Miễn thị thực dài hạn cho công dân 5 nước châu Âu:

Tháo “nút thắt” cho du lịch Việt?

Thứ Bảy, 30/06/2018, 09:03
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1-7-2018, công dân 5 nước châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia đến Việt Nam sẽ được miễn thị thực. Thời hạn thực hiện miễn thị thực là 3 năm. 


Quyết định này được cho là góp phần tháo “nút thắt” đã lâu năm của ngành du lịch Việt. Tuy nhiên, theo nhiều đơn vị lữ hành, để du lịch phát triển thuận lợi hơn thì vẫn cần thêm nhiều điều kiện khác.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND về chính sách miễn thị thực nói trên, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hanoi Restour cho hay, việc miễn thị thực cho các nước Tây Âu chúng ta đã làm cách đây 3 năm nhưng thời hạn chỉ có 1 năm nên các doanh nghiệp “vừa làm vừa run”. 

Cứ đến gần tháng 6 hàng năm – thời hạn quyết định miễn thị thực cho khách hết hiệu lực, doanh nghiệp không biết được chính sách này có tiếp tục duy trì hay không. Vì vậy, khi tổ chức quảng bá, xúc tiến du lịch, doanh nghiệp thường bị động. 

Việc Thủ tướng quyết định gia hạn miễn thị thực lên 3 năm, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp về nhiều mặt. Khi Việt Nam miễn thị thực cho 5 nước châu Âu, các cơ quan truyền thông trong nước và nước ngoài sẽ thông tin đến bạn đọc về chính sách này. Trên phương diện thông tin thì việc truyền thông như thế cũng là một cơ hội để du lịch Việt được quảng bá. 

Chưa kể, lâu nay, chúng ta vẫn nhắc đi nhắc lại rằng Việt Nam luôn chào đón bạn bè du khách quốc tế. Việc miễn thị thực là hành động rất rõ ràng, thiết thực, thể hiện việc chúng ta không chỉ chào đón họ bằng lời nói mà bằng những việc làm thiết thực, qua việc quan tâm, ưu ái họ. 

Đây là hoạt động tạo sự thiện cảm cho du khách với Việt Nam và thông qua đó tạo hiệu quả về truyền thông, quảng bá, có khi còn hơn cả việc chúng ta bỏ tiền quảng cáo.

Cũng theo ông Nguyễn Công Hoan thì việc miễn thị thực lên 3 năm đã tạo cái cớ hợp lý để các công ty du lịch Việt Nam, các công ty du lịch ở bên châu Âu triển khai hoạt động quảng bá. 

Chính sách miễn thị thực cho công dân 5 nước châu Âu được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch vùng núi phía Bắc.

Vì để truyền thông quảng bá sản phẩm, dịch vụ thì doanh nghiệp phải có sự kiện mới để đẩy thông tin lên. Việc miễn thị thực là cái cớ rất tốt để Hanoi Restour đẩy mạnh hoạt động này. Với Hanoi Restour, miễn thị thực còn có giá trị cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực. 

Ở một khía cạnh khác, có thể nhỏ hơn là miễn thị thực sẽ giúp du khách giảm khoảng vài chục USD và vài ngày làm thủ tục xin cấp visa. Với khách châu Âu, khoản tiền này không lớn nhưng thể hiện thiện chí của nước chủ nhà. 

Khách châu Âu thường có kế hoạch khá lâu trước khi đi du lịch. Khi gia hạn miễn thị thực 3 năm, đơn vị quảng bá du lịch có cơ sở chắc chắn để truyền thông quảng bá sản phẩm, có điều kiện xây dựng chiến lược quảng bá lâu dài. 

Chưa kể, khách châu Âu là đối tượng du khách có mức chi tiêu cao, sử dụng dịch vụ nhiều hơn, lưu trú dài ngày hơn. Với người làm du lịch, quan trọng nhất là số ngày đi tour của khách chứ không không phải số lượng khách. 

Vì 1 đoàn có 100 khách, nếu ở 2 ngày thì doanh nghiệp chỉ có 200 ngày tour nhưng đoàn có 50 khách, ở lại đến 10 ngày thì có 500  ngày tour… Khách châu Âu lại đi du lịch đa dạng các vùng miền trên cả nước, không chỉ tập trung ở một vài điểm như khách châu Á nên phát triển mạnh thị trường này sẽ tạo cơ hội cho du lịch Việt phát triển toàn diện hơn.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty TransViet cũng cho rằng, việc miễn thị thực cho du khách đã tháo được “nút thắt” bất lợi của du lịch Việt. Bởi lẽ, hiện nay, Việt Nam mới chỉ miễn visa cho công dân 24 nước, còn các nước trong khu vực như Singapore, Indonesia đã miễn visa cho công dân hơn 100 nước. 

Nhiều năm trở lại đây, Việt Nam đã cải cách nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực này như thực hiện làm thủ tục visa điện tử, miễn visa. Quyết định gia tăng thời hạn miễn visa từ 1 năm lên 3 năm cho công dân 5 nước châu Âu giúp doanh nghiệp tránh cảnh phải chờ đợi, cứ đến gần thời hạn hết miễn visa, đối tác nước ngoài hỏi thì không biết kết quả như thế nào. 

Khi doanh nghiệp trong nước không chắc chắn, doanh nghiệp nước ngoài sẽ không dám quảng bá. Nếu chính sách ổn định thì họ yên tâm xúc tiến, đầu tư cho du lịch Việt Nam. Vì vậy, trong thời gian tới, chính sách miễn thị thực này cần tăng thêm thời gian, thậm chí là nên miễn không thời hạn. Nếu trong quá trình thực hiện nảy sinh vấn đề bất lợi cho an ninh quốc gia thì có thể điều chỉnh. 

Quy định miễn visa nhưng chỉ cho khách lưu trú trong 15 ngày và bắt buộc khách quốc tế mỗi lần nhập cảnh phải cách thời điểm xuất cảnh khỏi Việt Nam trước đó ít nhất 30 ngày cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Bởi lẽ, với khách lưu trú dài ngày, Đông Dương là điểm đến chung hấp dẫn. Khách châu Âu thường lưu trú dài ngày, đến nghỉ dưỡng hoặc đi xuyên Việt. Nhiều trường hợp, thời hạn 15 ngày không đáp ứng đủ nhu cầu của họ. 

Chưa kể, khách đến Việt Nam, đi du lịch sang Lào, Campuchia nhưng đi chưa đủ 1 tháng sẽ không được nhập cảnh trở lại Việt Nam. Điều này, vô hình trung đã vô hiệu hóa khả năng biến Việt Nam trở thành trung tâm hàng không du lịch đường dài.

Về việc một số cơ quan, ban, ngành cho rằng miễn thị thực sẽ mất đi một nguồn thu, ông Đạt cho rằng quan niệm như thế là chưa đúng. Vì, giống như việc đi chợ, nếu thu vé cổng sẽ không khích lệ khách mua hàng vào chợ. Nếu miễn vé cổng cho khách có nhu cầu chi tiêu cao, mua nhiều hàng, lợi nhuận mang về còn cao gấp nhiều lần việc thu vé vào cổng.

Bày tỏ nhiều kỳ vọng vào chính sách miễn thị thực dài hạn cho khách châu Âu, ông Hoàng Đại Ngãi, Giám đốc khối thị trường du lịch nước ngoài Vietravel khẳng định, trong bối cảnh kinh doanh dịch vụ du lịch đang gặp phải cạnh tranh khá khắc nghiệt với một số quốc gia khác trong khu vực thì đây là quyết định đúng đắn và kịp thời của Nhà nước trong việc tạo những điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích và thu hút du khách quốc tế tới Việt Nam. 

Tuy nhiên, để thu hút khách du lịch, miễn phí Visa chỉ là một điều kiện. Để khách du lịch quyết định có lựa chọn Việt Nam là điểm đến ưa thích thì cần có thêm những tiêu chí khác đi kèm như sự ổn định về mặt chính trị, an toàn, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, hấp dẫn, dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn chuyên nghiệp. 

Các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch, có trọng điểm, đi vào chiều sâu, định hình rõ về thị trường, điểm đến, sản phẩm... Chỉ khi đó môi trường kinh doanh du lịch của Việt Nam mới có thể cạnh tranh được với các đối thủ trong khu vực.

Ngọc Nguyễn
.
.
.