Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh:

Người không chịu “nghỉ hưu” bên hồ B.52

Thứ Tư, 10/05/2017, 10:13
Hồ Hữu Tiệp hay còn gọi là hồ B.52 là nơi ghi dấu tích chiến thắng lịch sử của quân và dân Thủ đô Hà Nội trong trận “Điện Biên Phủ trên không”. Hơn 40 năm qua, xác chiếc pháo đài bay B.52 ở lòng hồ là một di tích lịch sử. Điều đáng quý, góp phần bảo tồn hồ B.52 có một ông lão đã hơn 20 năm "vác tù và hàng tổng" - tình nguyện thu gom rác, làm đẹp cảnh quan môi trường.


Chiều một ngày cuối tháng 4-2017, tôi đến thăm hồ B.52. Từ đầu ngõ 55 Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà (quận Ba Đình - Hà Nội), hỏi về ông lão ngày ngày cần mẫn với công việc tình nguyện thu gom rác thải, làm đẹp cảnh quan quanh khu vực hồ B.52, ai cũng biết, ai cũng muốn kể cho tôi nghe về việc ông đang làm.

Cô Nguyễn Thị Lập, 65 tuổi, bán hàng ăn từ nhiều năm nay ngay lối vào hồ B.52 hồ hởi nói: “Đó là ông Luyện. Nhà ông ở ngay khu dân cư số 3 kia thôi!”. Nghe cô Lập kể, tôi không khỏi cảm phục trước công việc thầm lặng của ông.

Ông Đỗ Sáng Luyện tận tình với công việc tình nguyện thu gom rác quanh hồ B.52.

Cô bảo, ngày nào cũng vậy, dù nắng hay mưa, ông Luyện cũng đều cầm theo dụng cụ ra khu vực hồ để thu gom rác thải. Nhờ ông, con đường quanh hồ B.52 cũng như hồ Dài gần đấy trở nên quang đãng, sạch sẽ hơn. Ông làm công việc ấy không hề có phụ cấp. Ông làm chính bởi cái tâm của mình.

“Cậu cứ ngồi đây một lúc, ông Luyện ra đây bây giờ thôi!”, cô Lập vừa dứt lời, từ phía xa, ông lão có mái tóc muối tiêu, dáng đi nhanh nhẹn, cử chỉ hoạt bát đi tới. Một tay cầm chiếc chổi, một tay cầm bao tải dứa cùng chiếc xẻng nhựa.

Khi đến con đường bao quanh hồ B.52, ông đặt chiếc bao tải và xẻng xuống đất rồi dùng chổi quét chai lọ, vỏ bao thuốc đang rơi vãi trên đường. Cứ thế, ông rảo bước quanh hồ, quét sạch các loại túi ni lông, vỏ hoa quả, hộp bánh… do một số người thiếu ý thức đã xả ra. Chiếc bao tải trống rỗng ông mang theo lúc trước nhanh chóng ắp đầy rác. Ông để bao tải đựng rác tại một vị trí cố định bên đường, chờ xe thu gom rác tới. Chứng kiến hình ảnh, thao tác nhanh nhẹn của ông, ít ai ngờ rằng, năm nay ông đã 80 tuổi. 

Trò chuyện với tôi, ông Luyện vui mừng chia sẻ: “Công việc thường ngày ấy mà. Nó giúp tôi khỏe, vui hơn!”.

Ông dẫn tôi về thăm nhà. Ngôi nhà ông nằm cuối con ngõ đối diện hồ B.52. Trong gian phòng của mình, vừa chỉ vào những tấm bằng khen của các cấp, các ngành trao tặng vì những đóng góp của bản thân đối với cảnh quan của hồ B.52 cũng như phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc ở khu dân cư, ông chia sẻ về cơ duyên đến với công việc tình nguyện mà ông đang làm.

Ông nói: “Cũng vì muốn vui - khỏe - có ích, nên tôi đã gắn bó với công việc thu dọn rác quanh hồ từ nhiều năm qua”.

Theo lý giải của ông, việc ông làm không chỉ giúp ông rèn sức khỏe mà còn khiến nhiều người vui, cảnh quan sạch sẽ, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống cũng như làm đẹp cảnh quan nơi di tích lịch sử - hồ Hữu Tiệp.

Ông gắn bó với công việc tình nguyện thu gom rác ở hồ B.52 từ năm 1997, khi ông đang làm Tổ trưởng Tổ dân phố Khu dân cư số 3, phường Ngọc Hà. Ông bảo, hằng ngày, tranh thủ thời gian rảnh, ông đều mang “đồ nghề” ra ngõ 55 Hoàng Hoa Thám, con đường bao quanh hồ để dọn dẹp vệ sinh.

Ban đầu, thời gian không cố định, dần dà về sau, thói quen đó đã hình thành 3 ca quét dọn của ông: 10h, 13h30 và 16h. Bởi vậy mà nếu ai có dịp đến hồ B.52 vào khoảng thời gian trên sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh ông lão với mái tóc muối tiêu cần mẫn, thầm lặng với công việc mà nhiều người khi nhắc đến đã thấy ngại - thu gom rác quanh hồ.

Nhờ sự kiên trì, cần mẫn của ông trong việc thu gom rác mà ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường của một số người dân đã chuyển biến tích cực.

Ông Đỗ Sáng Luyện là người con của làng hoa Ngọc Hà. Năm 1955, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng thanh niên quê gốc Hà Nội ấy đã đăng ký và tham gia phong trào Thanh niên xung phong, hỗ trợ tiền tuyến đánh giặc. Nhờ những đóng góp của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1984, ông vinh dự Đảng, Nhà nước được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Cuộc đời của ông đã chứng kiến nhiều đổi thay của mảnh đất làng hoa Ngọc Hà, nên ông muốn gắn chặt mình, gắn những việc làm có ích với quê hương hơn bao giờ hết.

Năm 1990, bà con trong làng tín nhiệm đã bầu ông làm Tổ trưởng Tổ dân phố Khu dân cư số 3. Thời gian sau, ông kiêm nhiệm thêm công việc bảo vệ dân phố, trực tiếp phân luồng, giảm ùn tắc giao thông tại ngã tư chợ Hữu Tiệp vào các buổi sáng hằng ngày (từ 7h-8h).

Tôi hỏi ông: “Đảm đương nhiều việc như vậy, ông không thấy vất vả sao?”. Ông liền xua tay: “Có hề gì. Trái lại, còn thấy vui ấy chứ. Vì mình vẫn còn là người có ích cho xã hội mà!”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Tuyết Trinh, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà cho biết, việc làm của ông Luyện thật giản dị nhưng mang nhiều ý nghĩa. Ông đã và đang góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị, nhất là tại Khu di tích lịch sử hồ Hữu Tiệp.
Mọi người trong phường ai cũng cảm mến và ngợi khen ông. Nhờ việc làm của ông, ý thức của một bộ phận người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị quanh khu vực hồ theo đó được nâng lên rõ rệt.
Trần Huy
.
.
.