Cam go chống hạn, mặn ở đất Mũi Cà Mau

Thứ Bảy, 27/02/2016, 10:02
Cà Mau – nơi có ba bề giáp biển, xâm thực mặn giữa mùa khô hạn đang diễn ra mạnh mẽ nhất, so với toàn vùng ĐBSCL.

Báo cáo của Sở NN&PTNT cho biết: Nắng nóng và xâm nhập mặn hai tháng qua đã gây thiệt hại hơn 28.400ha lúa, trong đó có 18.000ha lúa trên đất nuôi tôm và 10.400ha lúa Đông Xuân. Có 5.800ha lúa gần như mất trắng. Diện tích sản xuất lúa - tôm bị thiệt hại nặng nhất tập trung ở các huyện: U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình…

Ông Huỳnh Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Trí Phải kể cũng giống như một số xã khác của huyện Thới Bình, xã Trí Phải trước đây từng là một trong những vùng trọng điểm mía. Mía không còn hiệu quả, bà con chuyển sang trồng lúa, kết hợp nuôi tôm. “Hễ mưa thuận, gió hòa thì lúa trúng mà tôm cũng trúng. Năm nay tình hình quá bất lợi”.

Vùng này, người dân sản xuất theo phương thức nuôi tôm bán xâm canh 1 vụ lúa + 2 vụ tôm (tôm sú, hoặc càng tôm xanh, hoặc cua); đồng ruộng suốt năm không rảnh rỗi lúc nào. Thế nhưng năm nay, những cánh đồng khô nứt nẻ, trơ gốc rạ. Hiện có khoảng 95% diện tích lúa (khoảng 2.000ha) bị ảnh hưởng, trong đó mất trắng khoảng 1.800ha, phần còn lại bị thiệt hại từ 40 – 80%. Nặng nề nhất là tại các ấp 10, 5, 4, 3, 2 và 1. 

Mực nước tại kênh xã Trần Hợi, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã kiệt gần sát đáy, việc vận chuyển nông sản của người dân càng gặp khó khăn.

“Nếu như mọi năm, sau khi thu hoạch xong vụ lúa, bà con tiến hành phơi rạ. Qua cuối tháng giêng này, bà con bắt đầu vụ tôm sú chính. Năm nay, nắng hạn quá, mới thời điểm này mà nước dưới sông Chắc Băng đã mặn chát, chẳng mấy ai dám thả tôm nuôi. Nắng nóng thế này, nước mặn vượt lên trên 30‰ tôm chậm lớn, thua lỗ là cái chắc”. Từng có hơn chục năm nuôi tôm trên ruộng lúa, ông Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho biết, dù  mới chỉ bắt đầu chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nhưng tại Cà Mau, tình hình khô hạn diễn ra khá gay gắt. Rừng tràm U Minh Hạ đang ở cấp báo cháy nguy hiểm. Nước ở các kinh cấp 2, cấp 3 đều cạn. Riêng kinh cấp 1 mực nước chỉ còn khoảng 1m, việc lưu thông hàng hoá gặp rất nhiều khó khăn. 

Bên cạnh đó, tình trạng triều cường, nước dâng do biến đổi khí hậu thời gian qua tại Cà Mau cũng rất nghiêm trọng. Đợt triều cường vào các ngày 28, 29 Tết Nguyên đán Bính Thân vừa qua đã làm ngập nhiều công trình bờ bao nuôi tôm, lộ giao thông nông thôn, nhà cửa, trường học ở các vùng ven biển; một số đoạn mới thi công hoàn thành của đường Hồ Chí Minh (thuộc huyện Ngọc Hiển) đã bị ngập tràn; cống Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời) bị xói đáy cống do áp lực cột nước bên trong và ngoài cống quá cao. Hiện độ mặn sâu vào nội đồng Cà Mau từ 2‰-3‰. Đặc biệt, tại các cống, đập như: Đá Bạc, Bảy Ghe, Công Nghiệp, Dớn Hàng Gòn, Bà Mụ… độ mặn đo được từ 5‰-10‰, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của hàng ngàn hộ dân.

“Chúng tôi vừa đi kiểm tra các cống, đặc biệt cống vùng ngọt hóa. Kết quả cho thấy, nước trong kênh vùng nội đồng bốc hơi, còn chưa đầy một mét, phương tiện vận chuyển nông sản tải trọng lớn không thể lưu thông. Còn ngay tại cửa cống, mực nước bên trong và bên ngoài chênh lệch lớn, có nơi lên tới hơn hai mét, nguy cơ bể cống rất lớn” – ông Hoai chia sẻ.

Ngành chức năng tỉnh Cà Mau cho biết năm 2015, kế hoạch gieo trồng vụ lúa trên đất nuôi tôm của cả tỉnh là 42.800 ha, nhưng nông dân chỉ xuống giống được khoảng 32.000ha (đạt khoảng 75,5% so kế hoạch). Phần lớn diện tích trong số ấy gieo cấy trễ, nằm ngoài khung lịch thời vụ đã được ngành chức năng khuyến cáo. Nguyên nhân do nắng cục bộ kéo dài làm tăng độ mặn trên trên đất nuôi tôm, cây lúa không thể sống được; mặn xâm thực vào vùng nội đồng canh tác lúa - tôm, khiến việc rửa mặn đồng ruộng bị chậm trễ. Biết rõ tình hình hạn mặn khốc liệt diễn ra vào cuối 2015 đầu 2016, nhưng nhìn cảnh bỏ đồng trống thấy tiếc nên nhiều nông dân Cà Mau đã “làm liều”. Đến khi xuống giống xong thì ngậm ngùi vì “quả đắng”.

Đến ngày 26-2, các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang và Sóc Trăng đã công bố thiên tai. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ NN&PTNT, ảnh hưởng của xâm nhập mặn đối với sản xuất vụ lúa mùa chủ yếu trên đất lúa tôm của tỉnh Kiên Giang là gần 60.000ha; trong đó diện tích bị thiệt hại là hơn 30.000ha. Đối với vụ lúa thu đông, hơn 32.000ha bị hạn, mặn chủ yếu trên đất lúa thu đông muộn của tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang vụ Đông Xuân 2015-2016, có hơn 330.000ha (chiếm hơn 35% diện tích xuống giống và chiếm hơn 21% diện tích lúa Đông Xuân toàn vùng ĐBSCL) có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán; trong đó, đã có hơn 100.000ha, chiếm khoảng 7% diện tích lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng hạn, mặn nặng.

Tây Nguyên đối mặt khó khăn vì khô hạn

Mấy năm gần đây, cứ vào mùa khô thì cuộc sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân vùng hạ lưu thủy điện An Khê - Ka Nak gặp khó khăn. Bởi thủy điện thiếu nước, không xả đủ lượng nước theo quy định 4m3/s cho phía hạ lưu thủy điện trên sông Ba, hoa màu bị khô chết. Sông Ba cạn trở nên ô nhiễm, hôi thối, vùng hạ lưu sông Ba từ An Khê đến Kông Chro, Ayun Pa, Krông Pa (Gia Lai) rồi xuống tận Phú Yên cũng đều cạn kiệt, nhiều đoạn sông Ba trơ đáy...

Theo thống kê sơ bộ, thị xã An Khê (Gia Lai) có trên 60% diện tích cây trồng với hơn 10.000ha bị hạn và thiệt hại nặng nề, các trạm máy bơm dọc sông Ba đều không thể hoạt động vì khô nước. Vụ Đông Xuân, tỉnh Gia Lai có khoảng 64.000ha cây trồng các loại nhưng bị hạn nên gần 1.000ha lúa nước bị mất trắng, hơn 7.500ha cây trồng khác bị thiệt hại một phần; một số địa phương bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ như Chư Sê, Krông Pa...

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa khô năm nay sẽ kéo dài đến tháng 6 và được đánh giá khắc nghiệt nhất trong vòng hơn 50 năm qua. Trong khi đó, các hồ chứa ở Tây Nguyên đã cạn hơn 50% dung tích thiết kế nên khó cứu được hoa màu còn lại cho đến khi thu hoạch. (N.Như)

Mực nước tại kênh xã Trần Hợi, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã kiệt gần sát đáy, việc vận chuyển nông sản của người dân càng gặp khó khăn.Thuỷ điện A Vương dừng phát điện đến hết tháng 2 do thiếu nước

Trước tình hình thiếu nước nghiêm trọng tại các hồ chứa lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã cử đoàn công tác đi kiểm tra việc vận hành quy trình liên hồ chứa, đồng thời làm việc với các công ty thuỷ điện. Ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lí tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên – Môi trường) khẳng định, do hồ A Vương chưa tích nước đủ theo quy trình, vì vậy từ nay đến hết tháng 2-2016, hồ A Vương phải tiếp tục dừng phát điện để tích nước.

Làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên – Môi trường, lãnh đạo của các công ty thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đều cho rằng, hiện mực nước tại các hồ chứa đang trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Ông Lê Đình Bản, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thuỷ điện A Vương cho biết, mực nước hồ chứa thuỷ điện A Vương chỉ đạt 357m, trong khi mực nước dâng bình thường là 380m. Do mực nước xuống quá thấp, nhà máy gần như không phát điện. Từ ngày 8-12-2015 đến ngày 29-2-2016, thuỷ điện A Vương tạm thời tách ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh. Trong khi đó, lãnh đạo Công ty Thuỷ điện Sông Bung nhấn mạnh, mặc dù hồ chứa đang thiếu nước nhưng từ đầu tháng 1 tới nay, thuỷ điện Sông Bung 4 vẫn phải xả về hạ du sông Vu Gia 110 triệu m3 nước nhằm đảm bảo nước cho hạ du.

Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn điều chỉnh hoạt động các hồ Đăk Mi 4, Sông Bung 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 4A và Sông Bung 5. Tuy nhiên, do thiếu nước, nhiều hồ chứa không thể đảm bảo việc vận hành theo quy trình. Các tỉnh miền Trung lại chuẩn bị bước vào cao điểm nắng nóng (tháng 4-6), do vậy tình hình thiếu nước tại các hồ chứa cũng như thiếu hụt dòng chảy trên các lưu vực sông sẽ khiến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân ngày càng khó khăn hơn. Để gỡ khó cho bà con nông dân, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn yêu cầu hồ A Vương hạn chế xả nước phát điện để tích trữ thêm 20 triệu m3 nước bổ sung cho mùa khô 2016. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng khuyến khích hồ Đắk Mi 4 nâng mực nước lên cao trình mực nước dâng bình thường.

Khánh Vy

Thái Bình
.
.
.