Có một đường hầm điêu khắc trong lòng Đà Lạt

Thứ Sáu, 15/05/2015, 14:58
Nhiều người đánh giá đây là công trình kiến trúc tiêu biểu nhất của Đà Lạt từ trước đến nay do chính bàn tay người Việt Nam tạo ra. Là đường hầm điêu khắc bằng đất đỏ bazan cao nguyên độc nhất vô nhị không chỉ ở Việt Nam mà còn hiếm thấy trên thế giới.

Bỏ lại gia đình và Sài thành nhộn nhịp, Trịnh Bá Dũng lên Đà Lạt quyết đem sức mình thử vận may kinh doanh du lịch một phen. Loay hoay thủ tục mãi cuối cùng anh cùng các cộng sự cũng có được một dự án ở hồ Tuyền Lâm để xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp có tên gọi Dalatstars. Nhưng loại hình du lịch kiểu này thì Trịnh Bá Dũng đi sau nhiều người khác đã đầu tư ở Đà Lạt hàng chục năm qua, nếu tiếp tục lặp lại sẽ chẳng có gì đảm bảo anh sẽ thành công. Phải tìm ra một hình thức du lịch mới lạ, độc đáo, để hút du khách. Đó là trăn trở nhiều đêm của Trịnh Bá Dũng từ khi anh đặt chân lên thành phố nam Tây Nguyên này. Thế rồi, một ngày nọ Đà Lạt đổ mưa nặng hạt, người bạn thân từ Sài Gòn lên thăm Dũng, được anh đưa vào dự án du lịch đang thi công ngổn ngang của mình chơi. Đất dính nhuộm đỏ giày, người bạn buột miêng nói: “Đất này làm nhà thì chắc chắn lắm!..”.

Lối vào đường hầm điêu khắc.

Phải rồi…tại sao không làm căn nhà hoàn toàn bằng đất? – Anh Dũng nghĩ vậy. Không lâu sau Trịnh Bá Dũng cho khởi công một tòa nhà bằng đất đỏ lấy tại khu du lịch của mình. Dự án nhà bằng đất của Trịnh Bá Dũng thành công ngoài sự mong đợi, lập tức thu hút được sự chú ý của người dân địa phương và du khách. Một tòa nhà với diện tích khoảng 150m2 hoàn toàn bằng đất sét đã hoàn thành trong sự trầm trồ của du khách, ngỡ ngàng của những người trước đó từng gọi Trịnh Bá Dũng là “kẻ khùng” bởi đã đem cả “núi tiền” đầu tư vào một dự án mang nhiều tính phiêu lưu của gã nghệ sỹ hơn là người làm kinh tế. Điều độc đáo nữa là, trên căn nhà đất có một không hai ấy được Dũng cho trang trí một bản đồ Tổ quốc bằng đất với đầy đủ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thiêng liêng khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Đường hầm tái hiện không gian hoang dã.

Trịnh Bá Dũng tâm sự: “Đã vào cuộc chơi thì đam mê trỗi dậy, chúng tôi tìm kiếm kiến trúc sư giỏi về thiết kế xây dựng một đường hầm điêu khắc nhưng hoàn toàn bằng đất bazan Tây Nguyên ngay dưới lòng Đà Lạt”. Vậy là tiền núi của Trịnh Bá Dũng cùng cộng sự đổ ra theo ý tưởng hoàn toàn xa lạ với khả năng ăn thua được xác định là 50/50. Tất nhiên, đường tới thành công không bao giờ dễ, nhưng bây giờ thì phần chiến thắng đã nằm trong tay gã..

Sau hơn 3 năm hì hục đào đất, sự hỗ trợ đắc lực của nhiều loại phương tiên máy móc cùng với bàn tay khéo léo của các kiến trúc sư, người thợ, với ý tưởng lạ lẫm của Trịnh Bá Dũng, công trình có một không hai này đã hoàn thành.

Phố phường Đà Lạt ở thế kỷ XIX được tái hiện qua những hình ảnh.

Bước xuống đường hầm điêu khắc độc đáo này thì nhận ngay ra chủ nhân của nó là một người… chịu chơi và yêu kiến trúc cổ. Đường hầm của Trịnh Bá Dũng lấy những kiến trúc điển hình của Đà Lạt làm biểu tượng mô phỏng. Ngoài cùng là một khu rừng nguyên sinh với cây cối cổ thụ um tùm, suối nước róc rách, đàn voi to lớn sừng sững với muôn thú từng bày quanh những mái nhà của người K’ho bản địa. Sự xuất hiện của bác sĩ Yersin đã làm cho toàn cảnh Đà Lạt được thay đổi, mở ra một thời văn minh cho Đà Lạt với những công trình kiến trúc bắt đầu xuất hiện. Đi sâu vào bên trong có cảnh xe ngựa, phố phường với những tòa biệt thự cổ kính, sang trọng. Một Đà Lạt những năm đầu thế kỷ XX được tái hiện sinh động bằng những hình ảnh điêu khắc cụ thể, ấn tượng.

Ngoài các căn biệt thự mang phong cách Âu châu rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Đà Lạt cũng được Trịnh Bá Dũng cho tạc vào lòng đất. Đó là những chiếc xe hơi, xe vespa cổ, những nhà thờ, chùa chiền, khu phố đi bộ gắn liền với những câu chuyện sinh nhai của người dân Đà Lạt… tạo nên một đô thị thu nhỏ trong lòng đất khá thú vị.

Trịnh Bá Dũng cho biết, đoạn cuối của đường hầm điêu khắc là mô phỏng một Đà Lạt hiện đại của thế kỷ XXI. Tuy làm chất liệu hoàn toàn bằng đất nhưng dưới bày tay khéo léo của những người thợ tài hoa đường hầm này đã được hóa phép thành một công trình điêu khắc mềm mại, uyển chuyển với cách phối màu hài hòa và nhất là không bị phai nhạt theo thời gian.

Nhà bằng đất sét.

Bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Lâm Đồng cho biết, anh Trịnh Bá Dũng đã làm cho mọi người đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Mọi người vẫn chưa hết trầm trồ ngôi nhà bằng đất thì nay anh lại sắp công bố đường hầm điêu khắc. Tôi thấy cách làm của anh Dũng là khá táo bạo và hết sức độc đáo. Riêng đường hầm điêu khắc đã mô phỏng được Đà Lạt một cách khái quát qua góc nhìn rất tinh tế.

Kim Ngân
.
.
.