Thịt heo thối vào bữa cơm công nhân

Thứ Sáu, 22/04/2016, 08:04
Đánh vào nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rẻ tiền trong đội ngũ công nhân và người lao động có thu nhập thấp, thịt bẩn từ các lò mổ chui và các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán tràn lan, nhất là tại các chợ tự phát, chợ cóc mọc ra gần các KCN.


Với gần 1 triệu lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tại Đồng Nai hàng ngày là rất lớn. 

Đánh vào nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rẻ tiền trong đội ngũ công nhân và người lao động có thu nhập thấp, thịt bẩn từ các lò mổ chui và các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán tràn lan, nhất là tại các chợ tự phát, chợ cóc mọc ra gần các KCN. Do đó thịt bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn có cơ hội trà trộn vào bữa cơm hàng ngày của công nhân và người lao động nghèo. 

Ngày 12-4 vừa qua Chi cục Thú y Đồng Nai phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường bất ngờ kiểm tra một cơ sở giết mổ heo lậu tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu do bà Đỗ Thị Hằng làm chủ. 

Tại hiện trường, 3 người đang tiến hành giết mổ 3 con heo với tổng trọng lượng gần 200kg. Ngoài ra đoàn kiểm tra còn phát hiện một lượng lớn thịt heo đã xẻ và nội tạng chứa trong tủ đông cùng 5 con heo khác đang nhốt trong chuồng chờ giết mổ. 

Chủ cơ sở khai nhận thu mua heo trôi nổi các khu vực lân cận về giết mổ rồi đưa đi tiêu thụ ở các chợ tự phát. Toàn bộ số thịt heo và nội tạng này đã bị tịch thu, tiêu hủy. Riêng 5 con heo chưa qua kiểm dịch đã được đưa về lò mổ tập trung để lấy mẫu xét nghiệm và xử lý. 

Cơ sở  bị phạt 8,5 triệu đồng. Mức phạt này chỉ cần giết mổ lậu chừng vài ngày là có thể gỡ lại nên khó có thể khiến các các chủ lò mổ lậu sợ mà dừng lại, không tiếp tục tái phạm.  

Tiêu hủy 1,8 tấn thịt heo nái bốc mùi hôi thối.

Ngày 21-4 lực lượng liên ngành kiểm soát thực phẩm đã phối hợp với chính quyền phường Tam Hòa, TP Biên Hòa lập biên bản tịch thu và tiến hành tiêu hủy trên 1,8 tấn thịt heo thối tại cơ sở kinh doanh lụi do bà Phạm Thị Đào, ngụ tại khu phố 2, phường Tam Hòa, TP Biên Hòa làm chủ. 

Trước đó vào tối 20-4, đoàn kiểm tra liên ngành đã bất ngờ ập vào kiểm tra cơ sở của bà Đào và phát hiện trên 1,8 tấn thịt heo đã bốc mùi hôi thối để tràn lan dưới nền nhà dơ bẩn, một phần được ướp trong các tủ đông. 

Bà Đào khai nhận thu mua số thịt trên từ các lò mổ lậu của các huyện lân cận và TP Biên Hòa, trong đó chủ yếu là thịt heo nái chết trước khi giết mổ và chưa kịp làm lông tại các lò mổ. Sau khi thu mua về, chủ cơ sở cho ướp đông và tiếp tục làm sạch để đưa ra thị trường. Mối tiêu thụ chủ yếu là các bếp ăn công nghiệp tại Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương với giá rẻ chỉ bằng một nửa so với thịt tươi ngoài thị trường. 

Tại nhiều chợ tự phát trên địa bàn TP Biên Hòa, thịt heo không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan và công khai hàng ngày. Chỉ riêng tại 2 phường trọng điểm là Long Bình và Trảng Dài có hàng chục chợ tự phát với cả trăm điểm bán thịt heo chưa qua kiểm dịch vô tư bày bán. Thậm chí có nơi vừa lọc thịt heo vừa bán với những biển hiệu và lời mời chào như “heo sốt”, “heo mổ chiều” khá hấp dẫn,  công nhân, người lao động nghèo đến mua rất đông. 

Trong khi đó lãnh đạo UBND phường Long Bình và Trảng Dài đều cho rằng địa phương chỉ thực hiện việc dẹp tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, còn việc tịch thu và xử phạt những điểm kinh doanh thịt heo chưa qua kiểm dịch này lại không thuộc thẩm quyền, nhất là khi không có chuyên môn về thú y. 

Còn Trạm thú y Biên Hòa thì cho rằng lực lượng cán bộ thú y quá mỏng, vừa phân công trực kiểm tra tại các lò mổ vào ban đêm, vừa tham gia kiểm tra tại các chợ truyền thống hàng ngày nên không thể đi hết được những điểm chợ tự phát. 

Hơn thế, để có thể tịch thu, tiêu hủy nguồn thịt không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan này, một mình lực lượng thú y cũng khó thực hiện mà cần phải có sự hỗ trợ của Công an và các cơ quan có trách nhiệm khác. 

Trong khi đó, ông Hạnh, một người dân buôn bán tại một chợ ở Biên Hòa cho rằng việc này chỉ cần giao cho ban quản lý các chợ có trách nhiệm giám sát, buộc chủ quầy, sạp cam kết không bán thịt chưa qua kiểm dịch là xong. Khi đó lực lượng thú y mới có thể rảnh tay kiểm soát nguồn thịt và các loại thực phẩm bẩn bày bán tràn lan ở các chợ tự phát. 

Chỉ trong khoảng 1 năm trở lại đây tại Đồng Nai thực phẩm bẩn đã gây ra hàng chục vụ ngộ độc thức ăn tập thể với công nhân. Tối 12-4 vừa qua, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã tiếp nhận và cấp cứu cho 12 công nhân của Công ty TNHH Fashion Garments 2 ở KCN Biên Hòa 2 do ngộ độc thực phẩm. 

Ngay sau khi ăn cơm tối khoảng 15 phút, các công nhân đã có biểu hiện với các triệu chứng như đau bụng, khó thở, đau đầu, choáng và buồn nôn. Các bác sĩ sau đó đã khẳng định công nhân bị ngộ độc thực phẩm. 

Làm sao để chặn thịt bẩn, chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc trà trộn vào bữa cơm công nhân vẫn là câu hỏi lớn đối với các ngành chức năng ở Đồng Nai.

Đ.Thắng
.
.
.