Chủ động ứng phó với hạn, mặn mùa khô 2022

Thứ Ba, 18/01/2022, 08:12

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lũ năm 2021 ở châu thổ Cửu Long nhỏ dưới báo động 1.

Dòng chảy sông Mekong hiện ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Biển Hồ (Campuchia) - nơi cung cấp nguồn nước quan trọng bổ sung cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong các tháng mùa khô hiện nay ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 3 tỷ m3.

Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho mùa khô 2021-2022 với các kịch bản, bao gồm cả các kịch bản ứng phó với xâm nhập mặn cực đoan như đã xảy ra trong mùa khô 2015-2016 và 2019-2020.

Các địa phương khoanh vùng cụ thể các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai giải pháp ứng phó phù hợp. Cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng giá trị kinh tế cao.

Các địa phương rà soát, khoanh vùng cây ăn trái có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn; tính toán, cân đối nguồn nước, tăng cường xây dựng các ao trữ nước phân tán, bảo đảm có đủ nguồn nước cung cấp cho nhu cầu tối thiểu, duy trì sức sống cho cây trồng…

chudong 1.jpg -0
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn 1) khi đưa vào vận hành giúp kiểm soát hạn mặn, tạo điều kiện sản xuất nông nghiệp cho gần 385.000ha đất.

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam khuyến nghị các địa phương cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ, vận hành hệ thống công trình hợp lý, chuẩn bị các giải pháp ứng phó ngay từ đầu mùa khô. Đồng thời tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Chúng tôi khuyến cáo bà con chỉ gieo cấy lúa ở những nơi có đủ nguồn nước, không xuống giống ở những khu vực không có nguồn tiếp ngọt. Đồng thời chúng tôi tăng cường vận động nhân dân không xây dựng nhà ở gần ngã ba sông, các khúc sông cong và những đoạn sông, kênh dễ bị sạt lở".

Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, năm nay tình hình xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm hơn năm trước. Nước mặn có thể sẽ xâm nhập ngay những ngày đầu năm 2022 và diễn biến bất thường.

Vùng ven biển ĐBSCL, nước mặn có thể vào sâu từ 20 đến 30km vùng cửa sông; sâu từ 50 đến 65km vào cuối tháng 3/2022. Trà Vinh sẽ bị ảnh hưởng đến sản xuất vụ lúa Đông-Xuân, rau màu, cây ăn trái. Ngành nông nghiệp Trà Vinh đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thuỷ lợi để đảm bảo nguồn nước ngọt dự trữ trong nội đồng…

Hậu Giang dự báo xâm nhập mặn có thể xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm từ 10-20 ngày và diễn ra gay gắt trong tháng 3 và tháng 4/2022. Trong đó, khu vực sông Cái Côn, dự báo nước mặn từ triều cường biển Đông ảnh hưởng huyện Châu Thành, TP Ngã Bảy, một phần huyện Phụng Hiệp sẽ bắt đầu xuất hiện từ giữa tháng 1/2022.

Khu vực ảnh hưởng triều biển Tây có huyện Long Mỹ, TP Vị Thanh, một phần huyện Vị Thủy và thị xã Long Mỹ. Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã xây dựng lịch thời vụ xuống giống cụ thể cho vụ Đông-Xuân 2021-2022, đồng thời khuyến cáo nông dân ở những vùng có điều kiện sản xuất thuận lợi chủ động gieo sạ sớm để né hạn, mặn vào cuối vụ…

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn chỉ đạo Sở NN&PTNT; UBND các huyện, thành triển khai các giải pháp ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022.

UBND tỉnh An Giang yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức quan trắc nguồn nước, độ mặn để kịp thời cảnh báo cho người dân phòng tránh; thường xuyên cung cấp thông tin dự báo, nhận định về tình hình thời tiết, nguồn nước, hạn và xâm nhập mặn cho các cơ quan có liên quan và các địa phương để kịp thời ứng phó.

Đáng chú ý, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng được xây dựng trên 2 huyện An Biên và Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, lớn và hiện đại nhất ĐBSCL đã hoàn thành. Công trình khi đưa vào vận hành không chỉ giúp kiểm soát mặn, tạo nguồn nước ngọt cho các vùng ven biển mà còn giúp cho nhiều địa phương ở ĐBSCL chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng, phòng chống thiên tai… cho diện tích gần 385.000ha đất.

Đức Văn
.
.
.