Trồng dưa leo “vô sinh” tại huyện Mê Linh, Hà Nội:

Hàng chục hộ dân vẫn đang chờ... bồi thường

Thứ Tư, 12/08/2015, 09:31
Tự ý mua giống dưa leo của Công ty Hai Mũi Tên Đỏ về trồng, hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội đã phải nhận quả đắng khi giống dưa này chỉ cho lá, hoa mà không cho quả. 

Số tiền thiệt hại của các hộ dân lên đến hàng chục triệu đồng trong khi đơn vị cung cấp giống cây thì vẫn chỉ hứa… bồi thường. Đây là một bài học kinh nghiệm cho người dân trong sản xuất nông nghiệp.

Thời điểm này, ruộng dưa leo nhà ông Lê Văn Chữ, thôn Văn Quán, xã Văn Khê tại bãi giữa đã ngả sang màu vàng. Tuy nhiên, cả ruộng dưa gần 1 sào ấy lại không có quả nào, trong khi lá rất sum suê.

Kể lại với chúng tôi, ông Chữ cho biết: Cách đây khoảng 2 tháng, thấy quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng và nghe người dân trong thôn nói với nhau có giống dưa mới cho năng suất cao, quả to đẹp hơn các giống dưa khác đã từng trồng, ông Chữ đi mua hạt giống dưa F1 của Công ty Hai Mũi Tên Đỏ tại một đại lý về gieo trồng trên 2,5ha đất bãi của gia đình.

Với giống cũ, chỉ sau 50 ngày trồng, gia đình ông Chữ đã được thu hoạch, trung bình mỗi sào thu về khoảng 15 triệu đồng. Nhưng với giống dưa mới thì sau 2 tháng chăm sóc, cây dưa leo đã cao quá đầu người, nhiều nhánh, lá xanh tốt, nhiều hoa nhưng lại không thấy kết trái. 

Được biết, không chỉ riêng hộ ông Lê Văn Chữ trồng phải giống dưa leo “vô sinh” mà hàng chục hộ trên địa bàn xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội cũng rơi vào tình trạng dở khóc dở cười khi trồng giống dưa này.

Trao đổi với chúng tôi ngày 11/8, ông Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết: Ngay sau khi xảy ra sự việc, các hộ dân trên địa bàn xã trồng phải loại dưa leo chỉ ra lá, không ra quả, mặc dù người dân không báo lên chính quyền xã nhưng chính quyền xã cũng đã vào cuộc.

Qua nắm bắt và khảo sát thì trên địa bàn xã có khoảng 16 hộ chủ yếu thuộc thôn Văn Quán trồng giống dưa F1-HTM 356 do Công ty Hai Mũi Tên  Đỏ cung cấp với ước tính diện tích gieo trồng lên đến 38,5ha. Thông thường, dưa chuột trồng khoảng 2 tháng sẽ cho thu hoạch.

Tuy nhiên, sau một thời gian chăm bón, giống dưa F1-HTM 356 cũng cho khá nhiều hoa nhưng phần lớn là hoa đực nên không kết quả. Tại một số ruộng dưa cũng có quả nhưng năng suất rất thấp, chỉ cho khoảng 20-30kg sào so với sản lượng thông thường là từ 1,5-2 tấn/sào, tức là mức cho quả không đáng kể.

Giống dưa leo của Công ty Hai Mũi Tên Đỏ trồng tại xã Văn Khê chỉ cho lá.

Sau khi đã nắm bắt được thông tin trên, ngày 6/8, UBND xã đã liên lạc với Công ty Hai Mũi Tên Đỏ và đã có buổi làm việc 3 bên gồm: UBND xã, đại diện Công ty Hai Mũi Tên Đỏ và các hộ dân đã trồng giống dưa của Công ty Hai Mũi Tên Đỏ. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Nên, phụ trách kinh doanh Công ty Hai Mũi Tên Đỏ tại Hà Nội cho biết, giống dưa bà con nhân dân xã Văn Khê trồng đúng là do công ty cung cấp.

Tuy nhiên, theo ông Nên thì nguyên nhân khiến cho giống dưa này không ra quả là do tình hình thời tiết bất thường?!. Sau khi thống nhất, Công ty Hai Mũi Tên Đỏ đã quyết định bồi thường số tiền 1,5 triệu đồng/ sào cho các hộ đã trồng giống dưa này. Theo thỏa thuận ngày 6/8 thì 9/8, công ty sẽ phải hoàn thành trách nhiệm này. Tuy nhiên, đến hôm nay, công ty vẫn… chỉ hứa mà chưa thực hiện. Xã đã liên lạc với công ty thì nhận được phản hồi chờ ý kiến của ban lãnh đạo công ty.

Ông Lê Văn Dũng cho biết, theo quy định, khi đưa giống cây trồng mới vào sản xuất nông nghiệp ở địa phương, các công ty cung cấp giống cây trồng sẽ phải thông qua Phòng Kinh tế, UBND huyện rồi sau đó triển khai xuống xã và đến các hộ dân. Tuy nhiên, Công ty Hai Mũi Tên Đỏ đã không qua chính quyền mà trực tiếp “tiếp cận” và quảng cáo với người dân!    

Nguyễn Hương
.
.
.