Nhiều khó khăn trong tuần tra, ngăn chặn nạn phá rừng

Thứ Hai, 04/06/2018, 08:35
Ngày 3-6, chúng tôi có chuyến đi thực tế cùng lực lượng chức năng tại tiểu khu rừng 659A, thuộc địa bàn xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông (Quảng Trị). Có đi như thế này, chúng tôi mới tận mắt chứng kiến cảnh rừng ở đây bị chặt phá không thương tiếc; cũng như thấm thía được những gian nan, vất vả của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, bảo vệ rừng…


Trước chuyến đi này, từ nguồn tin báo của nhân dân, lực lượng liên ngành của 2 huyện Hướng Hóa, Đakrông và tỉnh Quảng Trị đã tổ chức đi thực tế hiện trường. 

Vào lúc 7h ngày 10-5, tại khu vực rừng thuộc tiểu khu 659A cách ranh giới xã Hướng Hiệp, Đakrông với xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa chừng 600m, đã phát hiện 1 xe ôtô ben BKS 73L-8897 dừng giữa đường, không có người điều khiển, trên xe chở 23 hộp gỗ nhóm 3, 4 và 5 với tổng khối lượng hơn 6,6m3. 

Sang ngày 11-5, tại khu vực rừng giáp ranh giữa xã Hướng Sơn và đập tràn Khe Luôi thuộc thôn Kreng, xã Hướng Hiệp, lực lượng liên ngành tiếp tục phát hiện 13 cây rừng tự nhiên với đường kính từ 25-40cm đã bị đốn hạ và rất nhiều phách gỗ đã được cưa xẻ vuông vắn tập kết dọc ven suối. 

Quá trình thu gom, lực lượng chức năng thu được thêm 23 hộp gỗ, với tổng khối lượng 5,9m³… Trước tình trạng rừng bị chặt phá nghiêm trọng, chiều 15-5, UBND tỉnh Quảng Trị đã ký quyết định thành lập tổ chốt chặn bảo vệ rừng tại thôn Vùng Kho, xã Đakrông, huyện Đakrông. Tổ do ông Nguyễn Văn Vĩnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm (HKL) Đakrông làm tổ trưởng; ông Võ Văn Sử, Hạt trưởng HKL Hướng Hóa làm tổ phó, với 14 thành viên. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Vĩnh cho hay, từ khi thành lập đi vào hoạt động đến nay, tổ không phát hiện thêm rừng ở tiểu khu 659A bị chặt phá, người dân vào rừng ngày càng trở nên thưa dần, bình quân mỗi ngày chỉ còn khoảng 20- 25 người vào vùng rừng này để thu hoạch các lâm sản cũ đã trồng trọt, sản xuất trước đó. Tuy nhiên, thực tế việc bám trụ, củng cố, giữ vững nhân lực tại chốt để làm nhiệm vụ bảo vệ rừng không hề đơn giản. 

Quyết định của UBND tỉnh có nói đến nguồn kinh phí hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ này là 170 triệu đồng, trong đó mỗi người 150 ngàn đồng/ngày; thời gian bám chốt 4 tháng và có thể lâu hơn tùy vào tình hình thực tế. 

Song, hiện tại, số tiền trên vẫn chưa có; mọi chi phí như cơm hộp, xăng xe đều do cá nhân các thành viên tự bỏ tiền túi, hoặc ký nợ quán xá. Phương tiện đi lại như xe máy cũng của cá nhân, mà không được hỗ trợ thêm. 

“Với nguồn kinh phí kể trên cũng không đủ để duy trì lực lượng trong 4 tháng. Ngoài ra, nếu có kinh phí để duy trì, thì đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, “nóng tay bắt lỗ tai”, do trong thực tế khi lực lượng rút đi, vấn nạn khai thác, chặt phá rừng trái phép chắc chắn sẽ tái diễn trở lại. 

Do đó, vấn đề quan trọng là phải giải quyết được cái gốc của nguyên nhân phá rừng. Ở đây, nguyên nhân do liên quan trực tiếp đến sinh kế của người dân. Mỗi khi giải quyết được vấn đề này, nạn phá rừng kể trên ắt sẽ không còn; hoặc chí ít cũng được giảm thiểu đến mức tối đa”, ông Vĩnh khẳng định.

Từ cây số 53 trên quốc lộ 9, về phía tay phải hướng Đông Hà- Lao Bảo có con đường dẫn lên công trình thủy điện Khe Nghi. Theo con đường này đi vào chừng 5km, chúng tôi đến chốt thứ nhất là điểm tập kết để tiếp tế lương thực, các vật tư và phương tiện cho lực lượng liên ngành khi làm nhiệm vụ. 

Từ chốt thứ nhất, tiếp tục đi khoảng 3,5km nữa là đến được chốt thứ 2; nhưng phải vượt qua một dốc núi dựng đứng, hai bên là vực sâu hun hút. Đứng trưa, lực lượng liên ngành (Công an, Kiểm lâm, Công an xã, Xã đội và Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông) gồm 14 người mới rời rừng về tới lán trại. Ai nấy cũng mồ hôi nhễ nhại, lộ rõ vẻ mệt mỏi. 

Tuy nhiên, nghỉ ngơi được chừng 30 phút, ăn uống qua loa, họ lại lại vác súng, mang theo các công cụ hỗ trợ khác tiến sâu vào rừng, tiếp tục làm nhiệm vụ… Tại hiện trường, những gốc cây rừng bị cưa hạ trước đó vẫn còn tươi rói, xung quanh gỗ bị cưa xẻ, những tấm ván bìa vứt ngổn ngang. 

Nói về nạn phá rừng ở Đakrông, ông Nguyễn Công Tuấn, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông, bày tỏ rằng, đơn vị của ông đang quản lý, bảo vệ 26.000ha rừng, trong đó có 16.000ha rừng phòng hộ. Trong số diện tích rừng phòng hộ có 3.700ha rừng trồng, còn lại rừng tự nhiên. Đây không phải là lần đầu tiên rừng phòng hộ trên địa bàn bị khai thác, chặt phá trái phép. 

Trước khi xảy ra sự việc tại tiểu khu rừng 659A, BQL phối hợp với lực lượng liên ngành của huyện đã tổ chức chốt chặn, tuần tra kiểm soát, bảo vệ rừng thường xuyên. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, riêng người của BQL không được trang bị công cụ hỗ trợ, không có chế tài xử lý các đối tượng vi phạm lâm luật, trong khi đó người dân vào rừng rất đông, không thể kiểm soát, ngăn chặn hết được. Đó là chưa kể có nhiều đối tượng manh động, tìm cách gây gổ, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ...

Ông Tuấn cho rằng, giải pháp duy nhất mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng là giải quyết triệt để nguyên nhân phá rừng từ cái gốc, đó là giải quyết sinh kế cho người dân. Song việc giải quyết này, nhất là cho gần 200 hộ dân ở thôn Vùng Kho, xã Đakrông cần phải có sự vào cuộc của chính quyền và ngành chức năng cấp tỉnh. 

“Hiện nay, nguy cơ rừng bị phá nhiều nhất vẫn là vùng rừng từng bị chặt phá nhiều lần nằm trên địa bàn xã Hướng Hiệp, khu vực giáp ranh giữa xã Đakrông và xã Hướng Linh, Hướng Hóa, với gần 1.000ha”, ông Tuấn thông tin thêm.

Phan Thanh Bình
.
.
.