Ứng phó với hạn mặn khốc liệt

Chủ Nhật, 12/01/2020, 08:29
Hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm nay được dự báo sẽ khốc liệt tương đương, thậm chí có thời điểm sẽ hơn năm 2015-2016. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ứng phó với vấn đề đáng lo ngại này ra sao?

Nỗi ám ảnh hạn mặn lịch sử tái diễn

Dự báo mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho thấy, độ mặn tại hạ lưu sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ và khu vực bán đảo Cà Mau đang ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, mực nước thượng nguồn sông Mê Kông biến đổi chậm với xu thế xuống dần và ở mức tương đương cùng kỳ năm 2016. 

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, dòng chảy trên sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 1 và 2-2020 rất hạn chế, khả năng thiếu hụt từ 10-30% so với trung  bình nhiều năm và năm 2016. 

Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều. Bởi vậy, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, trong một số thời điểm ranh mặn trên các sông có khả năng xâm nhập tương đương mùa khô năm 2015-2016. 
Nỗi ám ảnh về thiên tai hạn mặn lịch sử tái diễn tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian xâm nhập mặn cao nhất trên sông Cửu Long tập trung vào tháng 1 và 2-2020; riêng các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào khoảng tháng 3-2020. Thậm chí, trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập Trung Quốc) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn mùa khô năm 2015-2016.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, mỗi năm tổng lượng nước về Việt Nam khoảng 850 tỷ m3. Đây là lượng nước rất lớn, tuy nhiên 2/3 lượng nước này xuất phát từ các dòng sông chảy từ nước ngoài về nên phụ thuộc rất nhiều vào thượng nguồn. Theo thống kê, hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015-2016 đã gây thiệt hại gần 1 triệu tấn lúa, 60.000-70.000ha cây ăn trái bị ảnh hưởng, không khôi phục lại được; có thời điểm có đến 500.000 người thiếu nước sinh hoạt và năm đó tăng trưởng âm.

Cấp bách vào cuộc

Trong khi đó, hạn hán, xâm nhập mặn 2019-2020 được nhìn nhận là tương đương và có thời điểm còn khốc liệt hơn đợt hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục 2015-2016. “Chúng ta đã dự báo từ trước nên chủ động các giải pháp ứng phó từ rất sớm nên thiệt hại được giảm thiểu đến mức rất thấp. 

Cụ thể, từ tháng 9/2019 Bộ NN&PTNT đã quyết định đẩy lịch gieo cấy lúa đông xuân sớm hơn bình thường 1 tháng và dùng các giống ngắn ngày. Đến nay, diện tích lúa cấy sớm đã ngậm đòng, trổ bông; một số diện tích đã gần đến thời kỳ thu hoạch nên thiệt hại sẽ ít đi rất nhiều” - ông Hiệp cho hay.

Đối với các diện tích không thể gieo trồng được thì có hai cách: Một là chuyển sang cây trồng khác, hai là không gieo trồng. Đến thời điểm này cả vùng có khoảng gần 40.000ha bà con chấp nhận không gieo sạ. 40.000ha này không phải là lớn trong tổng số hàng triệu hecta trồng lúa hiện nay. Về cây ăn trái, Bộ NN&PTNT đánh giá có khoảng 136.000ha sẽ bị ảnh hưởng, Bộ đã chỉ đạo bằng tất cả các giải pháp làm bờ bao, kênh dẫn… và chủ động tính toán độ mặn để lấy nước tưới, không để ảnh hưởng đến cây ăn trái.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ gửi bản đồ cảnh báo thiếu nước sinh hoạt và đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo cung cấp đủ nước cho người dân. Rất nhiều địa phương như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu đã kéo dài ống nước ở các nhà máy nước đang có để cấp nước ngọt cho rất nhiều hộ. 

Đặc biệt, theo ông Hiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa quyết định thành lập tổ công tác tiền phương phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp được giao là tổ trưởng.

Tổ này có 3 nhiệm vụ chủ yếu: Một là đi thực tế để nhận định đúng tình hình; Thứ hai, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương các giải pháp, kể cả công trình và phi công trình; Thứ ba, đề xuất, kiến nghị những giải pháp cần Nhà nước, Chính phủ phải đầu tư ngay lập tức để giúp cho khu vực này. Tổ công tác này sẽ có bộ phận thường trực tại Đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến hết tháng 3-2020. Tổ sẽ đi đến từng tỉnh, cùng với lãnh đạo địa phương xem xét một cách hết sức cụ thể, đánh giá đúng tình hình để từ đó cùng các địa phương có giải pháp xử lý.

Chi Linh
.
.
.