Sóc Trăng làm việc không nghỉ để chống dịch

Thứ Sáu, 23/07/2021, 16:09

UBND tỉnh Sóc Trăng có công văn hỏa tốc gửi các sở, ban, ngành; các đơn vị sự nghiệp và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh về việc không nghỉ thứ 7, chủ nhật.


Ngày 23/7, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - Trần Văn Lâu cho biết, trước diễn biến rất phức tạp của dịch COVID-19 và do yêu cầu của công việc, UBND tỉnh có công văn hỏa tốc gửi đến các sở, ban, ngành; các đơn vị sự nghiệp và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh về việc không nghỉ thứ 7, chủ nhật.

Đại tá Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng thăm hỏi lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt phòng, chống COVID-19. 

Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều tình huống phát sinh. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả; kịp thời ứng phó với những diễn biến của dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị Nhà nước làm việc xuyên suốt các ngày trong tuần, không nghỉ thứ 7, chủ nhật.

Trước đó, ngày 18/7, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành công văn yêu cầu các đơn quan, đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc.

Đại tá Phạm Quốc Việt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng động viên lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát phòng, chống COVID-19 trên địa bàn tỉnh. 

Căn cứ vào tính chất công việc, nhiệm vụ để sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thành 2 nhóm. Trong đó, nhóm làm việc tại nhà (từ 30% đến 50%) và nhóm còn lại làm việc tại cơ quan. Không luân chuyển nhân sự giữa 2 nhóm nêu trên (trừ trường hợp đặc biệt cần luân chuyển, do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định),

Trong khi đó, tại Bạc Liêu, Văn phòng UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh vừa có văn bản hướng dẫn một số nội dung giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đối với người dân ngoài tỉnh, hạn chế tối đa việc ra vào tỉnh, trừ các trường hợp thật sự cần thiết. Riêng, các đối tượng thuộc diện đặc biệt và người trên phương tiện vận chuyển hàng hóa được phép vào tỉnh song phải kèm điều kiện (thực hiện theo hướng dẫn của ngành Y tế, ngành GTVT và UBND tỉnh).

Đối với người lao động ngoài tỉnh đến làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh thì phải được tổ chức theo hình thức xe ô tô đưa đón tập trung theo đúng phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”. Nếu không đáp ứng thì không được vào tỉnh.

Đối với người, phương tiện lưu thông nội tỉnh, tinh thần chung là hạn chế tối đa việc đi lại trong tỉnh, nhất là phương tiện cá nhân của người dân. Tuy nhiên, có một số trường hợp các lực lượng, chính quyền các địa phương cần linh hoạt giải quyết; tạo điều kiện lưu thông, không cứng nhắc, máy móc; hông yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính; không yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm…

Văn Đức - C.Xuân
.
.
.