Làng Chè “thổi hồn” vào các sản phẩm đồng

Thứ Ba, 17/11/2015, 11:43
Làng Chè xưa còn gọi là Kẻ Chè, nay là làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Có đến đây, mới thấy được hết sức sống của một làng nghề “thổi hồn” vào những sản phẩm làm từ đồng.

Làng Trà Đông (Thiệu Trung) mấy năm trở lại đây như khoác lên mình bộ áo mới. Nhiều ngôi nhà khang trang đua nhau mọc lên trên con đường liên thôn được bê tông hóa phẳng lỳ. Nghệ nhân Lê Văn Bảy dáng người thấp nhỏ, hồ hởi mời chúng tôi tham quan gian phòng trưng bày các sản phẩm mỹ nghệ được chế tác từ đồng của mình. Nghệ nhân Lê Văn Bảy bảo, nghề đúc đồng mà vợ chồng anh đang theo đuổi không biết bắt nguồn từ thời điểm nào, do ai truyền lại mà chỉ hay rằng, từ nhỏ, anh đã được người bố kể lại: “Các cụ nhà ta làm nghề đúc đồng từ lâu rồi. Đời sau cứ thế mà nối nghiệp thôi!”.

Nghệ nhân Lê Văn Bảy kể về nghề truyền thống của gia đình một cách say sưa và tự hào: Mặc dù trải qua bao biến cố thăng trầm, sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, song đến nay, nghề đúc đồng của gia đình không ngừng phát triển. Chỉ tính riêng vào thời điểm hiện tại, cơ sở của gia đình nghệ nhân Lê Văn Bảy luôn túc trực hơn 20 thợ lành nghề trong vùng.

Chia sẻ về những kinh nghiệm để đúc thành công các sản phẩm có nguyên liệu từ đồng, nghệ nhân Lê Văn Bảy cho hay, trước hết, để đúc được sản phẩm theo kiểu dáng mà khách hàng đã đặt, người thợ phải tìm loại đất sét có đủ độ rắn nhằm tạo ra khuôn mẫu. Việc tạo ra khuôn mẫu này đòi hỏi người thợ phải lành nghề, ví như việc trang trí họa tiết hoa văn đàn chim Lạc trên trống đồng cổ phải tuân theo đúng mẫu hoa văn cổ vậy…

Trong quá trình tạo khuôn, người thợ phải chú ý, không để cong vênh, sửa sang khuôn sao cho chuẩn. Kế đến là công đoạn chọn, thu mua sao cho được nguyên liệu đồng nguyên chất với đủ số lượng thành phẩm; đun đồng và đổ vào khuôn. Sau khi sản phẩm đã hình thành, người thợ phải thao tác “làm tinh” – tức là đánh bóng, khắc họa tiết theo mẫu khách hàng đặt.

Đáng chú ý, nhằm hạn chế quá trình ôxi hóa trên các sản phẩm, người thợ sẽ sơn, mạ một lớp dầu bóng để bảo quản. Theo nghệ nhân Lê Văn Bảy, thời gian thực hiện các công đoạn trên tùy thuộc vào từng sản phẩm, kích thước cụ thể đi kèm. Có khi 1-2 tháng cũng có khi đến cả năm trời.

Trò chuyện với nghệ nhân Lê Văn Bảy, chúng tôi được biết, cơ sở anh chính là một trong số ít các cơ sở đã xác lập nhiều kỷ lục về đúc thành công trống đồng bằng phương pháp thủ công. Chiếc trống đồng nặng 8 tấn, có đường kính: 2,7m và cao: 2m được chế tác vào năm 2013 là một điển hình. Trước đó, nhằm mô phỏng chiếc trống đồng Ngọc Lũ năm xưa, anh cùng 100 thợ lành nghề, sau khoảng thời gian 1 năm đã đúc thành công chiếc trống đồng trên. Với kích thước, trọng lượng “khủng” như vậy, chiếc trống đồng này sau đó được nhận định là lớn nhất thế giới.

Trước đó, nghệ nhân Lê Văn Bảy cùng tốp thợ cũng đã xác lập kỷ lục đúc trống đồng lớn nhất Việt Nam khi cho “ra đời” chiếc trống đồng nặng 1,2 tấn (đường kính: 1,5m và cao: 1,2m). Nghệ nhân Lê Văn Bảy kể, không giống như các sản phẩm thông thường, để chế tác ra những chiếc trống đồng cổ trên, người thợ phải khá tỉ mỉ trong quá trình khắc họa sinh hoạt của người Việt cổ trên thân trống; sử dụng hàng tấn thép để định khuôn trống và huy động các máy cẩu cỡ lớn để rót đồng vào khuôn v.v...

Nghệ nhân Lê Văn Bảy bên chiếc trống đồng có trọng lượng 300kg do cơ sở anh đúc.

Theo anh Lê Minh Thành, cán bộ văn phòng UBND xã Thiệu Trung, người dân tương truyền làng nghề đúc đồng của làng Trà Đông đã có từ ngàn đời nay. Khoảng những năm đầu của thế kỷ thứ X do nghệ nhân Khổng Minh Không truyền nghề cho dân làng. Và rồi, trong tâm thức của người dân trong làng, ông được xem như là ông tổ làng nghề đúc đồng ở địa phương. Người dân kính trọng nên đã lập đền thờ ông ở địa phương. Trải qua bao biến cố, thăng trầm, thế nhưng đến nay, các sản phẩm của làng nghề đúc đồng Trà Đông vẫn giữ thương hiệu trên thị trường. “Không chỉ khách đến từ các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc mà còn có cả khách nước ngoài cũng tìm đến làng để mua, đặt hàng làm sản phẩm đúc từ đồng đấy nhà báo ạ!”, anh Lê Minh Thành hồ hởi cho biết thêm.

Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Thiệu Trung, đến nay, số cơ sở duy trì, phát triển nghề đúc đồng trên địa bàn Trà Đông là 132 hộ, chiếm 35,2% tổng số hộ trong làng. Số lao động theo đó được giải quyết công ăn việc làm thường xuyên là gần 400. Bình quân mỗi lao động nhận số tiền lương từ 3-5 triệu đồng/tháng. Dưới bàn tay khéo léo và tài hoa, các nghệ nhân đã phục dựng các sản phẩm truyền thống như: trống đồng, tượng nhân vật lịch sử, lư hương, chuông cổ… theo kiểu dáng xưa.

Các sản phẩm mang đậm hồn dân tộc khiến ai xem qua cũng đều trầm trồ ngợi khen trước việc nghệ nhân đã “thổi hồn” vào đó. Việc đúc các sản phẩm từ đồng luôn đòi hỏi yêu cầu cao về thẩm mỹ, nhất là các loại chuông, cồng, chiêng đòi hỏi cao về yêu cầu thẩm mỹ cũng như có tiếng ngân vang chuẩn xác đi kèm.

Ở Trà Đông, nhiều hộ gia đình nhờ nghề truyền thống nên đã có “của ăn, của để”. Hôm về làng Trà Đông, chúng tôi được gặp và tiếp xúc với nghệ nhân Lê Minh Đạo, chủ cơ sở đúc đồng Đạo Thúy. Nhìn căn nhà tầng khang trang của anh với gần chục lao động đang say sưa thao tác đúc khuôn, chúng tôi thấy tâm sự của anh cán bộ văn phòng UBND xã Thiệu Trung trước đó: “Nhiều hộ gia đình đang khá giả lên nhờ nghề đúc đồng truyền thống!” thật đúng. Sinh ra và lớn lên trong cái nôi có nghề đúc đồng, đến nay, anh Lê Minh Đạo đã vào nghề được 24 năm, vậy nhưng anh vẫn luôn trăn trở là làm sao, sau này sẽ truyền nghề, dìu dắt các thế hệ con cháu tiếp nối truyền thống của cha ông. Bởi thế, hiện cơ sở của anh đang giải quyết việc làm và truyền nghề cho gần 10 thợ lành nghề.

Theo anh Trần Văn Đượng, Trưởng Công an xã Thiệu Trung, trong những năm qua, việc làng nghề đúc đồng không ngừng phát triển đã thu hút, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người dân trên địa bàn. Bên cạnh việc duy trì làng nghề truyền thống, thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa, kinh tế địa phương mà còn góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, đảm bảo ANTT trên địa bàn. 
Trần Huy
.
.
.