Thấp thỏm mùa hoa Tết Đà Lạt

Thứ Bảy, 02/12/2023, 08:17

Cuối năm, tiết trời đột ngột trở lạnh, từng cơn gió heo may thổi dồn dập từ miền biển về khiến các loài hoa dễ chìm vào tình trạng “ngủ đông”. Kinh nghiệm đã được rút ra sau hàng chục năm canh tác, đêm về bà con ở làng hoa Thái Phiên, phường 12, nơi sản xuất hoa cúc lớn nhất TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng lại đồng loạt thắp điện sáng rực trên những cánh đồng hoa trải dài tít tắp.

Ánh điện kích thích các loài hoa, nhất là hoa cúc đẩy mạnh sinh trưởng và phát triển. Ngược lại, muốn kìm hãm sự phát triển của các loài hoa, gia chủ chỉ cần ngắt điện, không thắp sáng vào ban đêm nữa, cây cúc sẽ dễ rơi vào tình trạng “ngủ đông”, kéo dài thêm thời gian sinh trưởng và phát triển.

Ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ làng hoa Thái Phiên, TP Đà Lạt cho biết, hàng chục năm qua, để “căn” các loài hoa nở theo ý muốn, nhất là trúng vào thời điểm Tết, ngoài gieo trồng theo thời gian sinh trưởng bình thường của từng loài hoa, người Đà Lạt thường dùng ánh sáng đèn điện để kích cho hoa phát triển nhanh hơn hoặc chậm hơn chậm bình thường.

hoa tet 1 copy.jpg -0
Hoa lay ơn phục vụ thị trường Tết ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Kinh nghiệm là vậy nhưng vẫn có không ít gia đình phải “ngậm trái đắng” vì hoa nở trước Tết hoặc trễ hơn dự kiến. Theo bà Nguyễn Thị Phương, người có hơn 40 năm trồng hoa Tết ở làng hoa Vạn Thành, phường 5, TP Đà Lạt, thời tiết luôn giữ vai trò quan trọng đối với các loài hoa. Trời chuyển lạnh đột ngột, nhiệt độ xuống thấp kéo dài và ban ngày không có nắng hoặc nắng nóng, nhiệt độ tăng cao bất thường kéo dài nhiều ngày… luôn là yếu tố bất lợi cho người trồng hoa Tết. Dùng điện thắp sáng vào ban đêm không phải là yếu tố quyết định trực tiếp tới thời gian hoa nở. Có những gia đình gặp bất lợi về thời tiết mà hoa không thể đúng vào dịp Tết mặc dù đã vận dụng “sạch sành sanh” hàng chục năm kinh nghiệm.

Với bà Nguyễn Thị Phương, chỉ khi nào cầm được tiền trong tay thì vụ hoa Tết mới được gọi là “chắc ăn”. “Giá cao, hoa tiêu thụ nhanh nhưng phần lớn các nhà vườn ở Đà Lạt vẫn thường bán hoa dưới hình thức ký gửi. Tức là thu hoạch, đóng thùng, gửi nhà xe chuyển tới các vựa hoa lớn ở TP Hồ Chí Minh để bán. Bán được bao nhiêu, giá cả thế nào sẽ được chủ vựa báo lại sau đó các bên mới chốt ngày thanh toán tiền bằng hình thức chuyển khoản!... Nhà vườn và chủ vựa nhiều khi không biết nhau, làm ăn chủ yếu dựa vào niềm tin và uy tín!...”, bà Phương cho biết.

Cũng theo bà Phương, có những Tết, không ít gia đình trồng hoa ở Đà Lạt mất trắng vì bất thình lình không còn liên lạc được với chủ vựa hoa ở TP Hồ Chí Minh nữa. Tìm tới nơi mới hay chủ vựa đã trả mặt bằng, chuyển đi đâu không ai rõ. Đó là cái Tết không trọn vẹn của người trồng hoa khi bị những kẻ có dã tâm lợi dụng niềm tin để lừa đảo. 

Bây giờ xứ lạnh không còn là nơi “độc quyền” của các loài hoa. Công nghệ, kỹ thuật trồng hoa ngày càng phát triển, những nơi lâu nay được cho là thiên nhiên không ưu đãi cũng có thể trồng được hoa Tết, thậm chí chất lượng hoa không thua kém trồng ở Đà Lạt mà chi phí lại thấp hơn rất nhiều. Sau hàng chục năm chỉ chuyên canh các loài hoa, phần lớn đất đai ở Đà Lạt đã thoái hóa, bạc màu, xuất hiện nhiều sâu bệnh gây hại cho cây trồng, làm tăng chi phí sản xuất khi nhà nông phải liên tục “thúc” phân bón, thuốc trừ sâu.

Theo tính toán của bà Nguyễn Thị Phương, giá thành sản xuất hoa Tết ở Đà Lạt thường cao hơn các nơi khác ít nhất 15% do phát sinh từ phân bón, thuốc trừ sâu. Đó là chưa kể giá thuê nhân công chăm sóc, thu hoạch ở cận Tết ở Đà Lạt rất cao. Lợi thế cạnh tranh của hoa Đà Lạt so với hoa cùng loại được trồng ở nơi khác thường yếu hơn. Đó là lý do nhiều năm qua, gia đình ông Đinh Công Hải, khu Đa Thiện, phường 8, TP Đà Lạt không tập trung nguồn lực để trồng hoa Tết mà đẩy mạnh tăng sản lượng các loại hoa vào dịp lễ, rằm trong năm để giảm sự cạnh tranh.

“Thị trường tiêu thụ hoa Đà Lạt chủ yếu là miền Trung và TP Hồ Chí Minh, nếu cứ đổ dồn và tăng sản lượng hoa Tết, nhiều khả năng sẽ bị bội thực hoa dẫn tới cung vượt quá cầu. Chuyện hoa Tết bị đổ bỏ là điều có thể xảy ra!...”, ông Hải chia sẻ.

Ngành nông nghiệp TP Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, nơi có diện tích sản xuất hoa Tết lớn nhất tỉnh Lâm Đồng thường khuyến cáo bà con nông dân không nên tập trung tất cả vào vụ hoa Tết, nhất là các loài hoa phổ thông, dễ trồng. Người làm hoa cần tập trung hơn vào các loài hoa vẫn còn là thế mạnh, riêng biệt của Đà Lạt – Lâm Đồng như hoa lily, cát tường, cẩm nhung, lay ơn, địa lan…

Khắc Lịch
.
.
.