Đừng vì “kiềng canh nóng thổi cả rau nguội”!

Thứ Bảy, 22/01/2022, 09:09

Những người được về quê ăn Tết Nhâm Dần 2022 sẽ rất may mắn so với hàng trăm ngàn người khác phải ở lại các thành phố lớn. Dẫu vậy, niềm vui chưa thể trọn vẹn bởi còn vướng phải những hành xử cứng nhắc của địa phương.

Đã qua cái rằm cuối cùng của năm âm lịch 2021, anh Phạm Văn Thành, 36 tuổi, vẫn băn khoăn: “Tôi làm trong Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ngày 23/1 sắp tới đây, chúng tôi được công ty tổ chức cho về Thanh Hóa ăn Tết trên “chuyến xe 0 đồng”. Giờ chỉ lo không biết về có bị cách ly 7 ngày tại nhà không?”. Dù đã được tiêm đủ ba mũi vaccine ngừa COVID-19, nhưng khá nhiều người mang tâm trạng giống anh Thành. Thanh Hóa vừa ngưng chuyện gửi thư ngỏ kêu gọi người dân không về quê dịp tết, lại xảy ra việc trưởng một thôn khóa trái cửa ngôi nhà có người mới “hồi hương”.

Lịch nghỉ Tết 9 ngày, thời gian đi đường (khứ hồi) hết hai ngày. Vì vậy, nếu áp dụng cách ly một tuần thì đúng nghĩa ăn Tết “tại gia”. Mang tiếng là được về quê song cũng chỉ có thể chúc Tết họ hàng, chòm xóm bằng công nghệ trực tuyến.

Đừng vì “kiềng canh nóng thổi cả rau nguội”! -0
Về quê đón Tết là nhu cầu chính đáng của mỗi người dân. Ảnh: CTV

“5K” trở thành phương châm bất cứ tỉnh, thành nào, cấp độ dịch và “tông màu” nào cũng không được lơ là. Thế nhưng, đảm bảo phòng dịch không có nghĩa là cẩn trọng thái quá, đến mức “thấy kiềng canh nóng thổi cả rau nguội”, nhìn đâu cũng ra… virus. Chính phủ đã ban hành các văn bản liên quan công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế cũng phổ biến những tiêu chí cần thiết. Song, tình trạng “phép vua thua lệ làng” vẫn tái diễn. Đây đó tiếp tục xuất hiện cảnh “ngăn sông cấm chợ”, rào chắn, khắt khe với người về quê như thể họ đang là F0.

Có vô số biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, hạn chế lây nhiễm bệnh (nếu có), nhưng không thể chấp nhận cách phong tỏa như kiểu khóa trái cửa. Nếu xảy ra hỏa hoạn bên trong ngôi nhà thì hậu quả khủng khiếp là điều ai cũng đoán được. Lúc ấy, ai dám đứng ra nhận trách nhiệm? Thay vì tạo điều kiện cho người về quê, những nơi này đã “cách ly” họ tuyệt đối với thế giới bên ngoài. Chẳng khác nào gửi thông điệp cảnh báo, “ngăn cản” đến những người đang có ý định về. Một khi đã áp dụng quy định này thì mỗi tài xế, phụ xe khách đường dài cũng phải tự cách ly đúng 7 ngày sau mới được hành nghề tiếp.

Tiến độ tiêm vaccine ở nhiều tỉnh vẫn chưa bằng các thành phố lớn. Lẽ ra những đô thị mới phải cẩn thận với người nơi khác đến nếu chưa tiêm ít nhất hai mũi cơ bản. Ngược lại, luôn sẵn sàng dang tay tiếp nhận người trở lại, du lịch cũng đã đón khách cả tháng nay, những hoạt động, dịch vụ kinh doanh đông người trong không gian hẹp như vũ trường, karaoke được phép khôi phục. Học sinh từ mầm non trở lên dự kiến sẽ học tập trung sau Tết. Vậy nên, thật vô lý khi cứng nhắc cách ly tối thiểu một tuần với người từ thành phố về quê.

Thanh Bình
.
.
.