Tăng cường biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi ở đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Ba, 28/05/2019, 09:22
Ngày 27-5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa phát hiện một ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).


Theo đó, sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính DTLCP đối với đàn lợn (55 con) của hộ bà Lâm Thị Thu Sang (ngụ ấp 3, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), Chi cục Chăn nuôi và Thú y và hộ dân tiến hành tiêu hủy đàn lợn theo quy định.

Một cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, đàn lợn của chủ hộ nuôi nhỏ lẻ, chưa tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm, con giống được mua từ ngoài tỉnh ở nhiều nguồn, chủ hộ sử dụng thức ăn viên và thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Cán bộ Thú ý tỉnh Sóc Trăng tiêu độc, khử trùng và niêm phong xe chở lợn trước khi di chuyển.

Tối 26-5, ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh bàn cách ứng phó với tình hình DTLCP trên địa bàn, đồng thời tăng cường thực hiện việc tiêu độc sát trùng ở khu vực chăn nuôi.

“Nơi nào phát sinh ổ dịch, phải báo cáo kịp thời để ngành chuyên môn lấy mẫu và thực hiện các thủ tục cần thiết để nhanh chóng tiêu hủy. Đồng thời, có biện pháp hỗ trợ cho người dân theo quy định”, ông Hiểu cho biết. 

Nhằm tăng cường giám sát nguồn gốc lợn nhập vào tỉnh, Sóc Trăng chính lập thêm 4 chốt kiểm soát trên các tuyến đường ra vào tỉnh tại các huyện Thạnh Trị, Long Phú, thị xã Vĩnh Châu và thị xã Ngã Năm.

Ngày 27-5, ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện DTLCP trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp, đã lan rộng ra 4 huyện Tân Hồng, Lai Vung, Tháp Mười và Lấp Vò. Xã biên giới Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng là nơi đầu tiên của Đồng Tháp phát hiện DTLCP tại các hộ nuôi vào ngày 24-5, với số lượng tiêu hủy 187 con lợn nuôi và lợn rừng lai.

Hôm sau, xã Thông Bình tiếp tục phát hiện thêm các hộ nuôi, với 60 con. “Cơ quan chức năng đã tiêu hủy 39 con lợn của hai hộ nuôi dương tính với dịch tả. Hộ nuôi còn với khoảng 20 con nghi nhiễm bệnh đã được cô lập, chờ kết quả xét nghiệm. Tân Hộ Cơ và Thông Bình là hai xã biên giới của Đồng Tháp, lực lượng đã triển khai công tác dập dịch, lập các chốt kiểm tra, ngăn ngừa dịch tả lây lan”, Nguyễn Văn Tài - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Hồng nói. 

Còn tại huyện Lấp Vò, DTLCP được phát hiện tại hộ nuôi xã Vĩnh Thạnh. “Trước đó hộ này có con lợn chết, họ tự chôn lấp. Sau đó chủ hộ tiếp tục phát hiện thêm lợn chết nên báo cán bộ Thú y kiểm tra, kết quả dương tính với dịch tả. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy số lợn trong chuồng nuôi, triển khai các biện pháp chống dịch”, lãnh đạo UBND huyện Lấp Vò nói.

Tiêu hủy lợn bị dịch.

Theo Chi cục Thú y Vùng VII, DTLCP đã phát hiện tại 7 tỉnh, thành Tây Nam bộ, gồm: Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang, TP Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Số lượng lợn bị tiêu hủy trên 2.000 con, tổng trọng lượng hơn 110 tấn. “Hiện nay DTLCP chưa có vắc xin phòng ngừa, lây lan nhanh, khi phát hiện dịch tả đàn nuôi chết 100%”, lãnh đạo Chi cục này nói.

Tỉnh Hậu Giang là địa phương đầu tiên phát hiện DTLCP tại huyện Châu Thành A, với số lượng tiêu huỷ chỉ vài chục con vào hồi tháng 4, sau đó lan ra các huyện Châu Thành, Vị Thuỷ và thị xã Ngã Bảy. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, nguyên nhân phát dịch có nhiều nguồn từ nguồn thức ăn thừa chưa qua xử lý dịch, quá trình vận chuyển...

Tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, dịch tả lợn được phát hiện tại các hộ nuôi heo rừng lai chủ yếu sử dụng nguồn thức ăn thừa, sau đó đến lợn nuôi.

“Tính đến sáng nay, tổng số lợn bị tiêu huỷ là hơn 1.560 con. Những ngày qua, tại một số xã tiếp tục phát hiện các ổ dịch mới”, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang nói. Các ổ dịch phát hiện chủ yếu là hộ nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình duy nhất chỉ đàn nuôi tập trung hơn 1.000 con phát hiện dương tính với DTLCP tại thị xã Ngã Bảy.

Tại Cà Mau, trước tình hình DTLCP đang gia tăng tại nhiều tỉnh, thành lân cận; UBND tỉnh Cà Mau đã quyết định thành lập thêm chốt kiểm dịch động vật tạm thời đặt trên tuyến đường bộ giáp ranh tỉnh Bạc Liêu (thuộc xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình). Thời gian hoạt động của chốt kiểm dịch động vật từ nay cho đến khi hết dịch bệnh và hoạt động 24/24 giờ các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ.

Tại Bạc Liêu, Công an tỉnh phối hợp với lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn. Không chỉ thường xuyên khuyến cáo đến người dân về những diễn biến của DTLCP, Công an Bạc Liêu chủ động phối hợp với lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ gia súc trên địa bàn.

Lập các chốt kiểm dịch gia súc, gia cầm tiến hành khử độc tẩy trùng các phương tiện vận chuyển gia súc, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các phương tiện có dấu hiệu vận chuyển gia súc chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc vào địa bàn…

Mặc dù hiện nay DTLCP chưa xuất hiện trên địa bàn Bạc Liêu, nhưng với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, các ngành chức năng đã và đang chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn DTLCP xâm nhiễm vào địa bàn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y, nguồn heo nhập vào TP Hồ Chí Minh giết mổ chủ yếu từ Đồng Nai chiếm 46,41%, Bình Dương 19,03%, Bình Thuận 10,88%, Bà Rịa – Vũng Tàu 8,01%… Việc này khiến lãnh đạo, các ngành chức năng và người dân thành phố lo lắng vì nằm trong “vòng vây dịch”.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã ban hành quyết định xây dựng kế hoạch phòng chống dịch tả lợn châu Phi với 3 tình huống: Dịch ở miền Bắc, miền Trung; Dịch xảy ra ở ven thành phố và dịch xuất hiện trên địa bàn quận, huyện của thành phố. UBND thành phố chỉ đạo thành lập thêm chốt giám sát ven đô, kiểm soát chặt nguồn thịt vào thành phố.

Tăng tần suất hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành, lập thêm 3 chốt ở vùng giáp ranh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và một số đầu mối giao thông. Thực hiện tiêu độc, khử trùng tại các điểm vào nội thành và điểm giết mổ trong thành phố…

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định pháp luật. Ban đã tiến hành kiểm tra hàng loạt điểm giết mổ, phân phối và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn ra thị trường để kịp thời phát hiện xử lý vi phạm ATTP. Đồng thời, tiến hành kiểm tra cơ sở giết mổ tập trung tại Hóc Môn, Củ Chi, các điểm hoạt động kinh doanh mua bán thịt tại các chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền...

Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục chăn nuôi và thú y thành phố, để phòng chống dịch bệnh, cần áp dụng “5 không” tại các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa nuôi lợn mà không qua xử lý nhiệt,…

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra kiểm dịch và tuyên tuyền để người dân nắm cùng với thành phố phòng chống dịch, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”, ông Huỳnh Tấn Phát cho biết.

Dịch tả lợn châu Phi đã lan ra địa bàn 19 thôn ở Quảng Nam

Chi cục Chăn nuôi và thú y (CN&TY) tỉnh Quảng Nam cho biết, trong 2 ngày 25 và 26-5, các ngành chức năng đã phát hiện dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tiếp tục xuất hiện tại xã Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn), các xã Bình Đào, Bình Sa (huyện Thăng Bình) và phát sinh thêm các hộ mới có lợn mắc bệnh DTLCP tại các huyện đã phát hiện trước đó. Cụ thể, phát sinh thêm 4 hộ mới (1 hộ thuộc thôn An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên; 3 hộ thuộc thôn Bàu Bính, thôn Duy Hà, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) có lợn mắc bệnh DTLCP, tiêu hủy 10 con, trọng lượng 507kg.

Như vậy, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có 42 hộ/19 thôn của 7 xã thuộc 3 huyện, thị xã có bệnh DTLCP. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy 191 con, trọng lượng gần 9.700kg. Theo ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục CN&TY, hầu hết các ổ dịch bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh xảy ra ở hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ, nằm rải rác trong khu dân cư; đối tượng mắc bệnh chủ yếu là lợn nái lan sang lợn thịt; bệnh xuất hiện ở các khu tập trung đông người, dọc theo đường 129 (Duy Hải, Duy Nghĩa, Bình Dương) và đường biển giáp TP Đà Nẵng (xã Điện Ngọc); vector truyền bệnh chủ yếu là nhân tố con người, sử dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, thức ăn chưa nấu chín để nuôi lợn…

Nguy cơ DTLCP lây lan ra diện rộng rất cao, diễn biến hết sức phức tạp, bệnh có khả năng lây lan sang tất cả các địa phương chưa có dịch ở tỉnh Quảng Nam; có khả năng buộc phải tiêu hủy nhiều lợn do bệnh DTLCP nếu không áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, nhất là khâu vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, sử dụng thức ăn thừa có chứa mầm bệnh chưa qua nấu chín để chăn nuôi lợn.

Hiện Chi cục CN&TY đang tiếp tục tham mưu Sở NN&PTNT tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh, UBND tỉnh các giải pháp phòng, chống DTLCP theo diễn biến mới của dịch bệnh này.                     

Hà Vy


Đức Văn – Văn Vĩnh - Nhân Sơn
.
.
.