'Sao thần nông' và cây 'độc' có 9 loại quả

Thứ Tư, 11/02/2015, 14:36
Ông Giáp quyết định thực hiện ý tưởng tạo ra cây nghệ thuật “Cây ngũ quả” bằng cách ghép các loại quả cùng họ bưởi như cam, chanh, quýt, quất trên thân cây bưởi. Sau nhiều thử nghiệm, 2 năm sau ông mới thành công với công nghệ, “buộc” các loại quả chín vào các thời điểm khác nhau trong năm phải “khoe sắc” vào dịp Tết cổ truyền.

Săn cây “độc” chơi Tết đang là cái thú của nhiều người. Gặp các chủ vườn, các nghệ nhân, chúng tôi mới thấy hết sự tài hoa của họ. Bỏ cả chục triệu để rinh về một cái cây lúc lỉu quả, lộc non đâm chồi, thế đứng vững chãi mới thấy, nghề chơi cũng rất công phu.

Tháng 1 năm 2015, người nông dân từng được phong tặng danh hiệu Công dân Ưu tú Thủ đô Lê Đức Giáp (ở thôn Bãi, xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) được Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng giải thưởng “Sao thần nông”.

Vị “thần nông” này không chỉ đóng góp vào việc phát triển cây cam canh, mà còn đặc biệt sáng tạo ra cây ngũ quả, cây có 7 loại quả và rồi năm nay là cây có 9 loại quả đầy ý nghĩa để chơi Tết bằng kỹ thuật chiết, ghép cành điêu luyện.

Ông Giáp đang chăm sóc cây cho ra 9 quả.

Năm 2008, ông Giáp quyết định thực hiện ý tưởng tạo ra cây nghệ thuật “Cây ngũ quả” bằng cách ghép các loại quả cùng họ bưởi như cam, chanh, quýt, quất trên thân cây bưởi. Sau nhiều thử nghiệm, 2 năm sau ông mới thành công với công nghệ, “buộc” các loại quả chín vào các thời điểm khác nhau trong năm phải “khoe sắc” vào dịp Tết cổ truyền.

Năm ngoái, ông tiếp tục cho ra lò cây có 7 loại quả. Và Tết Nguyên đán năm nay, ông trình làng gần chục cây cảnh có 9 loại quả. Số cây ít ỏi này hiện đã được khách hàng đặt hết dù với giá mỗi cây đều trên chục triệu đồng. Thành quả này của ông vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng giải thưởng “Sao thần nông” vào đầu năm 2015.

Chỉ cho chúng tôi xem cây bưởi Diễn đã được khách đặt mua với giá 15 triệu đồng, ông Giáp cho biết, trên đó có 9 loại quả: bưởi Diễn, bưởi đỏ, bưởi thơm, bòng, cam canh, cam Vinh, chanh đào, quất, phật thủ. Điều đặc biệt là cả 9 loại quả này đều chín một lúc. Được biết, năm nay ông Giáp đang thử nghiệm loại bưởi có chữ Tài, chữ Lộc và bưởi hồ lô nhưng chưa thành công. Thế nhưng, ông vẫn không dừng lại mà tiếp tục thử nghiệm trong năm tới.

Về xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội – nơi nổi danh với nghề trồng Phật thủ, chúng tôi được biết, Tết năm nay, khách hàng đang có xu hướng chơi Phật thủ… cả cây.

Nắm bắt được xu hướng chơi cây Phật thủ ngày Tết của nhiều khách hàng, anh Nguyễn Phú Dũng là chủ một vườn Phật thủ tại thôn Đông, Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội đã đầu tư một vườn Phật thủ cảnh với đủ loại giống Phật thủ khác nhau như: Phật thủ giống Trung Quốc, Phật thủ bon sai,... để phù hợp với nhu cầu của mọi khách hàng.

Anh Dũng chia sẻ: “Gốc Phật thủ cảnh chia làm nhiều loại, có cây chỉ 2 – 3 triệu đồng nhưng cũng có gốc lên tới 20 – 30 triệu đồng. Cây Phật thủ chơi được khá lâu, tối đa có thể được 2 tới 5 tháng. Cây có thể có 5, 7 hoặc 10 quả, tùy từng cây khác nhau. Chơi cây Phật thủ cũng có nhiều cái hay, nhìn lạ mắt, đẹp mà nhất là mùi thơm của quả cũng dễ chịu”.

Cùng với đào, quất, các loại cây “độc” nêu trên đang vào mùa săn lùng của khách hàng. Sự đa dạng của thị trường cây chơi Tết năm nay cho xu hướng ưa cái mới, lạ của người chơi cũng như sự thích ứng nhanh của người nông dân.

Thủy Linh
.
.
.