Quyết liệt chung tay phòng chống “giặc lửa” ở Bình Dương

Thứ Hai, 03/07/2023, 11:22

Việc các quy chuẩn phòng cháy chữa cháy (PCCC) ra đời sau đều mang tính kế thừa và có bước chuyển tiếp của quy chuẩn ban hành trước đó, cốt yếu là để công tác PCCC được tốt hơn, tránh được những thảm họa có thể xảy ra từ “giặc lửa”.

Tuy nhiên, sự thay đổi nhanh chóng đó, dù ít dù nhiều cũng đã gây ra khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước về PCCC& cứu nạn cứu hộ (CNCH) và các doanh nghiệp. Cộng với những khó khăn từ dịch bệnh COVID-19, từ chiến tranh…đã đẩy không ít doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đứng bên bờ vực phá sản, khó khăn chồng chất…

image001.jpg -0
Chữa cháy tại một nhà xưởng trên địa bàn Bình Dương.

Từ thực tiễn cho thấy, quy chuẩn mới nhất về PCCC (QCVN 06:2022/BXD), bên cạnh điểm chung nhất vẫn còn còn sự khác biệt về địa hình, về ngành nghề, về quy mô doanh nghiệp…nên việc áp dụng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngày 5/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện giao Bộ Công an, Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành địa phương rà soát chính sách pháp luật về PCCC để kịp thời sửa đổi, bổ sung; đẩy mạnh cải cách, giảm thủ tục hành chính, phân loại nhóm các công trình vướng mắc liên quan đến PCCC để có giải pháp tháo gỡ. Và tỉnh Bình Dương là một trong những nơi làm khá tốt công tác này.

Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Bình Dương tâm tư rằng, công trình, nhà máy, xí nghiệp…không chỉ là một tài sản lớn của doanh nhân mà còn là đứa con tinh thần trên con đường phát triển. Họ luôn chăm chút từng ngày, kiểm tra từng lối đi, góc nhà xưởng để bảo vệ an toàn cho “đứa con” của mình. Cho nên, các quy chuẩn về PCCC mang đến sự an toàn cho công trình luôn được các doanh nghiệp cố gắng tối đa để thực hiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung, khi các đơn hàng ngày càng giảm, việc bỏ ra chi phí để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức để làm.

“Do vậy mà tôi mong rằng, trong quá trình thực hiện các quy chuẩn mới phải có lộ trình, có sự nhắc nhở, sẻ chia của cơ quan quản lý nhà nước về PCCC trước khi tiến hành xử phạt họ. Và điều mà tôi mong mỏi nhất đó là có chính sách cho các doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi để đầu tư thực hiện các công trình để bảo vệ môi trường, PCCC…”- bà Trang tâm sự. 

Quyết liệt chung tay phòng chống “giặc lửa” ở Bình Dương -0
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Bình Dương đưa vào sử dụng robot chữa cháy.

Nói về công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về PCCC cho các doanh nghiệp sau khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ, bà Diễm Trang không do dự khi cho rằng, lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Công an tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo rất quyết liệt, hiệu quả. Còn những người thực thi nhiệm vụ là lãnh đạo, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Bình Dương rất tận tình, cởi mở, chỉ dẫn chi tiết, cụ thể nên các thành viên trong Hiệp hội rất hài lòng.

“Ở một số nơi khi nộp hồ sơ PCCC xong, chưa hoàn chỉnh hay còn thiếu hồ sơ gì thì chủ tư phải chờ để trả lời, còn ở Bình Dương các cán bộ PCCC luôn chủ động gọi điện hoặc đến tận cơ sở để chỉ dẫn nhằm hoàn tất hồ sơ nhanh nhất. Qua tiếp xúc với các cán bộ tôi thấy họ rất thông cảm và chia sẻ với doanh nghiệp”- Bà Trang trải lòng. 

Tương tự, bà Trương Thị Thúy Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội giày da- túi xách tỉnh Bình Dương rất đồng tình trước sự chỉ đạo quyết liệt của ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Đó là các đơn vị, địa phương cần áp dụng những giải pháp thiết thực, linh hoạt, đưa ra những hiến kế phù hợp với tình hình thực tế nhằm tháo gỡ những khó khăn sao cho vừa đảm bảo trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PCCC; vừa giúp các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện thuận lợi các quy định về an toàn PCCC trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

“Do đặc thù mỗi ngành nghề và quy mô của doanh nghiệp nên mỗi doanh nghiệp có những khó khăn, vướng mắc riêng, do đó mà sự linh hoạt là hết sức cần thiết trong công tác này. Trong đó, với sự hướng dẫn, khuyến khích người dân chủ động liên hệ với Công ty cổ phần nước- môi trường Bình Dương lắp đặt trụ nước chữa cháy từ hệ thống cấp nước đô thị phía trước công trình đã giảm chi phí đáng kể, giúp cho công tác chữa cháy được thuận lợi, hiệu quả mà vẫn đáp ứng các quy định về PCCC”- Bà Liên cho biết thêm.

Quyết liệt chung tay phòng chống “giặc lửa” ở Bình Dương -0
Nghiệm thu về PCCC tại Công ty sữa NUTRIBIZ (TX Bến Cát, Bình Dương).

Đối với các doanh nghiệp hoạt động tư vấn, thiết kế, thi công, lắp đặt hệ thống PCCC trong và ngoài tỉnh Bình Dương khi được chúng tôi trao đổi đều có chung nhận định là họ đã “trưởng thành” hơn sau khi tham gia nhiều hội nghị do Công an tỉnh Bình Dương tổ chức về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.  Một trong số đó là Hội nghị triển khai, hướng dẫn các quy định liên quan đến hoạt động tư vấn, thiết kế, thi công, lắp đặt hệ thống PCCC có sự tham gia của hơn 500 người là đại diện cơ quan quản lý nhà nước về PCCC; các đơn vị hoạt động tư vấn, thiết kế, thi công, lắp đặt hệ thống PCCC và đại diện các doanh nghiệp, chủ đầu tư. Hội nghị nhằm nâng cao năng lực cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ về PCCC trên địa bàn toàn tỉnh Bình Dương và các tỉnh lân cận giúp cho công tác hướng dẫn, tư vấn cho các chủ đầu tư được thực hiện nhanh chóng, đầy đủ theo quy định.

Ông Hồ Trọng Thế, Giám đốc Công ty TNHH PCCC Kim Hoàng (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết, qua các hội nghị mà Công an tỉnh Bình Dương tổ chức, doanh nghiệp của ông đã tự tin hơn rất nhiều khi nhận tư vấn, thiết kế, thi công cho khách hàng. “Khi có quy chuẩn mới doanh nghiệp như chúng tôi rất khó có thể tiếp thu trọn vẹn và rành rẽ nên khi áp dụng còn bối rối, khó khăn. Nhưng đó là lúc trước, còn bây giờ với sự hỗ trợ trực tiếp từ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Từ đó mà những công trình do đơn vị chúng tôi nhận làm đạt tỷ lệ nghiệm thu từ 90-95%, phần còn lại vẫn đang được tiếp tục tháo gỡ”- Ông Thế vui mừng cho biết.

Còn ông Đỗ Văn Tú, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mai Thanh Bình (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cho biết rất hài lòng khi tham gia vào các nhóm Zalo do Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Bình Dương lập nên. Bởi thành viên của các nhóm Zalo này có cả cơ quan quản lý nhà nước về PCCC, các chủ đầu tư, doanh nghiệp và các đơn vị tư vấn, thiết kế, thi công. Cho nên mọi thứ khó khăn, vướng mắc về thủ tục PCCC đều được lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH giải đáp, hướng dẫn tường tận, chi tiết. Điều này giúp cho chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thiết kế, thi công đỡ phải tốn kém thời gian, công sức như trước đây.

Quyết liệt chung tay phòng chống “giặc lửa” ở Bình Dương -0
Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được các doanh nghiệp, chủ đầu tư do Công an Bình Dương tổ chức.

Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn,  Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Bình Dương cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương về tháo gỡ khó khăn cho doang nghiệp trong công tác PCCC theo công điện của Chính phủ, Giám đốc Công an tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ (Phòng Tham mưu, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH và Công an các địa phương) tổ chức thực hiện việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau: Nghiên cứu, vận dụng các nội dung hướng dẫn để xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở, dự án, công trình; khẩn trương làm việc, hướng dẫn cho các chủ đầu tư, chủ cơ sở còn gặp vướng mắc để sớm khắc phục các tồn tại và thực hiện việc thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC bảo đảm theo quy định.

Đồng thời thành lập nhiều tổ công tác đến trực tiếp các cơ sở còn vướng mắc trong thực hiện các quy định về PCCC; chủ động mời chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế lên làm việc để trao đổi, hướng dẫn phương án tháo gỡ đối với các công trình thiết kế chưa đạt, chưa đảm bảo theo quy định tại các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC. Đặc biệt là Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tổ chức nhiều buổi hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được các doanh nghiệp, chủ đầu tư đánh giá cao.

Kết quả đến nay, Công an tỉnh Bình Dương đã giải quyết khoảng 80% các hồ sơ thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC bị vướng mắc, số còn lại đang được chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công, chủ đầu tư điều chỉnh hoàn thiện theo hướng dẫn của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH và chỉ đạo của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an. “Trong thời gian tới, trong quá trình thực hiện các quy định về PCCC của các cơ sở có thể còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc khác do phát sinh từ thực tiễn cũng như bất cập của quy định hiện nay. Do vậy, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tham mưu cho Công an Bình Dương phối hợp cùng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ, khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, đồng thời rà soát, tổng hợp đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đảm bảo tính khả thi, bền vững và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC”, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn  nhấn mạnh.

Mã Hải
.
.
.