Nông dân ở Thừa Thiên - Huế thua lỗ vụ hoa Tết

Thứ Năm, 04/02/2016, 10:09
Trái ngược với không khí nhộn nhịp với các năm trước, năm nay, dù đã bước sang những ngày cận Tết nguyên đán Bính Thân 2016 nhưng thị trường hoa Tết ở vùng đất Cố đô Huế vẫn rất ảm đạm. Nhiều nông dân ở các làng trồng hoa truyền thống trên địa bàn tỉnh rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” vì hoa trồng ra không bán được giá...

Ngày 25 tháng Chạp, chúng tôi tìm về làng hoa truyền thống ở thôn Vọng Trì (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang). Mặc dù đang là thời điểm thu hoạch hoa bán dịp Tết nguyên đán nhưng trên cánh đồng hoa cúc rộng lớn nơi đây lại vắng vẻ khác thường. “Năm nay hoa hòe thất bát quá chú ơi!”, dù chưa kịp hỏi nhưng khi gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Anh (44 tuổi), một trong những hộ dân trồng hoa lâu năm ở địa phương này đã cho biết như vậy.

Nhiều vườn hoa Tết ở huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên- Huế) chưa thu hoạch do giá bán thấp.

Theo ông Anh, cũng như mọi năm, từ tháng 10 âm lịch, gia đình ông trồng 1.000 gốc hoa cúc vàng cùng một số loại hoa để bán dịp Tết cổ truyền. Thế nhưng, do cuối năm thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài khiến vườn hoa của ông không nở kịp để bán Tết. “Từ đầu tháng Chạp, vợ chồng tôi bắt đầu bao kín khu vườn hoa sau nhà và thắp bóng điện để giữ nhiệt và độ ẩm nhằm hy vọng hoa nở kịp vụ Tết nhưng chú thấy đó, giờ hoa què quặt như thế thì bán ai mua, nếu bán được thì rất mất giá, phải chịu thua lỗ”, bà Trần Thị Hoa, vợ ông Anh buồn bã chia sẻ.

Nông dân Nguyễn Tín Đạt (55 tuổi, ở thôn Tiên Nộn, Phú Mậu) nhận định, khoảng 3 năm trở lại đây, do thị trường hoa Tết thường nhập các loại hoa, cây cảnh bon sai từ Đà Lạt và miền Nam ra nên nông dân trồng trên địa bàn thất thu bởi thiếu thị trường đầu ra. “Nếu bán được giá 1.500 gốc hoa cúc, hoa lay ơn trong vườn thì may mắn lắm, vợ chồng tôi mới thu được tiền công cán lẫn phân bón của vụ hoa Tết năm nay”, ông Đạt ngán ngẫm cho biết.

Nói về vụ hoa Tết Bính Thân của địa phương, ông Trần Vãng, một cán bộ UBND xã Phú Mậu bày tỏ sự thất vọng. Ông Vãng cho hay: “Từ thời điểm chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng hoa, hiệu quả canh tác của nông dân trên địa bàn xã đã tăng từ 30 triệu đồng/1ha lúa đến 130 triệu đồng/1ha hoa. Thế nhưng vụ hoa năm nay thì trên 500 hộ dân trồng gần 15ha hoa các loại của xã ít nhiều phải chịu thua lỗ do ảnh hưởng của thời tiết, hoa không ra nụ... Đó là chưa kể đến thị trường hoa Tết ảm đạm, ít khách khiến giá hoa bán ra giảm từ 60 đến 70% so với vụ trước”.

Trong khi đó, rất nhiều vườn hoa khác của nông dân trên địa bàn các xã Phú Dương, Phú Thượng (huyện Phú Vang); Thủy Vân, Thủy Dương (thị xã Hương Thủy)... cũng đang “đứng ngồi không yên” bởi vắng người mua, giá hoa bán ra thấp. Trước tình hình này, có nhiều hộ dân đã cố chờ hoa tăng giá mới thu hoạch hoa đưa ra thị trường bán Tết.

Ngoài việc nông dân trồng hoa thua lỗ bởi hoa sụt giá thì không ít chủ cơ sở, đại lý nhập hoa từ các vườn hoa truyền thống về bán tại chợ hoa Tết cũng thấp thỏm lo âu. Chị Nguyễn Thị Minh, chủ quầy hoa đóng trước khu vực Phu Văn Lâu (Đại nội Huế) buồn rầu cho biết: “Hôm nay đã là 25 tháng Chạp rồi nhưng chợ hoa Tết vẫn không đông người mua bằng mọi năm. Thời điểm này năm ngoái, quầy của tôi đã bán được trên trăm chậu cúc đại với giá từ 700 đến 800 ngàn đồng/1 cặp. Thế nhưng năm nay, giá cúc giảm còn khoảng trên dưới 500 ngàn đồng/cặp nhưng vẫn rất ít người mua”...

Qua ghi nhận, tại các khu chợ lớn trên địa bàn TP Huế như chợ Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu... thì nhiều loại hoa nhập từ Đà Lạt về cũng được bán với giá “siêu rẻ”; ví như hoa lay ơn Đà Lạt trước được bán với giá 100 đến 150.000 đồng/10 cành thì nay chỉ còn 15 ngàn đồng/10 cành... Dù giá hoa rẻ hơn so với các năm trước, song vì thời tiết mưa, rét nên thị trường hoa Tết ở Huế vẫn ảm đạm khiến người trồng hoa lo lắng trước nguy cơ thua lỗ vụ hoa Tết.

Anh Khoa
.
.
.