng tây.

Thời gian qua, các nhà khoa học trong nước đã cho ra đời nhiều sản phẩm công nghệ nano được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp và vật nuôi nhằm mục đích nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế.

Thương mại hóa các chế phẩm dưỡng chất nano để nâng cao năng suất, chất lượng và phòng bệnh cho cây trồng -0
PGS. TS.Hà Phương Thư và ông Phạm Đức Nghiệm – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học & công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ), phụ trách Chương trình 2075 – trao đổi về những  sản phẩm nano của Viện Vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

Dự án “Hỗ trợ thương mại hóa chế phẩm dưỡng chất nano nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và phòng bệnh cho cây trồng”, mã số: UDSPTM.02/20-21, thuộc Chương trình Phát triển sản phẩm thương mại cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, do PGS.TS. Hà Phương Thư làm chủ nhiệm, phối hợp thực hiện cùng Công ty cổ phần công nghệ sinh học BIOWISH Việt Nam, đã bước đầu mang lại những hiệu quả thiết thực trên cây măng tây.

Kỹ sư Trần Hữu Chung - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Trường Xuân (xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Ðịnh) - đơn vị đang sử dụng thử nghiệm dưỡng chất Nano từ Dự án, cho biết sản phẩm phân bón tích hợp nano rất an toàn và dễ sử dụng như các loại phân bón thông thường, đồng thời giúp tiết kiệm nước tưới, phân bón và nhân công, giảm tiêu hao nhiên liệu đốt, đồng thời tiết kiệm chi phí cho các loại cây trồng. Đối với các dự án sử dụng phân bón nano trong nông nghiệp, điều quan trọng là nguyên liệu thô và hóa chất sử dụng trong nông nghiệp như polyme tự nhiên, muối kim loại, chất khử và phân NPK không gây ô nhiễm môi trường.

Các dung môi như ethanol và nước cất được sử dụng trong quá trình sản xuất có độc tính thấp và có thể được thu hồi và tái sử dụng trong sản xuất quy mô lớn, hạn chế tác động đến môi trường. Vật liệu nanocompozit được sử dụng với lượng nhỏ để bón cho đất, tránh tồn dư trên cây trồng, giảm thiểu lượng rửa trôi ra môi trường, từ đó hạn chế tác động tiêu cực của chúng đối với biến đổi khí hậu.

Thương mại hóa các chế phẩm dưỡng chất nano để nâng cao năng suất, chất lượng và phòng bệnh cho cây trồng -0
PGS. TS.Hà Phương Thư

PGS.TS. Hà Phương Thư – Chủ nhiệm Dự án cho biết thêm: Tiêu chuẩn sản phẩm dựa trên kết quả nghiên cứu, sản xuất và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị của Việt Nam. Các vật liệu nano tích hợp không làm phân bón bị rò rỉ ra môi trường, gây cát hoặc bạc màu đất, hoặc ảnh hưởng đến hệ thống đường thủy nông nghiệp xung quanh và không có tác động đến hệ sinh thái nông nghiệp.

Việc ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp giúp tiết kiệm phân bón, nước tưới, nhân công nên giảm tiêu hao nhiên liệu, góp phần bảo vệ môi trường. Môi trường tốt là nền tảng để nông nghiệp phát triển bền vững, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cao. KS. Trần Hữu Chung cho biết, các kết quả thử nghiệm dưỡng chất nano tích hợp trên cây măng tây cho thấy có ưu thế về chiều cao và đường kính thân măng, do vậy, có tiềm năng về trọng lượng củ/khóm lớn, có ưu thế mang lại năng suất cao hơn.

Nhấn mạnh những kết quả đã đạt được của Dự án, ông Lê Văn Hải – Tổng Giám đốc Công ty BIOWISH chia sẻ: Đối với đất trồng hiện nay, khi người nông dân đang sử dụng nhiều loại phân bón hóa học, chính vì vậy, làm cho đất trở nên cằn cỗi, kết cấu của đất bị phá hủy, mất khả năng giữ nước và phân bón, cây hấp thụ dinh dưỡng kém, sâu bệnh nhiều, dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp không cao. Hai chế phẩm của Dự án gồm Dưỡng chất nano tích hợp và Dưỡng chất nano vi lượng đã cho thấy nhiều ưu điểm như cải thiện, nâng cao kết cấu đất, giúp đất tơi xốp, giữ nước tốt, cung cấp các vi sinh vật có lợi, tiêu diệt vi sinh vật có hại, cung cấp các chất hữu cơ vào đất, bổ sung đáng kể các nguyên tố dinh dưỡng trung lượng và vi lượng, hạn chế cỏ dại.

Trong suốt quá trình thực hiện Dự án này, nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Hà Phương thư đã phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học BIOWISH Việt Nam, là doanh nghiệp với hơn 8 năm hoạt động và phát triển trong lĩnh vực công nghệ sinh học cũng như ứng dụng công nghệ sinh học trong việc xử lý các vấn đề về phát triển nông nghiệp mang tính bền vững.

Tại Việt Nam, các sản phẩm của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học BIOWISH đã và đang được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực với các quy mô và cấp độ khác nhau như: hộ gia đình, trang trại cũng như các nhà máy. Công ty Biowish là doanh nghiệp có thế mạnh trong việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp công nghệ cao, giúp hỗ trợ người nông dân, gia tăng hiệu quả sản xuất đối với ngành trồng trọt.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học và doanh nghiệp không chỉ giúp cho việc nghiên cứu thành công của dự án mà còn chuyển giao được các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm thương mại ra thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả thương mại hóa sản phẩm, góp phần đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Phan Kế Sơn
.
.
.