Chung tay góp vốn giúp nhau thoát nghèo

Thứ Tư, 29/04/2015, 13:54
Những năm gần đây, người dân ĐBSCL thực hiện nhiều mô hình giúp nhau thoát nghèo. Điển hình là việc cùng nhau góp tiền, vàng để xây nhà khang trang hoặc phục vụ sản xuất. Những căn nhà lá vùng nông thôn đang dần thay thế bằng nhà xây, nhiều gia đình vươn lên khá giả.

Tổ hùn vàng xây mái ấm tình thương do Hội Phụ nữ huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) triển khai nhiều năm qua đã giúp nhiều chị em người Khmer có nguồn vốn phục vụ cho nhu cầu mưu sinh của gia đình.

Bà Ngô Thị Dung (ngụ ấp Bảy Xào Dơi A, xã Kim Sơn) cho biết: “Tôi tham gia tổ hùn vàng từ năm 2010 và năm vừa rồi tới lượt tôi nhận được 6 chỉ vàng. Từ số vốn này, tôi mua một chiếc xe gắn máy để chở mía mướn. Nhờ vậy mà tôi kiếm được đỡ vất vả hơn trước thu nhập khá hơn”.

Theo bà Kim Thị Oanh Ni, Tổ trưởng tổ hùn vàng Bảy Xào Dơi A, từ năm 2010 đến nay có tổng cộng 44 người tham gia, tổng số vàng đã đóng góp được là 258 chỉ và chia cho những hội viên trên phát triển kinh tế. “Vào tháng 3 hằng năm, sau mỗi vụ thu hoạch mía, tổ họp một lần để bốc thăm chọn ra 7 người nhận vàng. Việc tổ chức bốc thăm cho các hội viên, đều có sự chứng kiến của Hội Phụ nữ xã, huyện và đại diện UBND xã”, bà Ni cho hay.

Trước đây, mục tiêu của tổ hùn vàng nhằm giúp cho hộ nghèo có thể xây nhà kiên cố. Đến nay đã có Chương trình 167 về nhà ở, nên hầu hết những hộ nghèo trong ấp Bảy Xào Dơi A đều có nhà khang trang. Vì vậy, sắp tới, Hội Phụ nữ hướng tới việc hùn vàng giúp các hội viên phát triển kinh tế như mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất, mua vật dụng sinh hoạt trong gia đình, mở quán kinh doanh nhỏ…

Tổ hùn vàng ấp Bảy Xào Dơi A bốc thăm, xác định người nhận vàng.

Tương tự, mô hình góp vàng xây nhà tại ấp Bà Phận, xã Trung Chánh (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) triển khai từ năm 2008 đã giúp nhiều người dân nghèo có ngôi nhà khang trang. Hiện nay, mô hình này đã lan sang nhiều xã khác trong huyện. Vào năm 2008, trong ấp Bà Phận toàn nhà lá xập xệ. Nhiều căn bị cơn bão số 9 gây tốc mái, sập hoàn toàn. Thấy vậy, một vài người dân trong Hội Phụ nữ nghĩ ra cách góp vàng sau mỗi vụ thu hoạch lúa để sửa chữa nhà.

Người góp công đưa ý tưởng này thành hiện thực là bà Đặng Thị Loan (62 tuổi, ngụ ấp Bà Phận). Cách làm của bà Loan là vận động người dân sau khi thu hoạch lúa, hùn 5 phân vàng 24K làm thành một “dây” vàng. “Dây” vàng này được cam kết luân phiên dùng để sửa chữa hoặc cất nhà mới cho những người tham gia.

Bà Lê Thị Liến, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trung Chánh cho biết: Lúc đầu bà Loan vận động được vài người tham gia. Sau một năm, có trên 30 người. “Hiện nay trên địa bàn xã Trung Chánh có 4 “dây” vàng với gần 100 người tham gia. Giá trị tổng số vàng góp vào của các dây là trên 2 tỷ đồng”, bà Liến nói.

Gia đình bà Huỳnh Lệ Hừng (ngụ tổ 1) rất nghèo, thu nhập hằng tháng phụ thuộc vào việc chăn nuôi và làm vườn nhưng không đủ nuôi mấy miệng ăn trong nhà. Năm 2011, bà tham gia vào tổ góp vàng không tính lãi và đến năm 2013, tới phiên bà được “hốt” 1,25 cây vàng. Bà Hừng vui vẻ nói: “Có một căn nhà tường là ước mơ từ bao năm nay của gia đình tôi. Nhờ tham gia tổ góp vàng, cộng với số tiền tích góp được, tôi đã xây được căn nhà khang trang gần 100 triệu đồng”.

Mô hình “Tổ hội nông dân tự hùn vốn xoay vòng giúp nhau xây dựng nhà ở kiên cố” được nhiều người dân tại huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) ủng hộ. Đến nay, toàn huyện có 18 tổ hùn vốn với hơn 180 thành viên. Mỗi tổ có từ 10 đến 12 hội viên, tự nguyện hùn vốn cao nhất là 2 chỉ vàng/người/đợt bốc thăm và thấp nhất là 1 triệu đồng/người/đợt bốc thăm. Theo quy định mỗi năm, các tổ hùn vốn này tổ chức bốc thăm khoảng 2 - 3 đợt chọn ra hộ nhận vốn để cất nhà kiên cố.

Ông Trần Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Nông nhận định: “Hội Nông dân huyện đã xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm và chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện. Người dân nghèo rất mong được tham gia vào tổ này nhằm xóa nhà tranh tre lá, cuộc sống ổn định hơn”.

Văn Vĩnh
.
.
.