Người tiêu dùng lo lắng khi thông tin cá nhân bị khai thác trái phép

Thứ Ba, 02/01/2018, 08:07
Thông tin cá nhân bị lọt, lộ, đem mua bán; thông tin thẻ tín dụng bị đánh cắp… đó là những nỗi lo của người tiêu dùng (NTD) trong thời đại công nghệ số hiện nay. NTD luôn bị làm phiền bởi những lời chào mời mua sản phẩm, dịch vụ mọi lúc mọi nơi. Vậy làm cách nào để bảo mật thông tin cá nhân? 


Chị Nguyễn Thị Thanh (quận 3, TP Hồ Chí Minh) than phiền, mỗi ngày chị nhận hơn chục tin nhắn, cuộc gọi, xưng là nhân viên ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm, viễn thông... chào mời làm thẻ visa, mua sim số đẹp, du lịch giá rẻ, mua bảo hiểm, giới thiệu mua đất, mua nhà... Chị Thanh không có nhu cầu, thậm chí đã chuyển chỗ ở về địa phương khác để tránh bị làm phiền nhưng họ vẫn cứ khăng khăng “chị đang ở TP Hồ Chí Minh mà”.

“Không hiểu họ lấy thông tin cá nhân của tôi ở đâu mà biết rõ vanh vách tên, năm sinh, địa chỉ nhà, địa chỉ công ty,... kể cả Viber, Zalo, Facebook, email cũng đều bị họ khai thác”, chị Thanh cho biết.

Cố lục lại trí nhớ, chị Thanh cho rằng mình từng là thành viên của một câu lạc bộ chuyên về chăm sóc sắc đẹp. Trước khi tham gia, điều kiện bắt buộc là chị phải điền đầy đủ các thông tin về cá nhân. “Có thể thông tin cá nhân của tôi bị rò rỉ từ đây?”, chị Thanh nghi ngờ.

Người tiêu dùng bị làm phiền bởi những cuộc gọi chào mời mua sản phẩm.

Trước thông tin cá nhân của mình bị đem đi mua bán, chị Nguyễn Kim Nga (ngụ quận 7) cho biết, khi vừa khám bệnh tại một bệnh viện và bác sĩ khám xong, kê toa thuốc, nhưng điều lạ là chị chưa kịp ra khỏi cổng bệnh viện thì đã có trình dược viên gọi điện thoại chào mời chị mua thuốc của hãng với giá ưu đãi. “Không biết tại sao trình dược viên lại có số điện thoại của tôi và biết cả bệnh tình mà gọi chào bán thuốc?”, chị Nga bức xúc.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, từ mua sắm, ăn uống, giải trí, đi lại... đơn vị kinh doanh nào cũng khuyến khích NTD mở thẻ khách hàng thân thiết, mở ví tiền điện tử... để khi thanh toán được hưởng thêm ưu đãi. Khi mở các loại thẻ này, khách hàng phải nhập dữ liệu thông tin cá nhân của mình, đơn vị kinh doanh nào cũng cam kết “bảo mật thông tin cho khách hàng”, nhưng thực tế nhiều thông tin của khách hàng bị đánh cắp để phục vụ cho mục đích khác.

Mới đây, một số khách hàng của các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific bức xúc vì thông tin cá nhân của họ đã bị lộ lọt ra ngoài, nghi ngờ có sự tiếp tay mua bán thông tin cá nhân hành khách của nhân viên các hãng hàng không.

Trước bức xúc của dư luận, Cục Hàng không Việt Nam đã kiểm tra và có kết luận, việc để lộ, lọt bảo mật thông tin hành khách đi máy bay của cả ba hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific là do nhân viên các hãng và lỗ hổng phần mềm, một phần do đại lý bán vé máy bay. Trước vấn đề này, nhiều NTD hoang mang khi những thương hiệu lớn như vậy nhưng thông tin khách hàng chưa được bảo mật.

Bức xúc của NTD về việc thông tin cá nhân bị những đơn vị kinh doanh khai thác để trục lợi, ông Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena có ý kiến: “Việc lộ thông tin cá nhân có thể do lỗ hổng phần mềm, nhưng phần lớn là do quy trình quản trị con người của các đơn vị kinh doanh có vấn đề, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Khách không chỉ bị làm phiền khi bị nhắn tin, gọi điện mời chào dịch vụ, sản phẩm, mà số điện thoại cá nhân hay email cũng có thể được chào bán lại cho các doanh nghiệp bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng... Hoặc những trường hợp mua hàng trực tuyến và thanh toán bằng tài khoản ngân hàng qua thẻ ATM, visa... nếu bị hacker lợi dụng, có thể có nguy cơ bị hack tài khoản”.

Chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng cho rằng, ở nước ngoài, việc bảo mật thông tin cho khách hàng được thực hiện rất nghiêm. Các hãng có thể bị kiện nếu để lộ thông tin khách hàng hay thông tin gây phiền hà cho khách hàng. Vì vậy, thông tin gửi đến khách hàng luôn kèm theo thông điệp nếu khách hàng không đồng ý, hãng sẽ ngừng ngay việc gửi thông tin và họ thực hiện đúng cam kết này. Còn ở Việt Nam, luật chưa chặt chẽ, chưa bảo vệ NTD đúng mức khi khách hàng bị làm phiền.

Vậy làm cách nào để thông tin cá nhân của khách hàng được bảo mật? Ông Võ Đỗ Thắng cho rằng, việc để lộ thông tin cá nhân của khách là trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh, họ phải bồi thường thiệt hại nếu thông tin của khách hàng bị lộ. Vì vậy, các công ty cần phải nâng cấp quy trình quản trị con người, kiểm soát chặt thì thông tin khách hàng mới không bị lọt ra ngoài.

Còn phía NTD, muốn tự bảo vệ mình chỉ còn có cách hạn chế cung cấp thông tin cá nhân ở mức thấp nhất có thể, những thông tin nào không bắt buộc thì không nên khai, như: nghề nghiệp, mức thu nhập, địa chỉ công ty, nhà riêng, tình trạng gia đình, con cái, sở thích,... để các đối tượng không thể khai thác trục lợi.

Luật sư Nguyễn Văn Tài – Văn phòng luật sư Mai Trung Tín, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, cho biết: Luật Công nghệ thông tin quy định, tổ chức, cá nhân không được cung cấp thông tin cá nhân của người khác cho bên thứ ba và cá nhân có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm trong việc cung cấp thông tin cá nhân. Trong trường hợp đối tượng dùng thông tin cá nhân của NTD để trục lợi, uy hiếp, bôi nhọ danh dự người khác… có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người bị hại kiện và chứng minh được thiệt hại.

T.Hà - N.Cẩm
.
.
.