Không chủ quan với “giặc lửa” trong mùa dịch

Thứ Hai, 28/06/2021, 09:16
Thời gian gần đây dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là địa bàn TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Có thể do tập trung dập dịch nên nhiều chủ cơ sở, cơ quan, đơn vị và hộ gia đình ít chú ý đến phòng ngừa cháy nổ. Do vậy, gần đây đã xảy ra một số vụ cháy, đang gặp khó khăn vì dịch, bị hỏa hoạn lại càng khó khăn hơn.

Vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, liên tục xảy ra các  vụ hỏa hoạn. Khoảng 3h15 sáng 31/5/2021, một cửa  hàng kinh doanh nhạc cụ trên đường Nguyễn Thiện Thuật (phường 2, quận 3) bị cháy. Hậu quả vụ cháy làm 1 người tử vong tại đám cháy, 1 người tử vong tại bệnh và 2 người bị thương.

Sáng 1/6, tại phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức xảy ra vụ hỏa hoạn khiến hai vợ chồng bên trong nhà bị bỏng nặng, nguy kịch. Còn khoảng 0h5 ngày 2/6, một căn nhà trong hẻm 102 đường Bình Long, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh bất ngờ bốc cháy khiến 1 người chết, 2 người bị thương…

Còn tại Bình Dương, khoảng 21h17 ngày 25/6 xảy ra vụ cháy tại Công ty xuất nhập khẩu ngũ cốc ở Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 1, TP Dĩ An. Khu tổng kho này có diện tích khoảng 4ha, khu vực cháy khoảng hơn 1.000m². Chất cháy chủ yếu là đậu xanh, hạt silicon, ngũ cốc, gỗ, bao bì...

Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Bình Dương dập tắt đám cháy sáng 27/6.

Nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ trong mùa dịch, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Công an tỉnh chỉ đạo đơn vị chức năng đảm bảo công tác an toàn PCCC trên địa bàn, nhất là trong các KCN, cụm công nghiệp…

Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Bình Dương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, đơn vị đã gửi văn bản đến các cơ sở trên địa bàn để hướng dẫn thực hiện công tác đảm bảo an toàn PCCC trong điều kiều kiện dịch bệnh. Do dịch bệnh không tiếp cận được các cơ sở nên Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai qua 28 nhóm Zalo để các cán bộ phụ trách an toàn PCCC tại các cơ sở triển khai đến các doanh nghiệp và người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

Trong đó, khuyến cáo các cơ sở phải chủ động thường xuyên tự kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng hệ thống PCCC; việc kiểm tra phải thực chất, có ghi nhận và lập biên bản kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra, cần lưu ý về điều kiện thoát nạn của người lao động, điều kiện ngăn cháy, chống cháy lan; kiểm tra kỹ việc sắp xếp, bố trí hàng hóa, điều kiện giao thông, nguồn phục vụ chữa cháy, hệ thống điện, hệ thống PCCC... 

Kiểm tra chặt chẽ các nguồn nhiệt có thể gây cháy, nổ. Thường xuyên kiểm tra đánh giá tình trạng hệ thống điện, không phát sinh thêm các thiết bị tiêu thụ điện ngoài thiết kế đảm bảo không để chập điện, quá tải gây cháy; hết giờ làm việc phải ngắt điện từng khu vực…

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh cũng ban hành quyết định về an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn thành phố. Người dân cần chú ý bố trí, sắp xếp đồ đạc, vật dụng nhằm đảm bảo an toàn PCCC cũng như trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy ở mỗi tầng phù hợp với quy mô, điều kiện của từng gia đình. Cần chú ý về an toàn trong lắp đặt, sử dụng điện, cũng như an toàn trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Không tự ý lắp đặt đường dây dẫn điện và thiết bị tiêu thụ điện trên tường, vách, trần, sàn nhà có cấu tạo bằng vật liệu dễ cháy. Không dùng vật liệu dễ cháy như giấy, vải, nilon… để bao che bóng điện hay gần các dụng cụ tiêu thụ điện (bóng đèn, bàn ủi, bếp điện, ổ cắm điện, bảng điện,…).

Đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, chủ hộ cần lưu ý quy định an toàn trong sắp xếp hàng hoá cũng như trang bị phương tiện PCCC. Phải bố trí ít nhất 2 lối thoát nạn (lối thoát qua ban công, lối lên sân thượng hoặc lên mái để có khả năng thoát nạn sang các nhà liền kề hoặc khu vực an toàn...). Các gian phòng chứa hàng hoá, vật liệu dễ cháy hoặc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải được ngăn cách với lối thoát nạn tại các tầng bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy.

M.Hải – N.Cảnh
.
.
.