Cần Thơ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thu hút nguồn lực phát triển bền vững

Thứ Hai, 29/01/2024, 09:40

Năm 2024, mốc son đánh dấu sự phát triển quan trọng tròn 20 năm thành lập thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Vị thế, tiềm lực kinh tế của thành phố chuyển biến đáng kể, toàn diện trên các lĩnh vực, khẳng định vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, 20 năm qua thành phố đã tận dụng, huy động nhiều nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội hướng tới trở thành đô thị đáng sống của vùng ĐBSCL. Thành phố tập trung xây dựng trung tâm thương mại, dịch vụ lớn, chất lượng cao của vùng và cả nước; xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng về đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, hàng không, nâng cao vai trò đầu mối quan trọng về giao thông vận tải vùng và liên vận quốc tế, kết nối lan tỏa giữa thành phố Cần Thơ với vùng ĐBSCL, cả nước và quốc tế ngày càng thuận lợi, nhanh chóng, tạo động lực mới cho phát triển. Nhiều công trình giao thông quan trọng được đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Cầu Cần Thơ, Cảng Cái Cui, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, quốc lộ Nam sông Hậu... Kết cấu hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư và nâng cấp mở rộng ngày càng phát triển, tổ chức sản xuất, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Cần Thơ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thu hút nguồn lực phát triển bền vững_CANDTET_I8 -0
Đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ.

Quy mô nền kinh tế được mở rộng, đóng góp vào sự phát triển chung của vùng ĐBSCL và cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá. Năm 2023, giá trị tổng sản phẩm đạt gần 120.000 tỷ đồng, tăng gấp 10,2 lần so với năm 2004. Hằng năm, đóng góp khoảng 1,2% GDP cả nước và khoảng 9,5% GRDP của vùng ĐBSCL. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) đạt 94,12 triệu đồng, gấp 9,2 lần so năm 2004. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh, ngành thương mại, dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ luôn đứng đầu ĐBSCL. Thành phố Cần Thơ là trung tâm giáo dục của ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Hệ thống bệnh viện chuyên sâu, đa khoa, trung tâm y tế được quan tâm đầu tư, nâng cấp; áp dụng kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong khám, chẩn đoán và điều trị, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân thành phố và vùng ĐBSCL. Cơ sở hạ tầng và sản phẩm du lịch được đầu tư xây dựng, nâng cấp, góp phần đưa hình ảnh, đất nước, văn hóa, con người Việt Nam nói chung và vùng đất, con người Cần Thơ nói riêng đến bạn bè quốc tế. 

Đặc biệt ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ngày 11/1/2022, Quốc hội quyết nghị ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ đã khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của thành phố đối với vùng ĐBSCL và cả nước, mở đường cho thành phố đưa ra những khâu đột phá, chương trình trọng điểm, giải pháp mới. Thành phố đã phối hợp với các bộ ngành Trung ương ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng các dự án giao thông quan trọng như: Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, dự án cao tốc Bắc Nam phía đông, dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ…

Đồng chí Trần Việt Trường cho biết, thành phố tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Trung ương, Đảng bộ thành phố đã đề ra. Thành phố Cần Thơ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng và phát triển trên cơ sở khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vùng ĐBSCL, nhất là vai trò trung tâm vùng, vị trí cửa ngỏ hạ lưu sông Mekong, cảng biển, cảng hàng không quốc tế,… “Thành phố Cần Thơ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực các thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển, đặc biệt phát triển hạ tầng giao thông, đô thị và những vùng, ngành, lĩnh vực kinh tế có tiềm năng, lợi thế. Chuyển đổi và hình thành cơ cấu đầu tư hợp lý, tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, mở rộng các hình thức đầu tư. Phát triển kinh tế gắn kết hài hòa phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh.

Văn Vĩnh
.
.
.