Trông chờ việc khoanh lãi,  cơ cấu lại nợ vay từ ngân hàng

Thứ Năm, 07/10/2021, 08:45

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thực hiện Nghị quyết 63 của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN, 16 ngân hàng thương mại (NHTM) đã đồng thuận việc giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh với số tiền 20.611 tỷ đồng.

Chỉ tính từ ngày 15/7 đến 31/8, 16 NHTM đang chiếm 75% tổng dư nợ của nền kinh tế đã thực hiện giảm lãi suất cho vay với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 8.865 tỷ đồng, đạt 43% so với cam kết. Ngoài ra, 4 NHTM có vốn Nhà nước còn cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Song nhiều khách hàng tại TP Hồ Chí Minh đã cho rằng, việc giảm lãi suất là không đáng kể, điều họ cần là việc khoanh lãi, giãn thời hạn trả nợ và không chuyển sang nhóm nợ xấu để họ kịp xoay xở sau 4 tháng tê liệt hoạt động, không có nguồn thu do giãn cách xã hội. Nhất là từ ngày 7/9 NHNN đã ban hành Thông tư số 14 sửa đổi, bổ sung một số điều về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

1.jpg -0
Để khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhiều người dân, doanh nghiệp phải trông chờ vào dòng vốn ngân hàng.

Ông X.H, chủ doanh nghiệp ở quận Gò Vấp đang thế chấp nhiều tài sản là nhà đất để vay hàng chục tỷ đồng từ 3 ngân hàng làm vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Ông H. cho biết, hiện cũng mới chỉ có ngân hàng VCB giảm lãi suất cho khoản vay được 1%/năm; khoản vay của ngân hàng VTB vẫn chưa biết có được giảm hay không còn ngân hàng ABB đã chính thức khẳng định sẽ giữ nguyên lãi suất với khoản vay của doanh nghiệp ông H.

Trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt cuối tháng 9 vừa qua, ông H. vẫn phải gom góp tiền đến ngân hàng làm thủ tục đáo hạn cho khoản vay đã đến kỳ thanh toán rồi vay lại chứ không được giãn hay cơ cấu lại nợ. “May mà công ty hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu nên có giấy đi đường để đến ngân hàng làm thủ tục, nếu không đã bị ngân hàng cho vay đẩy xuống nhóm nợ xấu hoặc quyết định phát mãi tài sản thế chấp”, ông H. than vãn.          

Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho biết: Cộng đồng các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp BĐS hoan nghênh việc NHNN ban hành Thông tư số 14 và được sự hưởng ứng của các NHTM về việc giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Song trên thực tế NHNN và các NHTM vẫn coi hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nên chưa xem xét giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng. Ngay cả các khoản vay tín dụng tiêu dùng để xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà cũng chưa được xem xét giải quyết. Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp thì dòng tiền là “oxy” và việc được NHTM xem xét, tiếp tục cấp tín dụng chính là máy thở oxy cho doanh nghiệp.

Từ thực tế này, đại diện giới đầu tư kinh doanh BĐS tại Thành phố đề nghị NHNN xem xét, chỉ đạo các NHTM cân nhắc giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm; cho phép khoanh nợ, giãn kỳ hạn trả nợ, không chuyển khoản nợ đáo hạn sang khoản nợ “xấu hơn” cho các khách hàng. Quan trọng nhất là xem xét cho doanh nghiệp BĐS, người vay tín dụng để xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà đủ điều kiện thì được tiếp cận các khoản vay tín dụng mới. Hiệp hội BĐS thành phố cho rằng, lĩnh vực BĐS mới chiếm tỷ lệ khoảng 7-8% GDP nên còn nhiều tiềm năng đóng góp cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại sau dịch COVID-19 nếu được hỗ trợ về vốn.

Đề xuất với Chính phủ về các giải pháp để duy trì, ổn định sản xuất, đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng, UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ngành Ngân hàng chủ động về nguồn vốn gắn với các gói tín dụng lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường và phục hồi sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát. Đồng thời, điều chỉnh nâng hạn mức định giá tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70 lên 85% nhằm giảm áp lực phải tìm thêm tài sản thế chấp cho người dân, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện NHNN Chi nhánh thành phố đang rà soát, cập nhật kết quả giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ vay cho khách hàng từ các NHTM trên địa bàn theo Thông tư 14 của NHNN. Ngay trong tháng 10 này, NHNN Chi nhánh thành phố sẽ triển khai chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp. Đây là thông tin được người dân, doanh nghiệp mong chờ, bởi “bơm” vốn là việc làm cần thiết để thúc đẩy khôi phục sản xuất, kinh doanh tại một địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19 hiện nay.  

Đ.Thắng
.
.
.