Việt Nam đang bỏ phí 320.000 tấn phụ phẩm tôm

Thứ Tư, 03/10/2018, 17:35

Phụ phẩm tôm có thể chế biến thành nguyên liệu trong sản xuất thực phẩm (sợi mì, gia vị mì, snack, gia vị snack, sốt các loại…), nước mắm, nước chấm nhưng chúng ta đang bỏ phí tới 320 ngàn tấn phụ phẩm này/năm, chưa kể gây ô nhiễm môi trường.



Thời gian qua, cùng với tăng trưởng của ngành tôm, lượng phụ phẩm tôm cũng tăng nhanh, tới 320 ngàn tấn/năm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều cơ sở và địa phương. Vì thế, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) để giải quyết bài toán này là điều được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm, nhất là khi tôm đã được Chính phủ coi là sản phẩm quốc gia. 

Đây cũng là nội dung xuyên suốt của “Hội thảo quốc tế công nghệ và giải pháp nâng cao giá trị ngành phụ phẩm tôm” do Bộ KH&CN phối hợp với Bộ NN&PTNT, Ban Kinh tế Trung ương, UBND TP Cần Thơ, tổ chức vào chiều 3-10 tại Cần Thơ.

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: Những năm qua, tôm chiếm 50% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành thủy sản với kim ngạch 3-4 tỷ USD/năm, góp phần phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là tạo việc làm cho hàng triệu lao động. 

Đông đảo đại biểu tham dự hội thảo

Vì thế việc xử lý để tận dụng phụ phẩm tôm nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường, tạo được nhiều sản phẩm mới, góp phần phát triển kinh tế -xã hội là vấn đề lớn được Bộ KH&CN đặc biệt quan tâm.

Theo PGS.TS. Trang Sỹ Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang, phụ phẩm tôm tôm gồm vỏ, tụy, gan và đầu tôm, lâu nay vẫn bị coi là phế liệu, chỉ dùng để làm thức ăn gia súc. Theo nghiên cứu của ông Trang Sỹ Trung, dinh dưỡng chứa trong phụ phẩm tôm có rất nhiều: lipid 8%, Chitin 20% trong khi Protein có 48%... Vì thế, nếu được ứng dụng KH&CN sẽ tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao như Chitin, Chitosan, Protein thủy phân để áp dụng trong nhiều lĩnh vực: Thực phẩm chức năng, dược phẩm, vật liệu sinh học, nông nghiệp … Khi đó, hàng trăm ngàn tấn phụ phẩm tôm mỗi năm sẽ là là nguồn tài nguyên quan trọng của ngành tôm để có nhiều sản phẩm tốt.

Các nhà khoa học ở Trường Đại học Nha Trang đã nghiên cứu và ứng dụng khoa học để chế biến phụ phẩm tôm ra nhiều chế phẩm hữu ích dùng trong nông nghiệp, thủy sản và y học như dung dịch Chitosan trị bệnh nấm cho xoài, ớt; thu hồi protein trong chế biến cá tra, keo tụ các chất thải, tảo; kiểm soát bệnh dịch, giải phóng kiểm soát vaccine; giải phóng kiểm soát các chất phụ gia thực phẩm như Protein, astaxanthin, chất mang Vitamin.

Theo TS. Nguyễn Mạnh Dũng, nguyên Trưởng phòng Phát triển thị trường nông sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), với những chất dinh dưỡng có trong phụ phẩm tôm, có thể chế biến thành nguyên liệu trong sản xuất thực phẩm (sợi mì, gia vị mì, snack, gia vị snack, sốt các loại…), nước mắm, nước chấm, thời gian sản xuất nhanh, giá thành hạ; hay nguyên liệu cho ngành dược phẩm/công nghiệp; phân hữu cơ vi sinh vv…

Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng, hiện chưa có những chính sách riêng biệt hỗ trợ cho chế biến và phát triển thị trường sản phẩm từ phụ phẩm tôm, mà thường được lồng ghép trong những chính sách về phát triển chế biến, mở rộng thị trường thủy sản; chính sách về KHCN, về chuyển giao công nghệ vv...

Vì thế ông Dũng nhấn mạnh: Chế biến phụ phẩm tôm là một trong những lĩnh vực cần được quan tâm, vì chẳng những làm giảm ô nhiễm môi trường trong hoạt động chế biến tôm đang phát triển mạnh theo định hướng của Chính phủ, mà còn tạo ra nhiều công nghệ, sản phẩm mới có nhiều ứng dụng quan trọng trong đời sống; đáp ứng yêu cầu xây dựng nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững. 

Nhà nước cần có những hỗ trợ cần thiết cho việc phát triển công nghệ sản xuất và phát triển thị trường cho những sản phẩm chế biến tôm nói chung và chế biến phụ phẩm tôm nói riêng và xây dựng những cơ chế, chính sách ngày càng phù hợp để hỗ trợ phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này.

Thanh Hằng
.
.
.