“Khóc” vì mua phải vé tàu giả

Thứ Tư, 14/12/2016, 09:35
Sáng 13-12, có mặt tại Ga Sài Gòn, chúng tôi nhìn thấy cảnh tượng đáng buồn chứng kiến một. Chị Trần Thị Kim Oanh, tạm trú tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh đang mếu máo kể lại toàn bộ sự việc mua vé giả mạo cho lãnh đạo Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn…


Chị cho biết, chị quê ở Nam Định vì cuộc sống nơi quê nghèo đồng ruộng thất bát quanh năm nên hai vợ chồng chị cùng con cái vào Nam để tìm kế sinh nhai, bằng đủ thứ nghề lao động phổ thông để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Hoàn cảnh gia đình vốn khó khăn nhưng vì nghĩ đến cha mẹ già yếu ngoài quê nên Tết năm nay chị ráng dành dụm để có tiền mua vé tàu về quê sum họp gia đình.

Ngày 11-12, chị Oanh ra ga Sài Gòn, ghé vào đại lý thuộc Công ty TNHH NAVI SÀI GÒN (địa chỉ tại 212 Nguyễn Phúc Nguyên, phường 9, quận 3, TP Hồ Chí Minh) để mua vé tàu Tết. Khi đến cửa hàng, chị Oanh được nhân viên bán vé hướng dẫn mua với số tiền là 3.800.000 đồng và thêm 400.000 đồng tiền dịch vụ cho 2 vé 32 và 37. Đến ngày 13-12, cháu họ của chị cho biết là nghe ngóng được tình hình có người mua vé đi Huế là vé giả nên bảo chị là vào website của ngành đường sắt kiểm tra.

Sau khi nghe cháu nói, chị Oanh tất tả, hồi hộp truy cập vào thì phát hiện số ghế, số toa đúng nhưng họ tên và số chứng minh thư là của người khác. Chị Oanh hối hả chạy xe ngay lên Ga Sài Gòn để hỏi. Và kết cục vé của chị mua là vé giả mạo. “Thế là năm nay không còn Tết nữa rồi”, chị Oanh buồn bã thở dài...

 Có mặt ngay tại buổi làm việc vụ vé tàu Tết của chị Trần Thị Kim Oanh, ông Trần Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, đại lý NAVI SÀI GÒN này không phải là đại lý thuộc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn. Không chỉ chị Oanh mà 2 ngày trước đó, tại ga Sài Gòn cũng đã tiếp nhận 8 trường hợp vé tàu giả.

Chỉ cần vào Google gõ mua vé tàu Tết, trong tích tắc đã có 1.596.386 kết quả, trong đó có gần chục website bán vé tàu Tết không phải là của ngành đường sắt Việt Nam. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy các website này chủ yếu là web du lịch và có giao diện bằng tiếng Anh. Và có tên miền gần giống với tên miền website của ngành đường sắt như https://vietnam-railway.com, https://www.vietnamtrainticket.com,... Điều này dễ gây hiểu lầm cho hành khách. Chúng tôi thử đặt vé trên một website thì thấy giá vé cao gấp 4-5 lần giá vé niêm yết hiện tại. 

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Trần Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, từ tháng 9 năm 2015, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam bắt đầu sử dụng bán vé điện tử, khách hàng bất cứ nơi đâu cũng có thể mua vé thông qua website của ngành đường sắt.

Và chính vì thế, các đối tượng “cò mồi” đã nhanh chóng hình thành đường dây mua vé của công ty. Qua công tác nắm bắt tình hình năm nay vẫn còn có nhiều “cò mồi” chợ đêm truy cập vào website của ngành đường sắt để đặt mua vé với tên và số chứng minh bất kỳ.

Sau khi có khách mua vé thì lực lượng “cò” này sẽ làm chứng minh giả đưa cho khách hàng đi tàu. Và chiêu lừa của “cò mồi” nói rằng quen với nhân viên ga nên sẽ mua được vé cho người dân. Cho đến thời điểm này, tại Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn đã phát hiện 10 trường hợp sửa tên và bán tàu Tết giả mạo cho khách hàng.

Ông Văn cũng khuyến cáo người dân, hiện nay đường sắt Việt Nam đang thực hiện việc bán vé điện tử trên web dsvn.vn. Người dân có thể mua vé và thanh toán trên mạng.

Trường hợp không thanh toán online thì có thể đặt và giữ chỗ, sau đó đến các cửa vé tại các nhà ga, các đại lý, các chi nhánh Ngân hàng VIB để thanh toán và hoàn thành việc mua vé. Khách hàng tại khu vực TP Hồ Chí Minh còn có thể gọi đến Tổng đài 19001520 để được đưa vé đến nhà miễn phí trong phạm vi dưới 7km tính từ ga Sài Gòn.

Hành khách đi tàu hợp lệ phải có tên và giấy tờ tùy thân phù hợp với thông tin in trên thẻ lên tàu. Hành khách mua vé từ những nơi không có nguồn gốc rõ ràng cần kiểm tra lại vé. Kiểm tra trên web dsvn.vn hoặc nhờ nhân viên bán vé tại các nhà ga kiểm tra.

Hải Âu
.
.
.